Cùng với sự phát triển của các mối quan hệ hợp tác kinh tế, trao đổi thương mại giao dịch tài chính giữa nhiều quốc gia với nhau và trên bình diện toàn thế giới, tiền tệ còn trở thành đối tượng bị chính trị hoá và trở thành vũ khí chính trị của quốc gia hay tổ chức sở hữu đồng tiền ấy.
Nước Mỹ đã làm như thế với đồng USD trên thế giới. Nước Pháp đã làm như thế với đồng Franc ở châu Phi. EU đã làm như thế với đồng Euro ở Châu Âu. Và Trung Quốc hiện đang muốn làm như thế với đồng Nhân dân tệ trên thế giới.
Không phải vô cớ hay vô tư mà Mỹ cách đây hơn 70 năm đã tìm cách để gây dựng Hệ thống Bretton Woods giúp đồng USD có được vị thế, vai trò và ảnh hưởng của đồng tiền chủ đạo không chính thức trên thế giới. Cũng vì nhằm vào cả nhiều lợi ích chính trị và chiến lược khác nữa mà nhiều quốc gia tìm cách mở rộng phạm vi sử dụng đồng bản tệ và giảm dần mức độ sử dụng các đồng ngoại tệ khác.
EU với đồng Euro. Trung Quốc với đồng Nhân dân tệ thông qua hợp tác tiền tệ quốc tế, đặc biệt hoán đổi tiền tệ song phương, trong các thể chế tài chính, ngân hàng mới được thành lập như ngân hàng chung của nhóm BRICS, Ngân hàng Phát triển cơ sở hạ tầng châu Á...
Cũng chính vì thế mà trên thế giới chưa khi nào tan biến hết ám ảnh về nguy cơ xảy ra chiến tranh tiền tệ. Không chỉ có Trung Quốc mà cả một vài nước khác đều muốn hạ bệ đồng USD và đã có những bước đi đầu tiên. Vị thế của đồng USD đang ngày càng giảm nhưng chắc chắn còn phải mất nhiều thời gian nữa thì đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc hay đồng tiền nào khác mới có thể đẩy đồng USD ra khỏi vị thế hiện tại và thay thế nó.
Tiền tệ là một trong những biểu hiện rõ nét nhất về sức mạnh kinh tế và ổn định chính trị xã hội của quốc gia. Một khi quốc gia này gây dựng được ảnh hưởng, vai trò và tác động của đồng bản tệ của mình ở quốc gia khác, chẳng hạn như thông qua hợp tác tiền tệ, thì cũng có nghĩa là quốc gia ấy đã có được trong tay một vũ khí cả về chính trị chứ không chỉ đơn thuần về kinh tế.
Hoán đổi tiền tệ song phương có tác dụng tích cực đối với trao đổi thương mại nói riêng và hợp tác kinh tế nói chung nhưng những điều kiện đồng hành không thể thiếu là quan hệ chính trị song phương phải thật sự tốt đẹp và tin cậy, quy mô nền kinh tế của hai nước không quá chênh lệch, cán cân thương mại và thanh toán song phương không quá nghiêng về một bên và mức độ hoán đổi tiền tệ không phải vô hạn.
Hay nói theo cách khác, mức độ hoán đổi phải trong giới hạn nhất định và trong tầm kiểm soát của bên tham gia hoán đổi tiền tệ yếu hơn về tiềm lực kinh tế và nhỏ hơn về quy mô nền kinh tế. Điều này đặc biệt quan trọng khi một trong hai đồng tiền tham gia hoán đổi tiền tệ chưa có được khả năng tự do chuyển đổi - như đồng Nhân dân tệ hiện tại của Trung Quốc.
Bởi vậy, mọi hình thức và mức độ hợp tác và liên kết quốc tế cần phải được nhìn nhận trước hết từ giác độ chính trị để loại bỏ ngay từ đầu rủi ro và nguy cơ hợp tác tiền tệ bị lợi dụng phục vụ cho lợi ích chính trị.
Theo: An ninh Tiền tệ