Đó là nhận định về Chính phủ điện tử, Chuyên gia Nguyễn Quang Đồng - Viện trưởng Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) – trực thuộc Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) trước thềm Hội thảo Quốc gia về Chính phủ điện tử năm 2019 được tổ chức tại Huế.
Theo ông Nguyễn Quang Đồng, Chính phủ điện tử thực hiện 2 chức năng chính là cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân và thực hiện chức năng tương tác, trao đổi thông tin giữa chính quyền và người dân. Như vậy, 2 yêu cầu chính đối với Chính phủ điện tử là dịch vụ công trực tuyến phải đạt hiệu quả và chất lượng; giúp giảm chi phí, giảm thời gian giao dịch. Một hệ quả quan trọng là nâng cao tính minh bạch, giảm cơ hội tham nhũng, vòi vĩnh của cán bộ thực hiện giao dịch hành chính.
Đồng thời, việc cung cấp thông tin cho người dân đạt hiệu quả; tăng tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của bộ máy nhà nước. Từ đó, Viện trưởng IPS đề xuất, Chính phủ điện tử trong giai đoạn hiện nay ở Việt Nam cần tập trung vào mục đích phục vụ tốt nhất, thuận tiện nhất cho giao dịch hành chính và tương tác giữa người dân, doanh nghiệp với chính quyền.
Được biết, Hội thảo Quốc gia về Chính phủ điện tử năm 2019 do Hội Truyền thông số Việt Nam phối hợp với IDG, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức vào ngày mai (26/7), dưới sự chủ trì của Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế.
Hội thảo sẽ tập trung thảo luận và đóng góp ý kiến giúp các cơ quan quản lý nhà nước từng bước thực hiện tốt 5 nhóm nhiệm vụ tập trung từ nay đến năm 2025 mà Thủ tướng Chính phủ đã xác định, qua đó góp phần thúc đẩy nhanh hơn nữa quá trình hoàn thiện, chuyển đổi số hệ thống Chính phủ điện tử.
Tại Hội nghị trực tuyến của Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử với các ban chỉ đạo xây dựng CPĐT, chính quyền điện tử bộ ngành, địa phương vừa diễn ra ngày 23/7, Thủ tướng nêu rõ tầm nhìn trong xây dựng CPĐT, tiến tới Chính phủ số, nền kinh tế số. Đây là 3 cấp độ phát triển khác nhau, không phải xong cấp độ 1 rồi mới tới cấp độ 2 mà ngay cấp độ 1 đã có các yếu tố của cấp độ 2, 3. Việc xây dựng CPĐT cần phải giải quyết tốt 4 mối quan hệ, gồm 2 quan hệ với bên ngoài (Chính phủ với người dân, Chính phủ với doanh nghiệp) và 2 quan hệ nội bộ (giữa các cơ quan Chính phủ với nhau, giữa Chính phủ với cán bộ công chức). Làm tốt mối quan hệ bên trong thì mới làm tốt mối quan hệ bên ngoài.
Thủ tướng cũng đã nhiều lần nhấn mạnh phương châm xây dựng chính phủ điện tử, đó là phải lấy người dân làm trung tâm, lấy sự thuận tiện, hài lòng của người dân làm mục tiêu và phải bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau. Dịch vụ công trên nền tảng số phải thuận tiện. Nếu người dân không dùng, doanh nghiệp, tổ chức không dùng thì coi như chính phủ điện tử thất bại, đầu tư là lãng phí. Về cách tiếp cận, cách làm chính phủ điện tử, Thủ tướng lưu ý sử dụng hình thức đối tác công tư một cách chặt chẽ.
“Những gì đã phát triển, đang chạy tốt thì phải liên thông lại. Cái gì chưa làm thì làm theo cách mới, tức là xây dựng các nền tảng dùng chung cho các tỉnh, các bộ ngành, tránh lãng phí, triển khai đồng bộ và nhanh theo hướng Chính phủ đầu tư hoặc thuê dịch vụ của nền tảng này”, Thủ tướng nói.