Đức đang mắc kẹt giữa những bất đồng sâu sắc giữa Mỹ và Trung Quốc khi cân nhắc có nên loại Huawei ra khỏi danh sách nhà thầu cung cấp thiết bị triển khai mạng viễn thông thế hệ thứ 5, hay 5G. Áp lực từ Washington đã khiến New Zealand, Nhật Bản và Đài Loan phải ban hành lệnh cấm đối với Huawei.
Vào tháng 1/2019, Cơ quan liên bang về an ninh thông tin Đức BSI cũng nhất trí bỏ phiếu chống đối với nhà sản xuất có trụ sở ở Thâm Quyến. Tuy nhiên, Liên đoàn các ngành công nghiệp Đức BDI cảnh báo rằng hành động cấm Huawei tham gia triển khai 5G có thể khiến Bắc Kinh trả đũa các công ty Đức ở Trung Quốc.
Việc ban hành phán quyết cuối cùng đối với Huawei bị trì hoãn cho tới nay phản ánh sự mâu thuẫn trong chính quyền của Thủ tướng Angela Merkel. Phát ngôn viên của chính phủ Đức xác nhận “quá trình đưa ra quyết định vẫn chưa được hoàn thành”. Đồng thời, tờ Handelsblatt cũng báo cáo rằng khi lệnh cấm hoàn toàn thiết bị viễn thông Huawei vẫn chưa được ban hành, thì chính phủ đang tạm thời sửa đổi các yêu cầu về bảo mật.
Thời điểm đóng thầu cung cấp thiết bị mạng viễn thông 5G tại Đức đã được ấn định vào tháng 3. Hiện tại, chính phủ Đức còn chưa đầy một tháng để lựa chọn có nên sử dụng thiết bị của nhà sản xuất Trung Quốc hay không.
Tổng thống Mỹ Donald Trump, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Đức Angela Merkel tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Hamburg năm 2017. Ảnh: Reuters
|
Chẳng dễ dàng để đưa ra quyết định như vậy, khi chính quyền Trump vẫn đang ra sức vận động các đồng minh ngừng sử dụng thiết bị Huawei vì lý do bảo mật, đặc biệt với quốc gia mà Mỹ đóng căn cứ quân sự như Đức.
Huawei không phải là yếu tố duy nhất thử thách sự kiên nhẫn của Berlin với Washington. Hồi tháng 1, Đại sứ Mỹ tại Đức Richard Grenell đã gây sốc khi đe dọa các cồng ty Đức nằm trong dự án xây dựng đường ống dẫn dầu Nord Stream 2 của Nga, dự án đang bị Mỹ phản đối mạnh mẽ.
Trước đó, vào tháng 5.2018, ông Richard Grennell đã bắt đầu nhiệm kỳ tại Đức bằng tuyên bố thẳng thừng rằng nhiệm vụ quan trọng của ông là củng cố phe cánh hữu ở Châu Âu.
Nhưng Berlin còn nhớ Mỹ, chứ không phải Trung Quốc, đã sử dụng thiết bị mạng do tập đoàn công nghệ Cisco sản xuất để theo dõi họ. Chính quyền của bà Merkel cũng nhận thức được rằng các nhà xuất khẩu khí đốt tự nhiên Mỹ sẽ được hưởng lợi nếu Đức rút lui khỏi dự án Nord Stream.
Việc Đức tham gia vào dự án xây dựng đường ống dẫn dầu Nord Stream của Nga đang bị Mỹ phản đối gay gắt. Ảnh: EuroNews
|
Bên cạnh đó, các nhà sản xuất ô tô Đức đang hưởng lợi nhờ thị trường Trung Quốc và chính sách của Bắc Kinh đối với các công ty nước ngoài có trụ sở tại đây. Vào tháng 10.2018, BMW đã trở thành nhà sản xuất ô tô nước ngoài đầu tiên công bố thỏa thuận mua lại lượng lớn cổ phần của một liên doanh ô tô đặt trụ sở ở Trung Quốc.
“Đức thực sự đang ở trong tình huống khó xử, và giải pháp khôn ngoan duy nhất hiện nay là chịu sức ép của Mỹ và không cấm Huawei”. Cố vấn Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Đức, Jacopo Pepe nhận định: “Nếu không, Bắc Kinh sẽ có ấn tượng rằng Berlin hành động theo lệnh của Washington. ĐIều này sẽ gây thiệt hại lâu dài cho mối quan hệ Đức-Trung”.
