Trước đó, ngày 5/9/2014, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 7896/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép không gỉ cán nguội nhập khẩu vào Việt Nam từ các nước/vùng lãnh thổ: Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Indonesia, Malaysia và lãnh thổ Đài Loan.
Đến ngày 29/4/2016, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 1656/QĐ-BCT về kết quả rà soát lần thứ nhất của vụ việc.
Quyết định ghi rõ, căn cứ theo quy định tại Điều 24 của Pháp lệnh số 20/2004/PL-UBTVQH11 về việc chống bán phá giá hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam, áp dụng mức thuế chống bán phá giá mới theo kết quả rà soát lần thứ nhất đối với một số sản phẩm thép không gỉ cán nguội nhập khẩu vào Việt Nam từ các nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Indonesia, Malaysia và lãnh thổ Đài Loan.
Đối tượng hàng hóa bị áp thuế chống bán phá giá là thép không gỉ cán nguội ở dạng cuộn hoặc dạng tấm có chứa 1.2% hàm lượng cacbon hoặc ít hơn và chứa 10.5% hàm lượng crôm trở lên, có hoặc không có các nguyên tố khác. Cụ thể là các loại thép có mã HS: 7219.32.00; 7219.33.00; 7219.34.00; 7219.35.00; 7219.90.00; 7220.20.10; 7220.20.90; 7220.90.10; 7220.90.90.
Đối với mức thuế, các sản phẩm thép có xuất xứ từ Trung Quốc, Đài Loan bị áp thuế cao nhất, có loại lên tới 37,29%. Các mức thuế chống bán phá giá mới sẽ được áp dụng kể từ ngày 14 tháng 5 năm 2016 đến ngày 06 tháng 10 năm 2019
Sau một năm kể từ ngày có quyết định áp dụng biện pháp chống bán phá giá, một hoặc nhiều bên liên quan đến vụ việc có quyền đề nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương ra quyết định tiến hành rà soát trên cơ sở bên đề nghị cung cấp các bằng chứng chứng minh sự cần thiết phải thực hiện rà soát.
Do đó, từ ngày 29/4, Cục Quản lý cạnh tranh thông báo chính thức tiếp nhận hồ sơ yêu cầu rà soát lần thứ hai việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá một số sản phẩm thép không gỉ cán nguội xuất xứ từ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Indonesia, Malaysia và lãnh thổ Đài Loan.
Các doanh nghiệp và bên liên quan có thể nộp hồ sơ yêu cầu rà soát áp dụng biện pháp chống bán phá giá theo mẫu hồ sơ yêu cầu rà soát. Phạm vi đề nghị rà soát có thể bao gồm nhưng không giới hạn ở các nội dung sau: Phạm vi hàng hóa thuộc đối tượng áp thuế; biên độ bán phá giá đối với một hoặc một số doanh nghiệp cụ thể; thiệt hại của ngành sản xuất trong nước.
Hiện nay, các nhà sản xuất thép trong nước đã có thể tự sản xuất các sản phẩm thép phục vụ, nhất là những sản phẩm thép không gỉ cán nguội. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn nhập khẩu hàng triệu tấn thép loại này.
Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, năm 2016, trong 22 triệu tấn thép mà Việt Nam đã nhập về thì có gần nửa lượng thép nhập khẩu lại là các loại thép trong nước đã sản xuất được. Đặc biệt có nhiều sản phẩm trong nước còn dư khả năng sản xuất như như phôi thép, tôn mạ và sơn phủ màu...
Tuy nhiên, công nghệ luyện thép trong nước hiên tại vẫn chưa thể sánh bằng với các nước như Trung Quốc, khiến thép nhập khẩu có giá thành rẻ hơn so với giá tự sản xuất. Vì thế, việc nhập khẩu số lượng lớn các mặt hàng thép trong nước tự sản xuất đang làm cho các doanh nghiệp nội bị cạnh tranh quyết liệt.
Dù Bộ Công thương đã có Quy định áp thuế tự vệ nhưng các sản phẩm này lại dựa vào lỗ hổng về phân loại thép để né thuế. Ví dụ như khi mã thép dây cuộn được nhập (mã 7227.90.00) bị đánh thuế tự vệ 15,4% thì lượng nhập giảm rõ rệt. Trong khi đó, mã thép 7213.91.90 có cùng tính chất theo tiêu chuẩn Việt nam lại nhập khẩu tăng đột biến.
Vì vậy, việc Bộ Công thương tiếp nhận hồ sơ yêu cầu rà soát lần thứ hai việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá một số sản phẩm thép không gỉ cán nguội xuất xứ từ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Indonesia, Malaysia và lãnh thổ Đài Loan đã đáp ứng được mong chờ của các doanh nghiệp trong nước .