Ngày 25.9.2012, Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung TP.Nha Trang đến năm 2025, nêu rõ chiều cao các công trình xây dựng tối đa ở khu vực mà Mường Thanh Khánh Hòa đang xây cao ốc là không quá 40 tầng.
Tuy nhiên, ngày 12.9.2014, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa vẫn ký thỏa thuận cho Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 Điện Biên thuê 5.864 m2 để làm dự án Mường Thanh Khánh Hòa với chiều cao 47 tầng cùng 1 tầng kỹ thuật trên và 2 tầng hầm.
Chưa hết, đến tháng 5.2015, cao ốc này được phát hiện xây vượt diện tích 1.031 m2 nhưng UBND tỉnh Khánh Hòa lại thỏa thuận cho chủ đầu tư thuê bổ sung, tăng diện tích dự án lên 6.895 m2; đồng thời đề nghị Bộ Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ cho điều chỉnh đồ án quy hoạch, nâng chiều cao khống chế lên 60 tầng.
Tuy nhiên, ngày 6.12.2015, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã “bác” đề nghị trên của Khánh Hòa.
Sau khi nhận thông báo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, ngày 5.1.2016, tỉnh Khánh Hòa đã “sửa chữa sai lầm” bằng văn bản yêu cầu Mường Thanh Khánh Hòa điều chỉnh phương án kiến trúc quy hoạch dự án với chiều cao không quá 40 tầng.
Ngày 9.3.2016, doanh nghiệp có văn bản gửi UBND tỉnh và Sở Xây dựng, khẳng định đơn vị đã dừng thi công đến tầng 40 và sẽ tháo dỡ phần thép dư trên tầng 40 để chờ điều chỉnh thiết kế, đề nghị tỉnh và Sở tạo điều kiện để tiếp tục thi công, hoàn thiện từ móng đến tầng 39.
Mặc dù vậy, đến tháng 8/2016, Mường Thanh Khánh Hòa đã tiếp tục cho xây dựng lên đến tầng 42.
Ngày 16/8, Sở xây dựng tỉnh Khánh Hòa đã yêu cầu Chủ đầu tư là doanh nghiệp tư nhân Xây dựng số 1 Điện Biên chấp hành quy định của Nhà nước, yêu cầu đình chỉ việc thi công, dỡ bỏ các tầng sai phạm.
Ngoài các văn bản yêu cầu, trước sức ép của dư luận, tỉnh Khánh Hòa đã có những biện pháp cứng rắn hơn với Mường Thanh Khánh Hòa như cắt nước, cúp điện, cắt cử người ra ngăn cản xe chở vật liệu đến tập kết tại công trình… Nhưng doanh nghiệp tư nhân Xây dựng số 1 Điện Biên vẫn tiếp tục cho thi công.
Ngày 9.9.2016, Sở Xây dựng Khánh Hòa buộc phải đưa ra giải pháp cuối cùng: thu hồi giấy phép xây dựng công trình Mường Thanh Khánh Hòa. Tuy nhiên, Bộ Xây dựng lại có chỉ đạo “phải xem xét” việc thu lại giấy phép theo đúng trình tự pháp luật.
Đến thời điểm hiện tại, theo thông tin từ Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa, dù đã quá 10 ngày nhưng phía Mường Thanh vẫn chưa nộp lại giấy phép xây dựng và tiếp tục thi công.
Theo điều 101 luật Xây dựng, khi bị thu hồi giấy phép xây dựng thì trong thời hạn 10 ngày, chủ đầu tư phải nộp lại giấy phép hoặc Sở sẽ hủy giấy phép. Nếu chủ đầu tư vẫn tiếp tục thi công thì bị xử lý như trường hợp xây dựng không giấy phép và bị cưỡng chế.
Trong một diễn biến khác, mới đây, tỉnh Khánh Hòa đã xin được điều chỉnh tăng độ cao công trình ở một số điểm trong quy hoạch chung TP.Nha Trang đến năm 2025 (trong 13 điểm đề xuất thay đổi, có 8 điểm đề xuất tăng độ cao công trình). Mặc dù hiện hồ sơ điều chỉnh này đang được Bộ Xây dựng xét duyệt và chưa có ý kiến cuối cùng, nhưng đây có thể xem là một động thái “nới tay” của tỉnh Khánh Hòa với công trình vi phạm Mường Thanh Khánh Hòa.
Được biết, lúc vừa mở móng, Mường Thanh Khánh Hòa đã rao bán các căn hộ từ tầng 41 – 47 cho hơn 300 khách hàng để huy động vốn.
Mặc dù theo Nghị định 71/2010/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 16/2010/TT-BXD của Bộ Xây dựng, quy định chủ đầu tư chỉ được mua bán và huy động vốn sau khi đã thi công xong phần móng và khi huy động vốn phải thông báo cho Sở Xây dựng trước 15 ngày.
Như vậy, nếu dự án này bị rút giấy phép xây dựng, thì số nhà đầu tư đã nộp tiền mua căn hộ tại các tầng vượt phép sẽ gặp rủi ro lớn về vốn đầu tư.