Thương tiếc một ông bầu sân cỏ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Hôm nay (17/6) bầu Dũng (Chủ tịch VFF khóa 7 Lê Hùng Dũng) đã ra đi, thọ 68 tuổi trong niềm thương tiếc khôn nguôi của gia đình, bạn bè và người hâm mộ bóng đá Việt Nam.
Ngày 17/6, ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch VFF khóa 7, đã ra đi, thọ 68 tuổi. Ảnh: VFF
Ngày 17/6, ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch VFF khóa 7, đã ra đi, thọ 68 tuổi. Ảnh: VFF

Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng quê huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang tuổi Giáp Ngọ (1954) mang họ mẹ. Tháng 8 năm 1954 khi ông mới 7 tháng tuổi, cha ông cụ Nguyễn Quyền Sinh (tên thật là Nguyễn Ngọc Lượm) lên đường tập kết ra Bắc nên ông phải đổi sang họ mẹ để giữ bí mật.

Hành trình đến chiếc ghế Chủ tịch VFF

Sau 1975, ông Nguyễn Quyền Sinh là cán bộ cao cấp ngành công an, từng giữ chức Phó cục trưởng Cục phục vụ ngoại giao đoàn. Sau đó, ông được biệt phái sang lĩnh vực du lịch và từng làm Giám đốc công ty du lịch TP HCM, Phó tổng cục trưởng rồi Tổng cục trưởng Tổng cục du lịch. Vốn yêu thích thể thao nên ông từng làm Chủ tịch Liên đoàn Quần vợt Việt Nam. Điều này lý giải vì sao ông học ngoại ngữ tại Đại học Ngoại ngữ Praha Tiệp Khắc về nước lại làm ngành du lịch, rồi dấn thân sang bóng đá.

Anh Hai của làng "túc cầu" Việt. Ảnh GĐCC

Anh Hai của làng "túc cầu" Việt. Ảnh GĐCC

Từ năm 1986-2003, ông Dũng từng đảm nhận các vị trí Phó giám đốc nhà hàng Festival (Trung tâm Du lịch Thanh niên Việt Nam), Giám đốc trung tâm Du lịch Thanh niên Việt Nam, Chủ tịch công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Du lịch Thanh niên Việt Nam. Đang thành công ở lĩnh vực du lịch đột nhiên ông chuyển sang lĩnh vực đá quý, rồi tài chính ngân hàng và cuối cùng là bóng đá.

Được đánh giá là thành công nhưng tại Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn SJC và Ngân hàng Eximbank ông Dũng đều vất vả trên con đường công danh, sự nghiệp. Thậm chí, có giai đoạn người ta đồn thổi ông Chủ tịch Eximbank bị bắt khi các cộng sự lần lượt bị điều tra những sai phạm.

Chủ tịch VFF khóa 7 Lê Hùng Dũng đã có nhiều hoạt động đối ngoại mang dấu ấn. Ảnh GĐCC.

Chủ tịch VFF khóa 7 Lê Hùng Dũng đã có nhiều hoạt động đối ngoại mang dấu ấn. Ảnh GĐCC.

Từ tháng 8/2003 đến nay, ông Dũng là Chủ tịch Hội đồng Thành viên công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn SJC và đại diện phần vốn góp tại Eximbank, với chức danh Chủ tịch HĐQT từ tháng 4/2010. Sau này, khi ông Dũng không sở hữu cổ phiếu nào của Eximbank (từ giữa năm 2013), nhưng lại đại diện cho hơn 25.62 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 2.07%) thuộc sở hữu của SJC.

Ông Dũng bước vào làng bóng đá khá sớm, từ năm 1997 trong vai trò Trưởng ban Tài chính - Vận động tài trợ sau thành công trong việc tổ chức giải U21 năm 1997. Đến giờ, VCK U21 năm 1997 vẫn được coi là mẫu mực về công tác tổ chức, nhất là khâu ăn ở cho trọng tài, HLV và cầu thủ. Sau một nhiệm kỳ vắng bóng (2001-2005), ông Dũng trở lại VFF với bài diễn thuyết đầy sức nặng khi tuyên bố đội U23 Việt Nam sẽ được thưởng sáu tỷ đồng nếu vượt qua Thái Lan, giành HCV SEA Games.

Với uy tín của mình bầu Dũng cùng bầu Thắng, bầu Đức và nhiều doanh nhân Việt chung tay nâng tầm bóng đá nước nhà. Ảnh GĐCC.

Với uy tín của mình bầu Dũng cùng bầu Thắng, bầu Đức và nhiều doanh nhân Việt chung tay nâng tầm bóng đá nước nhà. Ảnh GĐCC.

Vai trò của ông Lê Hùng Dũng khi đảm nhận Phó Chủ tịch phụ trách tài chính VFF khóa 5 (2005-2009), khóa 6 (2009-2013) được coi là nổi bật nhất. Ông kiểm đủ tiền để mời đội Olympic Brazil đến Việt Nam du đấu vào năm 2008; sau đó là các tên tuổi của sân cỏ Anh như CLB Arsenal, Manchester City ra mắt người hâm mộ Việt Nam.

Sau hai nhiệm kỳ giữ chức Phó Chủ tịch phụ trách tài chính thành công, ông trở thành quyền chủ tịch VFF vào tháng 12/2013 do Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ xin nghỉ vì lý do sức khỏe. Ông Lê Hùng Dũng chính thức trở thành Chủ tịch VFF thứ 9 của bóng đá Việt Nam tại Đại hội nhiệm kỳ VII ngày 25/3/2014 (nhiệm kỳ 2014-2018). Ông là Chủ tịch VFF thứ 9 của bóng đá Việt Nam.

Bầu Dũng đã ra đi.Ảnh GĐCC.

Bầu Dũng đã ra đi.Ảnh GĐCC.

Dấu ấn “anh Hai”

Cặp bài trùng Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng và Tổng thư ký Trần Quốc Tuấn đã có công lớn, giúp bóng đá Việt Nam đã 2 lần giành chức vô địch AFF Cup vào các năm 2008, 2018.

Với uy tín của mình bầu Dũng cùng bầu Thắng, bầu Đức và nhiều doanh nhân Việt chung tay nâng tầm bóng đá nước nhà. Do bệnh tật, ông Lê Hùng Dũng không có ảnh hưởng nhiều khi làm Chủ tịch VFF khóa 7 nhưng ông chính là người tiến cử Trần Quốc Tuấn vào vị trí cầm lái “con thuyền” bóng đá Việt Nam để có 2 HCV SEA Games. Điều mà nhiều quan chức VFF, các ông bầu kính nể bầu Dũng là việc ông đến với bóng đá là vì đam mê chứ đã không nhận một xu thù lao nào khi làm Phó chủ tịch, rồi Chủ tịch VFF. Ngược lại, khi đội tuyển quốc gia thắng lợi ông còn móc ví thưởng riêng nhân viên dưới quyền.

Bầu Dũng đã ra đi! Bóng đá Việt mất đi một doanh nhân tâm huyết với bóng đá và có nhiều đóng góp trên con đường chuyên nghiệp hóa.

Vĩnh biệt ông!