Tìm hiểu giải pháp Định danh Công dân Điện tử - Smart Citizen của Hyperlogy

VietTimes -- Chủ tịch HĐQT công ty Hyperlogy, ông Chu Xuân Vinh nói rằng giải pháp Định danh Công dân Điện tử được xây dựng với mục đích nâng cao chất lượng phục vụ công dân, giảm thời gian xử lý hồ sơ và minh bạch thủ tục hành chính.
ông Chu Xuân Vinh giới thiệu giải pháo Smart Citizen với những người quan tâm
ông Chu Xuân Vinh giới thiệu giải pháo Smart Citizen với những người quan tâm

Bên lề Hội thảo quốc gia về Chính phủ Điện tử do Hội Truyền thông số Việt Nam phối hợp với IDG và Sở TT-TT tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức, phóng viên VietTimes đã có cuộc trao đổi với ông Chu Xuân Vinh - Chủ tịch HĐQT Hyperlogy để tìm hiểu về giải pháp hỗ trợ chính phủ điện tử của công ty này.

Được biết, Hyperlogy đã mang đến giới thiệu một giải pháp gọi là Smart Citizen, ông có thể nói rõ hơn về tính ứng dụng của giải pháp này đối với hệ thống Chính phủ Điện tử?

Chính phủ đã có Nghị quyết đầu tiên tập trung về Chính phủ điện tử từ năm 2015 nhằm “Đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan Nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Nâng vị trí của Việt Nam về Chính phủ điện tử theo xếp hạng của Liên Hợp Quốc. Công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan Nhà nước trên môi trường mạng”. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã có những chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Có thể nói, Người dân là trung tâm phục vụ, nên giải pháp Smart Citizen -Nhận diện công dân điện tử - được Hyperlogy xây dựng và phát triển với mong muốn nâng cao trải nghiệm và chất lượng phục vụ công dân, giảm tải thời xử lý hồ sơ, tăng hiệu suất làm việc của công chức, minh bạch thủ tục hành chính, đặc biệt, có thể liên thông hệ thống dịch vụ công.

Ứng dụng Smart Citizen, thay vì định danh công dân bằng gặp mặt trực tiếp, qua đối chiếu chứng từ giấy khá phiền phức, các cơ quan nhà nước có thể thực hiện định danh công dân bằng phương thức điện tử ngay khi khách hàng đến phòng tiếp công dân nhờ sự hỗ trợ của các công nghệ tân tiến như kiểm tra, đối chiếu thông tin cá nhân tức thời với cơ sở dữ liệu tập trung về danh tính công dân. Cụ thể:

- Định danh sớm công dân thông qua QR Code, CMND, xác thực khuôn mặt và vân tay.

- Tích hợp với giải pháp SMART QUEUE: phân luồng công dân theo từng nghiệp vụ và theo nhóm công dân;

- Thông tin trên CMND sẽ được bóc tách (Chữ, ảnh, vân tay) và tự động điền trên các biểu mẫu điện tử.

Việc lưu trữ bất kỳ dữ liệu nào về công dân cũng gây ra những lo ngại về vẫn đề bảo mật thông tin cá nhân? Liệu giải pháp của Hyperlogy có đáp ứng được yêu cầu về bảo mật?

ông Chu Xuân Vinh
ông Chu Xuân Vinh

Với 16 năm xây dựng và phát triển trong lĩnh vực CNTT, Hyperlogy hoàn toàn có kinh nghiệm xây dựng và vận hành các giải pháp tích hợp hệ thống cũng như bảo mật hệ thống.

Những giải pháp, dịch vụ được Hyperlogy cung cấp trong lĩnh vực Hành chính công, Tài chính, Bảo hiểm, qua nhiều cuộc khảo sát đánh giá của giới chuyên môn, luôn được đánh giá cao về kiến trúc, cũng như an ninh, an toàn hệ thống.

Bên cạnh đó, Hyperlogy đã triển khai hệ thống Quản lý an ninh an toàn thông tin (Information Security Management System - ISMS) theo chuẩn quốc tế ISO/IEC 27001, quản lý toàn diện từ khâu thiết kế, phát triển, triển khai và trong suốt quá trình vận hành hệ thống.

Vậy nên, không chỉ Smart Citizen, bất kỳ giải pháp, dịch vụ nào được Hyperlogy nghiên cứu, xây dựng và phát triển cũng luôn được chú trọng khâu bảo mật.

Giải pháp này có xâm phạm đời tư công dân không thưa ông?

Giải pháp Smart Citizen không xâm phạm thông tin đời tư của công dân. Các thông tin công dân cung cấp là những thông tin thuộc yêu cầu của từng dịch vụ công. Hệ thống không yêu cầu công dân cung cấp bất cứ một thông tin nào khác.

Giải pháp này có hệ thống phân cấp quản lý, phân cấp truy cập ko?

Giải pháp Smart Citizen có cơ chế phân cấp quản lý chặt chẽ. Chức năng là tính năng của hệ thống. Quyền là quyền sử dụng tính năng của hệ thống. Nhóm chức năng cho phép đưa tính năng của hệ thống chưa có trên giao diện người dùng lên giao diện người dùng và tạo quyền sử dụng các tính năng đó.

Mô hình phân quyền chức năng trong hệ thống như sau:

- Mỗi quyền có một hoặc nhiều chức năng.

- Cho phép cấp quyền cho đơn vị, và cho người dùng.

- Cho phép đơn vị cấp quyền cho người dùng trong phạm vi quyền của đơn vị.

Hy vọng giải pháp của Hyperlogy sẽ được chính phủ lưu tâm và ứng dụng trong thực tế. Xin cảm ơn sự chia sẻ của ông!