Đó là quan điểm của ông Phùng Huy Tâm, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Chữ ký số và Giao dịch điện tử Việt Nam (VCDC), thuộc Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) khi trao đổi với VietTimes về việc VNPT vừa công bố là nhà cung cấp chữ ký số đầu tiên đáp ứng quy định an toàn để kết nối với VNeID.
Ông Tâm cho rằng việc này giúp cho toàn dân cần là có ngay chứng thư chữ ký số một cách đơn giản và sẵn sàng cho cuộc sống số hàng ngày. Như vậy, khi người dân muốn ký số bất kỳ thì chỉ cần đăng ký dễ dàng qua phương thức này là có thể ký ngay chữ ký số cá nhân. Điều này mang lại thuận lợi hơn nhiều so với trước đây, khi người dân muốn đăng ký chứng thư chữ ký số đều phải qua các quy trình và thủ tục truyền thống.
“Công dân số với chữ ký số cá nhân sẵn sàng có thể hưởng thụ cuộc sống số tiện lợi và an tâm trong mọi hoạt động hàng ngày như giao thông, mua sắm, học tập, làm việc, thủ tục hành chính, y tế…”, Chủ tịch VCDC nói.
Thúc đẩy các giao dịch cá nhân trên môi trường điện tử
Theo ghi nhận của VietTimes, thủ tục đăng ký chữ ký số VNPT SmartCA ngay trên ứng dụng VNeID dễ dàng, hoàn toàn miễn phí và chỉ áp dụng cho các công dân có tài khoản định danh điện tử cấp độ 2. Người dùng không phải cung cấp các bản sao giấy tờ, hồ sơ thuê bao như cách đăng ký truyền thống trước đây.
Đến thời điểm này, trên ứng dụng VNeID chưa có dịch vụ nào yêu cầu người dùng sử dụng chữ ký số. Tuy vậy, việc thực hiện đăng ký chữ ký số VNPT SmartCA miễn phí ngay trên ứng dụng VNeID sẽ tạo thuận lợi cho người dùng trong việc sở hữu chữ ký số cá nhân và tiến tới thực hiện ký kết các giao dịch cá nhân hoàn toàn trên môi trường điện tử.
Trong đó, phải kể tới việc ký các văn bản, tài liệu điện tử như: Hợp đồng, thỏa thuận, hóa đơn,… hay tham gia các giao dịch trực tuyến: Kê khai thu nhập cá nhân, sử dụng internet banking, mobile banking, giao dịch chứng khoán, mua bán trực tuyến,...
Việc này nhằm hiện thực hóa mục tiêu được xác định rõ trong Chiến lược hạ tầng số vừa được Chính phủ phê duyệt đầu tháng 10/2024: Đến năm 2025, tỷ lệ dân số trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử đạt trên 50%; đến năm 2030, tỷ lệ dân số trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử đạt trên 70%.
Trao đổi với VietTimes, đại diện VNPT cho biết về việc đăng ký chữ ký số cá nhân VNPT SmartCA ngay trên VNeID là kết quả đạt từ việc kết nối thành công giữa Hệ thống thông tin của Tổng công ty Dịch vụ Viễn thông (VNPT VinaPhone) và Hệ thống định danh và xác thực điện tử của Bộ Công an.
Các cá nhân có thể sử dụng thêm phương thức sử dụng tài khoản định danh điện tử cấp độ 2 đã được xác thực bởi Bộ Công an từ hệ thống định danh và xác thực điện tử trên ứng dụng VNeID để đăng ký chữ ký số cá nhân hoàn toàn miễn phí.
Đây là phương thức khởi tạo chữ ký số VNPT SmartCA thứ hai ngoài phương thức khởi tạo chữ ký số ngay trên app VNPT SmartCA mà người dùng đã quen thuộc.
Hiện nay, VNPT Smart CA đã kết nối và tích hợp với hơn 900 ứng dụng khác nhau như Cổng dịch vụ công Quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an, hệ thống thuế, hóa đơn của Điện tử của Tổng cục Thuế, Kho bạc Nhà nước, các Cổng dịch vụ công tỉnh, thành phố trên toàn quốc, các hệ thống ứng dụng trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính, chứng khoán, bảo hiểm và hầu hết các ứng dụng trong lĩnh vực giáo dục, y tế…
Theo quy định, chữ ký số là một dạng chữ ký điện tử được tạo ra bằng sự biến đổi một thông điệp dữ liệu sử dụng hệ thống mật mã không đối xứng, có giá trị pháp lý tương đương chữ ký của cá nhân đó trong văn bản giấy.
Theo đánh giá của VCDC, hiện, 100% các doanh nghiệp trên cả nước đều sử dụng chữ ký số trong nội bộ doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với cơ quan nhà nước, giữa doanh nghiệp với khách hàng,…
VCDC cũng ghi nhận thực tế hiện nay cá nhân có chữ ký số chỉ tập trung ở một số khu vực, một số đối tượng. Việc sử dụng chữ ký số cá nhân chỉ tập trung vào một số lĩnh vực nhất định như y tế, giáo dục, hóa đơn điện tử, nhiên liệu,... Đặc biệt, một số lĩnh vực chưa được khai thác rộng rãi như dịch vụ công, giao dịch trực tuyến,...
8 bước đăng ký sử dụng chữ ký số cá nhân trên ứng dụng VNeID
Mời bạn đọc tìm hiểu thêm về chữ ký điện tử TẠI ĐÂY.