Thụy Điển đã đi đầu thế giới trong đổi mới hoạt động ngân hàng ngay từ rất sớm. Máy rút tiền tự động (ATM) đầu tiên của quốc gia này được ra mắt vào tháng 7 năm 1967, chỉ một tuần sau khi chiếc máy đầu tiên trên thế giới được khai trương ở London. Sự phát triển và đơn giản hóa việc thanh toán đã phát triển vượt bậc kể từ đó. Giờ đây, Thụy Điển đang dẫn đầu thế giới trong việc tiến tới xã hội không dùng tiền mặt 100%.
Thanh toán di động với ứng dụng Swish
Bạn có thể nói rằng điều gì đó sẽ trở thành một phần của văn hóa khi nó đi vào ngôn ngữ hàng ngày. Động từ swisha (to swish) là một ví dụ điển hình. Nó đề cập đến việc sử dụng Swish, một ứng dụng thanh toán nhanh. Một chiếc điện thoại thông minh là tất cả những gì bạn cần để thực hiện chuyển khoản chỉ trong vài giây.
Nhiều quán cà phê, cửa hàng và siêu thị ở Thụy Điển từ lâu đã cung cấp mã QR mà khách hàng có thể quét để thanh toán trực tiếp bằng điện thoại của họ. Ứng dụng Swish, cùng với nhiều cải tiến quy mô lớn và nhỏ khác, góp phần tạo nên danh tiếng của Thụy Điển như một xã hội ngày càng không dùng tiền mặt.
Một xu hướng khác đang phát triển của người Thụy Điển là sử dụng ví kỹ thuật số hoặc thẻ tín dụng để thanh toán qua điện thoại thông minh thay vì tiền/thẻ vật lý.
ID ngân hàng di động
Ngày nay, một phần quan trọng trong việc hòa nhập vào xã hội Thụy Điển liên quan đến việc sử dụng BankID. Đó là một ứng dụng di động cho phép bất kỳ ai có số nhận dạng cá nhân (personnummer) và tài khoản ngân hàng của Thụy Điển đều có thể truy cập tất cả các dịch vụ công điện tử, sử dụng ngân hàng trực tuyến và thậm chí ký hợp đồng.
Tính đơn giản của việc sử dụng một mã gồm sáu chữ số để truy cập các dịch vụ kỹ thuật số qua BankID giúp mọi người không phải nhớ một số lượng lớn mã và mật khẩu. Thay vào đó, chỉ cần sử dụng một mã duy nhất, người dùng đã có thể tiếp cận nhanh chóng và dễ dàng các tiện ích số.
Một cuộc sống không tiền mặt
Thanh toán không dùng tiền mặt rất phù hợp với lối sống của người Thụy Điển.
Sự phổ biến của Swish có thể bắt nguồn từ thói quen của người Thụy Điển thích chia sẻ hóa đơn khi đi đến quán bar và nhà hàng. Thông thường, một người sẽ trả toàn bộ tiền và sau đó nhận lại tiền từ những người còn lại để chia đều.
Theo Ella Johansson, giáo sư Dân tộc học tại Đại học Uppsala, điều này liên quan nhiều đến mối quan hệ giữa tình bạn và tiền bạc:
"Người Thụy Điển coi việc trao đổi tiền và nợ là mối đe dọa đối với tình bạn. Ở các nền văn hóa khác, như Ý chẳng hạn, mọi người sẽ tranh giành nhau để trở thành người thanh toán hóa đơn nhằm duy trì mối quan hệ thân thiện".
Fintech giúp thúc đẩy quá trình chuyển đổi không dùng tiền mặt
Việc hướng tới một xã hội không dùng tiền mặt cũng được thúc đẩy bởi fintech - hay công nghệ tài chính. Nhiều công ty fintech nổi tiếng trên thế giới được thành lập tại Thụy Điển. Ví dụ là Klarna, một công ty khởi nghiệp về hệ thống thanh toán được thành lập vào năm 2005, tuyên bố có khoảng 150 triệu khách hàng trên toàn cầu.
Một công ty khác là Zettle (trước đây là iZettle), chuyên sản xuất các thiết bị đầu cuối thanh toán thẻ nhỏ gọn với giá rất rẻ. Nhờ vào thiết bị đầu cuối này, các nhà bán lẻ có thể tiến hành thanh toán bằng cách kết nối thiết bị với một ứng dụng chuyên dụng trên điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng.
Ví dụ thứ ba là Trustly, một công ty phát triển các giải pháp thanh toán không dùng thẻ. Nền tảng của hãng cung cấp các khoản thanh toán kỹ thuật số từ tài khoản đến tài khoản, có nghĩa là mọi người có thể thanh toán mua sắm trực tuyến ngay từ tài khoản ngân hàng của họ.
Sự phát triển của các công ty fintech này đóng góp quan trọng vào việc xây dựng xã hội không sử dụng tiền mặt ở Thụy Điển.
