Bộ LĐTB&XH cũng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục kiểm tra, giám sát tình hình chấp hành pháp luật lao động của các doanh nghiệp, nhất là việc thanh toán tiền lương, thưởng; không để xảy ra tình trạng nợ đọng tiền lương, tiền thưởng của người lao động trong các tháng giáp Tết Nguyên đán.
Theo nhận định của lãnh đạo Bộ LĐTB&XH, bình quân tiền thưởng cuối năm nay có thể tương đương năm 2016, khoảng một tháng lương (trên mức 5 triệu đồng), bởi kinh tế không có nhiều biến động.
Hiện tại, theo ghi nhận của Bộ LĐTB&XH, mức thưởng tết nguyên đán Đinh Dậu 2017 cao nhất là 384 triệu đồng, thuộc về một doanh nghiệp dân doanh. Mức thưởng này cao hơn gấp đôi mức thưởng Tết Nguyên đán 2016 (186 triệu đồng) thuộc doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp Nhà nước.
Trong khi đó, mức thưởng thấp nhất cũng thuộc khối doanh nghiệp dân doanh với tiền thưởng 1,5 triệu đồng.
Khối doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp nhà nước thưởng cao nhất là 15 triệu đồng, thấp nhất 2 triệu đồng.
Tuần trước, nhiều doanh nghiệp ở Đồng Nai có số lượng công nhân lớn như Công ty Pouchen Việt Nam, Teakwang Vina, Changshin Việt Nam cho biết, mức thưởng Tết 2017 cho công nhân thấp nhất 1 tháng lương và cao nhất 2,2 tháng lương tùy thâm niên của người lao động.
Còn tại TPHCM, ông Nguyễn Tất Năm - Trưởng phòng Lao động Tiền công Tiền lương (Sở LĐTB&XH) cho biết mới chỉ có một số ít doanh nghiệp báo cáo về mức thưởng Tết Nguyên đán nên chưa phản ánh được tình hình thưởng Tết.
Ở huyện Hóc Môn, 14 doanh nghiệp ngoài nhà nước đã có báo cáo, với có mức thưởng cao nhất là 11 triệu đồng/người, thấp nhất là 4,013 triệu đồng/người; đối với doanh nghiệp liên doanh, 100% vốn đầu tư nước ngoài thì hai doanh nghiệp báo cáo, với mức thưởng cao nhất là 30 triệu đồng/người, thấp nhất là 3,989 triệu đồng/người.
Về mức thưởng của các ngành, theo một kết quả khảo sát vừa được Công ty tư vấn đầu tư và quản lý doanh nghiệp MacConsult công bố, ở cấp bậc quản lý/giám sát, bất động sản là ngành có mức thưởng Tết năm 2017 trung bình cao nhất khoảng 65 triệu đồng.
Đứng thứ hai là dược phẩm với mức thưởng 55 triệu đồng, thứ ba là tài chính với mức 25 triệu đồng, tiếp theo là tiếp thị, hàng không. Ở cấp bậc chuyên viên/ kỹ sư, bất động sản cũng là ngành có mức thưởng cao nhất khoảng 16 triệu đồng.
Tiếp theo là dược phẩm với mức thưởng 12,7 triệu đồng, thứ ba là tư vấn - hỗ trợ kinh doanh 12 triệu đồng. Công nghệ thông tin và tiếp thị có mức thưởng tương đương nhau khoảng 10 triệu đồng.
Với ngành bất động sản, ngoài thưởng tết bằng tháng lương thứ 13 nhân viên còn được thưởng theo doanh số bán hàng vì thế mức thưởng khá cao so với các ngành nghề khác.
Trong ngành Dệt - May Việt Nam, năm nay thu nhập bình quân của công nhân may tăng đáng kể. Mặc dù năm 2016 còn nhiều khó khăn chung của ngành dệt may nhưng các đơn vị, doanh nghiệp có quy mô đã đầu tư cơ bản, giữ được nhịp độ tăng trưởng. Năng suất lao động tăng và đảm bảo được các đơn hàng. Vì vậy, thưởng Tết 2017 sẽ “không còn chuyện thưởng Tết bằng áo may ô, quần đùi như các năm trước”.
Chủ tịch Công đoàn Dệt May Việt Nam Lê Nho Thướng cho biết, trong 130 ngàn công nhân, viên chức, lao động của ngành thì có tới 80% là nữ. Ngành vẫn đang rà soát, nắm bắt tình hình thu nhập, lương thưởng Tết 2017. Nhìn chung, người lao động của các tập đoàn dệt may bình quân khoảng 6,3 triệu đồng/tháng. Mức thưởng Tết 2017 ở các doanh nghiệp, đơn vị dệt may dao động khoảng từ 1 đến 2 tháng lương tùy đơn vị.