Còn nhiều tranh cãi!
Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia vừa kiến nghị Chính phủ cho phép thực hiện một số biện pháp xử lý vi phạm hành chính nhằm giảm tai nạn giao thông và bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ, trong đó có tịch thu xe máy và ô tô.
Cụ thể, trong trường hợp trong máu có nồng độ cồn trên 80 mg/100ml hoặc vượt quá 0,4 mg/1lít khí thở thì lái xe sẽ tước giấy phép lái xe trong vòng 24 tháng và bị tịch thu phương tiện.
Với hành vi điều khiển mô tô, xe gắn máy, xe máy điện, xe thô sở tham gia giao thông trên đường cao tốc, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cũng kiến nghị tịch thu phương tiện.
Cơ quan này cho biết lý do đưa ra kiến nghị trên là tình hình trật tự an toàn giao thông tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt số người tử vong do tai nạn giao thông trong dịp Tết vừa qua tăng mạnh so với cùng kỳ.
Trong đó, nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng do người điều khiển phương tiện vi phạm quy định về nồng độ cồn và tình trạng người điều khiển mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ tham gia giao thông trên đường cao tốc uy hiếp nghiêm trọng an toàn giao thông.
Sau khi đề xuất trên đưa ra, nhiều người bày tỏ sự đồng tình vì cho rằng cần phải nghiêm như vậy mới có tính chất răn đe, nâng cao ý thức tham gia người giao thông.
Nhiều ý kiến khác lại cho rằng tịch thu ô tô khi lái xe có nồng độ cồn cao hay thu xe máy đi vào đường cao tốc là không hợp lý và vi phạm pháp luật hiện hành. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia pháp lý lại khẳng định đề xuất này không trái luật nhưng khó... khả thi.
Phạt xe không chính chủ thế nào?
Trao đổi với BizLIVE, luật sư Giang Hồng Thanh (Trưởng Văn phòng luật Giang Thanh) cho rằng quy định về tịch thu phương tiện đã có trong luật Xử phạt vi phạm hành chính 2012.
Luật này nêu rõ: Người vi phạm hành chính có thể bị tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính.
“Trên thực tế, pháp luật đã có quy định tịch thu phương tiện đối với hành vi đua xe trái phép và nhiều trường hợp khác. Vậy làm sao có thể nói rằng đề xuất tịch thu ô tô của người vi phạm là trái luật?”, ông Thanh nói.
Tuy nhiên theo ông Thanh, vấn đề đặt ra là có cần thiết phải áp dụng biện pháp xử lý này, nhất là với người vi phạm lần đầu và chưa gây ra hậu quả gì chưa? Nếu phương tiện không phải thuộc quyền sở hữu của người lái xe, thì phải chăng là “quýt làm cam lại chịu”?
Do vậy, luật sư Thanh cho rằng ý tưởng rất đáng hoan nghênh song cần phải cân nhắc bởi tính chất nguy hiểm cho xã hội của một anh lái xe say xỉn không lớn bằng hành vi đua xe trái phép và nhiều trường hợp khác.
“Ô tô lại là tài sản có giá trị lớn. Nếu chỉ vi phạm lần đầu, chưa gây hậu quả gì mà lại bị tịch thu phương tiện thì e rằng người bị xử lý sẽ phản ứng gay gắt. Dư luận cũng sẽ không đồng tình”, ông Thanh nêu quan điểm.
Bên cạnh đó, ông Thanh cho rằng rất nhiều trường hợp người điều khiển phương tiện chưa hẳn đã là chủ sở hữu, vậy là sẽ xảy ra tình huống “quýt làm mà cam chịu” rất khó chấp nhận.
Do vậy, ông Thanh kiến nghị đối với các trường hợp lái xe có nồng độ cồn quá cao, trường hợp là chủ sở hữu xe thì ngoài việc phạt tiền, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe cần yêu cầu họ ký cam kết trong thời hạn bao nhiêu lâu không được tái phạm. Nếu không chấp hành sẽ áp dụng hình phạt tịch thu phương tiện.
Còn nếu người điều khiển không phải là chủ sở hữu, yêu cầu chủ sở hữu phải cam kết quản lý phương tiện của mình. Nếu đến lần thứ hai, thứ ba mà phương tiện đó vẫn tái phạm thì bị tịch thu.
Riêng với đề xuất tịch thu xe máy, xe thô sơ, xe máy điện khi đi vào đường cao tốc, luật sư Thanh cho rằng chưa nên áp dụng hình thức này mà nên áp dụng các biện pháp khác phù hợp hơn như nâng mức phạt.
“Đôi lúc những người lái xe này chỉ là vô ý, thiếu quan sát hoặc do nhầm lẫn, thiếu hiểu biết chứ không hoàn toàn do cố ý. Việc tịch thu phương tiện của họ chắc chắn cũng sẽ gây ra những phản ứng tiêu cực”, ông Thanh nhấn mạnh.
Luật sư Nguyễn Hồng Thái - Giám đốc Công ty luật Quốc Tế Hồng Thái và Đồng nghiệp
cho rằng đề xuất tịch thu các phương tiện nói trên là vi phạm quyền bảo hộ tài sản của công dân trong Hiến pháp 2013.
Ông Thái cũng cho biết, khoản 2 Điều 169 Bộ Luật dân sự có quy định về bảo vệ quyền sở hữu rõ như sau: “Quyền sở hữu của cá nhân, pháp nhân và chủ thể khác được pháp luật công nhận và bảo vệ.
Không ai có thể bị hạn chế, bị tước đoạt trái pháp luật quyền sở hữu đối với tài sản của mình. Chủ sở hữu có quyền tự bảo vệ, ngăn cản bất kỳ người nào có hành vi xâm phạm quyền sở hữu của mình, truy tìm, đòi lại tài sản bị người khác chiếm hữu, sử dụng, định đoạt không có căn cứ pháp luật”.
Theo Bizlive