Thanh toán tiện dụng theo nghĩa đen
Đối với một số người, trải nghiệm không dùng tiền mặt thực sự là trải nghiệm "có một không hai". Họ đã cấy một vi mạch vào tay, có thể lưu trữ các loại dữ liệu khác nhau – từ ID đến dấu mở cửa, vé tàu và thậm chí cả thẻ ngân hàng. Điều này giúp họ có thể thanh toán chỉ bằng cách vẫy tay.
Mặc dù điều này nghe có vẻ giống như khoa học viễn tưởng, nhưng cho đến nay, hơn 4.000 người Thụy Điển đã cấy chip vào tay của của họ. Việc này giúp họ không cần mang theo thẻ ngân hàng, ID, thẻ thành viên hay chìa khóa mỗi khi ra ngoài.
Ngày càng nhiều người Thụy Điển không dùng tiền mặt
Từ năm 2010 đến năm 2020, tỷ lệ người Thụy Điển sử dụng tiền mặt đã giảm đáng kể từ 39% xuống chỉ còn 9%, theo số liệu thống kê gần đây nhất từ Ngân hàng Trung ương Thụy Điển, Riksbank.
Việc sử dụng tiền mặt ở Thụy Điển chủ yếu chỉ giới hạn trong việc thanh toán các khoản nhỏ và đối với người già. Tại các cửa hàng và quán cà phê, biển báo "thanh toán bằng thẻ" hoặc "không dùng tiền mặt" phổ biến hơn nhiều so với "thanh toán bằng tiền mặt" như ở nhiều quốc gia khác.
Mua sắm trực tuyến cũng rất phổ biến ở Thụy Điển, với nhiều nhà bán lẻ trong nước giành được phần lớn lợi nhuận thông qua các cửa hàng trực tuyến. Theo Eurostat, vào năm 2021, 87% dân số Thụy Điển đã thực hiện mua sắm trực tuyến, đưa quốc gia này lọt vào top đầu châu Âu về xu hướng mua sắm trực tuyến.
Để đáp ứng nhu cầu thay đổi của một xã hội ngày càng không dùng tiền mặt, Riksbank đang thử nghiệm một loại tiền kỹ thuật số pháp định – E-krona – một loại tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC). Một mục tiêu của dự án thí điểm này là bảo vệ đồng krona của Thụy Điển trước sự gia tăng của các loại tiền kỹ thuật số phi tập trung.
Rủi ro và thách thức
Tuy nhiên, không phải ai cũng hào hứng với ý tưởng về một xã hội không dùng tiền mặt.
Stefan, một người đàn ông 73 tuổi nói rằng ông vẫn thích thanh toán bằng tiền mặt, "đặc biệt là khi tôi đến Systembolaget (cửa hàng bán rượu độc quyền của nhà nước - PV). Tôi không bao giờ thanh toán bằng thẻ ở đó, vì tôi không muốn ngân hàng biết tôi chi bao nhiêu cho rượu".
Luật sư trẻ người Ý Silvia đã sống ở Thụy Điển được hai năm và cô cho rằng thanh toán điện tử là một cách thực sự tốt để ngăn chặn rửa tiền, tham nhũng và các hoạt động tội phạm khác. Nhưng khi nói đến việc cấy ghép vi mạch, cô bày tỏ sự lo lắng: 'tôi sẽ không bao giờ cấy ghép vi mạch! Hãy nghĩ về tất cả dữ liệu cá nhân được tạo ra, điều gì sẽ xảy ra nếu nó rơi vào tay kẻ xấu?!'
Một vấn đề phổ biến hơn là sự phân hóa ngày càng tăng giữa những người trẻ am hiểu công nghệ, những người thích nghi với việc thay đổi phương thức thanh toán một cách dễ dàng và những người lớn tuổi, nhiều người trong số họ vẫn thích sử dụng tiền mặt.
Một ví dụ đơn giản là vé xe buýt; hầu hết mọi người thường phải mua vé qua một ứng dụng liên kết với Swish hoặc thẻ ngân hàng. Điều này rất tiện lợi đối với những người đã quen sử dụng điện thoại thông minh, nhưng với những người sử dụng điện thoại cũ hoặc không có điện thoại, đây lại là một rào cản thực sự.
Điều gì tiếp theo cho Thụy Điển không dùng tiền mặt?
Tương lai của ngân hàng sẽ tập trung vào trí tuệ nhân tạo (AI). Ngoài những điều đã đề cập ở trên, các công ty công nghệ tài chính như Tink và Rocker (trước đây là Bynk) cũng đang phát triển bùng nổ và xuất hiện nhiều công ty mới. Các ứng dụng ngân hàng và Swish cũng liên tục phát triển, với các bản nâng cấp như các dịch vụ tích hợp và đơn giản hóa, đẩy mạnh chuyển đổi sang một xã hội không sử dụng tiền mặt.
Ai biết được, ؘmột ngày nào đó tất cả mọi người sẽ thanh toán bằng vi mạch được cấy ghép? Bất kể tương lai của ngành ngân hàng ra sao, Thụy Điển có khả năng tiếp tục là quốc gia đi đầu trong đổi mới phương thức thanh toán, hướng tới xã hội không dùng tiền mặt 100%./.