Ngày 31/12 là hạn chót các doanh nghiệp (DN) báo cáo về tình hình lương, thưởng Tết Nguyên đán Bính Thân. Theo thông tin chưa đầy đủ từ các Công đoàn (CĐ) cấp trên cơ sở tại TP HCM, mức thưởng bình quân vẫn là 1 tháng lương cơ bản. Cá biệt, một đơn vị sản xuất tại quận Bình Tân có mức thưởng cao nhất đến 320 triệu đồng/người.
Bình quân 1 tháng lương/người
Đại diện các CĐ cấp trên cơ sở cho biết tỉ lệ DN báo cáo về tình hình lương, thưởng Tết vẫn còn thấp và những DN đã báo cáo là những DN có thưởng Tết và chăm lo cho người lao động (NLĐ). Hầu hết những DN này đều đưa lương tháng 13 vào thỏa ước lao động tập thể nên việc thưởng Tết đã được dự trù từ đầu năm.
Ông Lý Chí Bình, giám đốc một DN may quần áo xuất khẩu tại TP HCM, cho biết năm nay nhìn chung các DN vẫn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các DN dệt may. Dù đơn hàng dồi dào nhưng giá gia công thấp nên rất ít DN làm ăn có lãi. “Việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng làm chi phí trích nộp BHXH, BHYT và bảo hiểm thất nghiệp cho NLĐ tăng. Duy trì được mức lương, thưởng như năm ngoái đã là cố gắng của các DN” - ông Bình cho biết.
Theo ông Lê Trần Thanh Hải, Chủ tịch CĐ Công ty TNHH Triple Việt Nam (100% vốn nước ngoài, đóng ở huyện Củ Chi, TP HCM), qua thương lượng với CĐ cơ sở, DN đồng ý thưởng Tết 1 tháng lương cho tất cả CN (bình quân 4 triệu đồng/người).
Mức thưởng Tết thấp nhất là 1 triệu đồng, chưa kể tháng lương thứ 13.
Theo báo cáo của 221 DN về lương, thưởng Tết tại quận Bình Thạnh, mức thưởng thấp nhất là 1 triệu đồng (chưa bao gồm lương tháng 13) và cao nhất là 89,34 triệu đồng.
Ông Cao Hồng Hà, Chủ tịch LĐLĐ quận Bình Thạnh, cho rằng nhiều DN đưa lương tháng 13 vào thỏa ước lao động tập thể nên thưởng Tết được hiểu là khoản thưởng thêm khi DN làm ăn thuận lợi, vì vậy NLĐ rất an tâm.
“Có nhiều DN ngoài thưởng Tết còn còn tặng quà, tổ chức tất niên, hỗ trợ vé xe cho công nhân (CN) về quê... Nhìn chung, thưởng Tết năm nay trên địa bàn quận ổn định, trước mắt chưa phát sinh tranh chấp” - ông Hà nói
Tại quận 6, TP HCM, đến nay mới chỉ có khoảng 10% DN đã báo cáo lương, thưởng Tết. Theo bà Phan Thị Lan, Chủ tịch LĐLĐ quận 6, mức thưởng bình quân vẫn là 1 tháng lương.
Một số DN căn cứ vào thu nhập của NLĐ để trả thưởng cao hơn nhưng số này không nhiều. Còn tại quận Gò Vấp, 25 DN vừa báo cáo lương, thưởng Tết căn cứ vào lương sản phẩm của tháng 12, do vậy mức thưởng sẽ khá hơn.
Những năm trước, nhiều doanh nghiệp khó khăn thậm chí phải thưởng Tết bằng sản phẩm. (Ảnh biếm họa: An ninh thủ đô)
Hỗ trợ công nhân khó khăn
Cách đây 1 tháng, nhiều chuyên gia lao động tại TP HCM dự báo tình hình kinh tế khó khăn sẽ tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất - kinh doanh và điều này sẽ khiến DN gặp khó khăn trong việc trả lương, thưởng Tết cho NLĐ. Thế nhưng, đại diện các CĐ cấp trên cơ sở tại TP HCM vẫn xác nhận đến thời điểm hiện tại chưa có DN nào báo cáo không có khả năng thưởng Tết.
Theo báo nhanh của LĐLĐ quận Bình Tân, đã có 75/145 DN có từ 30 lao động trở lên có kế hoạch chăm lo Tết, trả lương, thưởng và tăng lương tối thiểu. Trong đó, mức thưởng thấp nhất 1 triệu đồng, cao nhất 320 triệu đồng/người (mức bình quân từ 3,5-9 triệu đồng). Hiện chỉ có một DN báo cáo gặp khó khăn, phải giải thể do không có đơn hàng.
“Qua trao đổi với CĐ cơ sở, chúng tôi được biết nếu CN đồng ý chuyển sang làm việc tại một DN khác tại huyện Bình Chánh thì được hưởng mọi quyền lợi theo quy định. Nếu ai không đồng ý sẽ được giải quyết các chế độ liên quan” - bà Nguyễn Thị Thanh Dân, Phó Chủ tịch LĐLĐ quận Bình Tân, cho biết.