Mặt khác, các công ty Đức cũng quan tâm đến phạm vi thâm nhập của Trung Quốc vào EU, đặc biệt liên quan đến thỏa thuận mua lại các công ty công nghệ. Tháng trước, Liên đoàn các ngành công nghiệp Đức BDI đã kêu gọi xem xét sự thiếu công bằng trong môi trường kinh doanh ở Trung Quốc.
Mặc dù Đức không đồng tình với những biện pháp trừng phạt thương mại của chính quyền Trump, nhưng các quan chức Đức cũng chia sẻ mối quan ngại bảo mật và sự bành trướng của các công ty Trung Quốc.
Tuy nhiên, chính quyền của bà Merkel đang đối mặt với nhiều sự chỉ trích vì chậm trễ trong việc cải thiện đường truyền Internet. Theo nghiên cứu năm 2017 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, Đức bị xếp hạng 29 trên 34 quốc gia có nền kinh tế và công nghiệp phát triển, về tốc độ kết nối Internet.
Deutsche Telekom, nhà cung cấp dịch vụ viễn thông lớn nhất ở Đức, đã hợp tác cùng Huawei để thử nghiệm mạng 5G tại Berlin từ đầu năm 2018. Công ty cũng cảnh báo rằng lệnh cấm Huawei sẽ kéo dài tiến trình triển khai mạng viễn thông 5G thêm ít nhất 2 năm.
Giám đốc điều hành IPlytics có trụ sở tại Berlin, Tim Pohlman giải thích tiến độ triển khai mạng 5G thiếu Huawei sẽ chậm đi nhiều bởi Huawei là một trong những công ty hàng đầu về công nghệ 5G và sở hữu số lượng lớn bằng sáng chế 5G cần thiết.
Ông Pohlman cho rằng: “Loại trừ Huawei sẽ khiến chi phí triển khai tốn kém hơn vì thiết bị của Huawei thường rẻ hơn nhiều so với các đối thủ Châu Âu và Hàn Quốc”. Giám đốc điều hành Iplytics nói thêm: “Quyết định [mà các nhà mạng Đức] mong muốn là Berlin để cho Huawei chứng minh thiết bị của họ không chứa lỗ hổng cửa hậu có thể tạo điều kiện cho hoạt động gián điệp của Trung Quốc”.
Các nhà mạng Đức đồng tình rằng điều quan trọng nhất là các nhà cung cấp phải chứng minh được thiết bị không tồn tại lỗ hổng backdoor tạo điều kiện cho hoạt động gián điệp. Ảnh: TechSpot
|
Nhận định của ông Pohlman hoàn toàn tương đồng với đề xuất gần đây của nhà mạng Deutsche Telekom. Cụ thể, chính phủ được sẽ kiểm chứng tất cả các thành phần cơ sở hạ tầng viễn thông quan trọng, đánh giá mã nguồn và tất cả các nhà cung cấp phải cam kết “không gián điệp”. Quan trọng hơn, đề xuất này cũng nhận được sự ủng hộ của các nhà mạng khác như Vodafone và Telefonica.
Truyền thông Đức cho biết những quy định mới trong luật viễn thông của Đức cũng yêu cầu nhà cung cấp và nhà mạng chứng minh không chịu sự kiểm soát bởi chính phủ các quốc gia khác.
Trong khi tại Trung Quốc, Bắc Kinh đã ban hành chính sách ép buộc công ty trong nước phải hợp tác với các cơ quan tình báo. Nhưng trong bài phát biểu ở Tokyo tuần qua, Thủ tướng Angela Merkel đã nhấn mạnh rằng phải có sự đảm bảo công ty hoạt động tại Đức không bàn giao dữ liệu cho chính phủ nước ngoài.
Cố vấn Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Đức, Jacopo Pepe đề xuất Berlin nên bắt đầu bằng việc củng cố lập trường trước Bắc Kinh. Ông Pepe nói: “[Chính phủ Đức] nên đảm bảo an toàn dữ liệu và tránh xa các dự án chung nếu kết quả cuộc đàm phán không tốt đẹp”.
Theo Nikkei Asia