Thụy Sĩ thông qua luật cấm che mặt nơi công cộng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Cử tri Thụy Sĩ bỏ phiếu thông qua luật cấm che mặt ở đa số các địa điểm công cộng trong cuộc trưng cầu dân ý hôm 7/3.
Một phụ nữ trong trang phục burqa ở Thụy Sĩ. Ảnh: AFP
Một phụ nữ trong trang phục burqa ở Thụy Sĩ. Ảnh: AFP

Thụy Sĩ cấm che mặt ở các nơi công cộng như đường phố, công sở, phương tiện giao thông công cộng, nhà hàng, cửa hàng và vùng nông thôn. Đề xuất gây tranh cãi này được 51,21% cử tri và đa số 26 bang khắp cả nước ủng hộ, theo kết quả sơ bộ do chính phủ liên bang công bố hôm 7/3.

Các trường hợp ngoại lệ gồm nơi thờ cúng và các điểm linh thiêng khác. Thụy Sĩ không cấm che mặt vì lý do an toàn sức khỏe và an ninh cộng đồng, không cấm che mặt vì lý do thời tiết hoặc trong những hoàn cảnh được coi là "phong tục địa phương" như trong các lễ hội, theo văn bản do chính phủ liên bang công bố.

Khách du lịch tới Thụy Sĩ cũng phải tuân thủ quy định và không có ngoại lệ. Đề xuất này do vài nhóm chính trị đưa ra, bao gồm đảng cánh hữu Nhân dân Thụy Sĩ. Luật không đề cập cụ thể tới Hồi giáo, nhưng truyền thông địa phương đã gọi đây là "lệnh cấm burqa". Burqa là trang phục vải trùm che kín toàn bộ cơ thể mà phụ nữ Hồi giáo thường mặc, chỉ chừa hai con mắt.

Một số tổ chức tôn giáo Thụy Sĩ, các nhóm nhân quyền và công dân, cũng như chính phủ liên bang, đã chỉ trích luật này. Hội đồng Tôn giáo Thụy Sĩ, cơ quan đại diện cho các cộng đồng tôn giáo lớn ở Thụy Sĩ, đã lên án dự thảo luật hồi đầu năm, nhấn mạnh luật nhân quyền bảo vệ quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng cũng như trang phục của mọi người.

Hội đồng Liên bang Thụy Sĩ, cơ quan đóng vai trò là chính phủ liên bang của đất nước, và quốc hội Thụy Sĩ cũng bác bỏ đề xuất này vì nó đi quá xa, đồng thời khuyến nghị người dân không bỏ phiếu thông qua.

Cuộc trưng cầu dân ý hôm 7/3 là đỉnh điểm sau nhiều năm tranh luận về vấn đề này. Tổ chức Ân xã Quốc tế chỉ trích kết quả bỏ phiếu là "chống Hồi giáo".

Lệnh cấm che mặt hoàn toàn, cấm một phần và cấm ở địa phương đã áp dụng ở một số quốc gia châu Âu như Pháp, Đức, Bỉ, Hà Lan và Đan Mạch. Pháp là quốc gia đầu tiên chống burqa và niqab (khăn trùm đầu và che mặt) ở nơi công cộng năm 2011. Tòa án Nhân quyền châu Âu ủng hộ lệnh cấm năm 2014. Ủy ban Nhân quyền Liên Hợp Quốc năm 2018 cảnh báo lệnh cấm vi phạm nhân quyền của phụ nữ Hồi giáo, có nguy cơ "giam cầm họ trong chính nhà mình".

Theo Vnexpress