Tại các KCX-KCN TP, đa số các DN đều thưởng Tết 1 tháng lương, cá biệt có một vài đơn vị làm ăn khá thưởng từ 1,5 đến 2 tháng lương. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc Long, Chủ tịch CĐ Công ty Quạt Việt Nam (KCN Vĩnh Lộc, quận Bình Tân, TP HCM), thông tin mức thưởng Tết dự kiến của công ty là 1 tháng lương (thấp nhất 3,4 triệu đồng; cao nhất khoảng 35 triệu đồng).
Ngoài tổ chức tiệc tất niên cho CN với chương trình rút thăm trúng thưởng trị giá 250 triệu đồng, năm nay công ty không giới hạn hỗ trợ vé xe về quê ăn Tết cho NLĐ, ai có nhu cầu đều được công ty đáp ứng. Hiện đã có 40 CN đăng ký vé về quê ăn Tết theo chương trình “Tấm vé nghĩa tình” của CĐ các KCX-KCN TP.
Ông Nguyễn Thành Đô, Chủ tịch CĐ các KCX-KCN TP, xác nhận đến nay vẫn chưa có DN nào báo cáo gặp khó khăn, không thưởng Tết cho CN. Tuy nhiên, nếu có đơn vị khó khăn, CĐ sẽ phối hợp cùng Ban Quản lý các KCX-KCN TP để chăm lo, không để bất cứ CN nào không có Tết. Dịp Tết Nguyên đán năm nay, CĐ các KCX-KCN TP sẽ thăm và tặng quà cho 2.000 CN bị mất việc trong thời điểm cận Tết; CN bị bệnh hiểm nghèo...
CĐ các KCX-KCN TP dự kiến tặng 6.000 vé xe cho CN quê các tỉnh từ Phú Yên đến Hà Nội, các tỉnh miền Tây (Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang) và các tỉnh Tây Nhuyên (Gia Lai, Đắk Lắk) theo phương thức vận động DN đóng góp 70%, CĐ các KCX-KCN TP hỗ trợ 30% gía vé.
Thưởng để động viên
Tiền thưởng thực chất chỉ là một khoản bổ sung vào lương nhưng với người Việt Nam, ý nghĩa của thưởng Tết rất lớn. Bởi vậy, các DN dù có khó khăn cũng nên quan tâm thưởng Tết cho NLĐ, xem đó là giải pháp hữu hiệu thúc đẩy năng suất lao động cũng như giữ chân NLĐ sau Tết.
Ông Giang Văn Nam, Trưởng Ban Chính sách - Pháp luật LĐLĐ TP HCM:
Tiếp sức doanh nghiệp khó khăn
Phần lớn các DN đã thực hiện tốt việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng và phối hợp với CĐ cơ sở xây dựng kế hoạch trả thưởng Tết để CN an tâm làm việc đến ngày cuối cùng. Với các DN gặp khó khăn trong sản xuất - kinh doanh, phải thu hẹp sản xuất hay giải thể, LĐLĐ TP lưu ý các DN giám sát chặt chẽ tình hình quan hệ lao động và chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng giải quyết ổn thỏa trong trường hợp tranh chấp xảy ra.
Ông Trần Văn Nhanh, Phó giám đốc Công ty CP In số 4 - Tổng Công ty Văn hóa Sài Gòn:
Ghi nhận cống hiến của NLĐ
Năm 2015, Công ty CP In số 4 vẫn giữ được những khách hàng lớn, nhờ vậy thu nhập bình quân của NLĐ cũng được nâng từ 8 triệu đồng lên 8,4 triệu đồng/người/tháng. Đầu tháng 12, công ty cũng đã hoàn thành kế hoạch năm. Dự kiến, mức thưởng Tết năm nay cho NLĐ là 2 tháng lương, bình quân khoảng 20 triệu đồng/người. Bên cạnh đó, công ty cũng tổ chức tiệc tất niên, tặng quà Tết cho tất cả NLĐ.
Khánh Hòa: Yêu cầu 300 DN báo cáo thưởng Tết
Đề cập đến việc thưởng Tết, ông Mai Xuân Trí, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Khánh Hòa, cho biết đã phát 300 phiếu báo cáo đến các DN để nắm bắt tình hình thực hiện chế độ cho NLĐ dịp cuối năm.
Các DN phải báo cáo gồm: Khối DN tư nhân, công ty hợp doanh, công ty cổ phần không có vốn nhà nước; công ty TNHH một thành viên do nhà nước làm chủ sở hữu; khối DN 100% vốn nước ngoài (FDI). Sở sẽ tổ chức đoàn kiểm tra, đồng thời đốc thúc các DN để nắm tình hình; kịp thời chia sẻ, động viên người sử dụng lao động, NLĐ thực hiện tốt các quy định của nhà nước về chế độ lễ, Tết.
Năm nay, theo ý kiến của một số chuyên gia, mức thưởng Tết trung bình dự kiến của các công ty TNHH một thành viên do nhà nước làm chủ sở hữu dao động từ 5,5-6 triệu đồng/người; DN FDI từ 2- 2,5 triệu đồng/người; DN không có vốn nhà nước từ 3,2- 4 triệu đồng/người. Năm ngoái, mức thưởng Tết cao nhất là 92 triệu đồng/người và thấp nhất là 200.000 đồng/người đều thuộc khối DN không có vốn nhà nước.
Theo NLĐ