TikTok: Việt Nam sẽ là thị trường phát triển ấn tượng nhất khu vực về Shoppertainment

VietTimes – 4 nước Việt Nam, Indonesia, Thái Lan và Úc được đánh giá là sẽ đạt tốc độ 63% tăng trưởng kép hàng năm trong vòng 3 năm tới với phương thức kinh doanh Shoppertainment - mua sắm online kết hợp giải trí.
Cuối tháng 4/2022, TikTok giới thiệu giải pháp thương mại điện tử tên TikTok Shop tại Việt Nam.

Thông tin được đưa ra tại báo cáo "Shoppertainment: APAC's Trillion-Dollar Opportunity" (Mua sắm kết hợp giải trí: Cơ hội trị giá hàng nghìn tỉ USD cho khu vực Châu Á - Thái Bình Dương), do TikTok và Tập đoàn tư vấn Boston vừa chính thức công bố. Đây là báo cáo tổng hợp khảo sát tại các thị trường trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm Indonesia, Thái Lan, Việt Nam, Úc, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Theo báo cáo trên, sự đa dạng trong các lựa chọn được định hướng bởi công nghệ đã định hình nhu cầu khám phá, tính xác thực, các đề xuất hướng đến cộng đồng, từ đó tạo ra xu hướng tiếp theo của thương mại điện tử là Shoppertainment - xu hướng mua sắm online kết hợp giải trí.

Shoppertainment là hình thức thương mại dựa trên nội dung có tính chất giải trí và định hướng người tiêu dùng, đồng thời kết hợp nội dung và cộng đồng nhằm tạo ra những trải nghiệm mua sắm phong phú. Xu hướng này mở ra lộ trình hấp dẫn để các thương hiệu cách mạng hóa cách họ tương tác với các đối tượng mục tiêu thông qua định dạng ưu tiên video (video-first) và có âm thanh.

Báo cáo cũng dự đoán Indonesia, Việt Nam và Thái Lan là các thị trường phát triển ấn tượng nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tại 3 thị trường này cùng với Úc, Shoppertainment sẽ đạt tốc độ 63% tăng trưởng kép hàng năm trong vòng 3 năm tới, đồng thời tăng gấp 4 lần giá trị thị trường từ 24 tỉ USD lên 100 tỉ USD.

Hai đơn vị bắt đầu bằng việc khảo sát khoảng 2.000 người dùng 6 thị trường kể trên. Theo ông An Bùi – đại diện TikTok Việt Nam, bước phỏng vấn đào sâu giúp doanh nghiệp lắng nghe và hiểu thêm về hành trình mua hàng và quan điểm của họ về những ưu tiên khi xem nội dung quảng cáo và giải trí.

“Điểm đặc biệt của báo cáo là chúng tôi phỏng vấn cả người dùng TikTok và người không dùng TikTok. Nhờ đó, chúng tôi hiểu rõ hơn lý do của những thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng. Thế nên, báo cáo không mang tính đại diện riêng cho TikTok và Shoppertainment chỉ đang xuất hiện trên TikTok. Shoppertainment là xu hướng, cơ hội chung cho toàn ngành hàng e-Commerce" - ông An Bùi nói thêm.

Kỹ thuật số càng phát triển, hành trình mua sắm càng bị gây nhiễu

Nghiên cứu do TikTok và BCG thực hiện cho thấy trải nghiệm quảng cáo trực tuyến hiện đã đạt đến điểm bão hòa, gây ra nhiều khó khăn cho chính người tiêu dùng trên hành trình mua sắm của họ. Cụ thể:

1. Trì hoãn việc đưa ra quyết định: 26% người tiêu dùng muốn có thêm thời gian để cân nhắc mua hàng và 46% quyết định mua hàng vào một ngày khác.

2. Hành trình mua sắm bị gây nhiễu bởi nhiều con đường khác nhau: 89% người tiêu dùng tìm kiếm thông tin cả trong và ngoài ứng dụng, 63% cần xem nội dung ít nhất 3-4 lần và 85% chuyển đổi ứng dụng trên hành trình mua sắm.

3. Người dùng hoài nghi về thương hiệu: 34% người tiêu dùng hoài nghi về các nội dung thương hiệu, gây cản trở trong việc đưa ra quyết định mua hàng trên mạng xã hội hay các ứng dụng giải trí.