Thượng nghị sĩ John McCain và duyên nợ với Việt Nam

VietTimes -- Từ kẻ thù, John Sidney McCain trở thành người gần gũi với đất nước và con người Việt Nam, luôn có những hành động ủng hộ phát triển quan hệ giữa hai nước Việt Nam- Hoa Kỳ. Có thể, sâu thẳm trong ông luôn có hai từ Việt Nam. Chính vì có Việt Nam, có những trải nghiệm vui buồn tại đất nước này đã góp phần tạo ra một chính khách McCain - một trong những tượng đài của chính trị Hoa Kỳ.
TNS John Sidney McCain.
TNS John Sidney McCain.

Tai nạn kinh hoàng

McCain dính duyên nợ đầu tiên với Việt Nam vào giữa năm 1967, khi ông là phi công lái máy bay chiến đấu A4 - Skyhawk trên tàu sân bay Forrestall hoạt động trong Vịnh Bắc bộ với sứ mạng đánh phá các cơ sở hạ tầng ở miền Bắc Việt Nam. Ông may mắn hơn một số chiến hữu của mình là không bị hề hấn gì sau khi thực hiện 5 phi vụ đầu tiên.

Tai nạn đầu tiên xảy ra với ông lại không phải do lưới lửa phòng không của người Việt Nam mà lại ở ngay trên tàu sân bay. Ngày 29/7, khi đang ngồi trong khoang lái chuẩn bị cất cánh thì bỗng nhiên ông nghe thấy tiếng nổ và ngọn lửa bùng lên dưới máy bay của mình. Ông mở cửa buồng lái, bò lên phía đầu máy bay và nhảy xuống sàn tàu. Hóa ra là có một quả tên lửa Zuni của chiếc máy bay F4 đậu gần đó tự dưng khai hỏa bay ngang sàn tàu làm vỡ tung thùng nhiên liệu trên máy bay của McCain gây ra đám cháy. Sau đó, một trong hai quả bom bị tên lửa làm văng ra dưới máy bay của ông phát nổ. Đó quả là một tai nạn kinh hoàng.  124 người chết, 62 người bị thương, 20 máy bay bị phá hủy. Bản thân McCain bị mảnh bom văng trúng hai chân và ngực.

Mấy hôm sau, trả lời phóng viên R. W. Apple của báo New York Times, ông nói:  "Thật là một điều khó nói. Nhưng giờ đây tôi đã chứng kiến được bom và napalm đã gây thiệt hại lớn thế nào cho những người trên tàu của chúng tôi. Tôi không chắc rằng mình có còn muốn thả bất cứ thứ gì như thế nữa xuống Bắc Việt”.

Lẽ ra, sự dính líu của McCain với Việt Nam có thể đã chấm dứt tại đó. Nhưng đã trót sinh ra trong một gia đình có truyền thống hải quân danh giá (ông nội và bố đều mang hàm đô đốc), bản thân thì luôn mong muốn được phục vụ trong hải quân. “Tôi sinh ra trong hải quân và thực sự không bao giờ nghĩ đến một nghề nghiệp nào khác” - ông nói với phóng viên R.W Apple.

Vì vậy, McCain đã quay trở lại gia nhập Phi đoàn Tấn công 163 trên hàng không mẫu hạm USS Oriskany vào tháng 9/1967, tiếp tục thực hiện các phi vụ bắn phá miền Bắc Việt Nam.

Phi công mặc áo ngủ tên “Cài”

Các chiến hữu của Thiếu tá John McCain rất nể ông không chỉ về năng lực chiến đấu mà phần nhiều vì sự dũng cảm đến mức lỳ lợm của ông. Vốn dĩ là một người có máu ngang tàng từ thời niên thiếu, ông sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ tại những vùng trời nguy hiểm. Chỉ trong chưa đầy một tháng, McCain đã tham gia hơn 20 phi vụ, tức là gần như ngày nào cũng xuất kích.

Nhưng rồi chuyến bay định mệnh ngày 26/10/1967 đã xảy ra…

Hôm đó, Mỹ huy động hàng trăm lượt máy bay tập trung đánh phá Nhà máy điện Yên Phụ nhằm đưa Hà Nội vào trong bóng tối. Vào lúc 11h49 phút, khi hai chiếc máy bay A-4E thực hiện động tác bổ nhào từ độ cao 4.500 m để ném bom điều khiển bằng vô tuyến vào mục tiêu, thì từ dưới mặt đất, sỹ quan điều khiển Nguyễn Xuân Đài cùng ba trắc thủ: Hưng, Khánh, Vinh đã mưu trí điều khiển quả đạn bám sát mục tiêu. Một ánh chớp bùng lên, một trong hai chiếc máy bay địch bốc cháy dữ dội. Chiếc máy bay trở thành ngọn đuốc, từ độ cao 1.800 mét đâm sầm xuống bể xỉ than của Nhà máy điện Yên Phụ. Viên phi công đã kịp bấm nút bật dù thoát hiểm và rơi xuống hồ Trúc Bạch. Đó chính là Thiếu tá John Sidney McCain.

John McCain (hàng đầu, bìa phải) cùng các đồng đội của mình.
John McCain (hàng đầu, bìa phải) cùng các đồng đội của mình. 

 Trong cuốn tự truyện mang tên Faith Of  My Fathers (Trung thành với truyền thống cha ông), McCain - khi đó đang tham gia tranh cử ứng viên Tổng thống - kể lại:

“Trong giây phút chớp nhoáng, trước khi máy bay bắt đầu phản ứng thì quả hỏa tiễn đã thổi tung mất cánh máy bay bên phải. Tôi biết là máy bay của mình đã bị hỏa tiễn bắn trúng. Chiếc máy bay A-4 của tôi đang bay với tốc độ 900/km/giờ, đã lao nhanh xuống mặt đất theo vòng xoáy trôn ốc. Khi bị trúng hỏa tiễn, tôi phản ứng máy móc là với lấy và kéo cái cần bật của ghế ngồi. Tôi bị đập vào máy bay làm gẫy cánh tay trái, ba chỗ của cánh tay phải, đầu gối phải và ngất đi, Những người chứng kiến nói rằng cái dù của tôi vừa mở là tôi rớt ngay xuống chỗ nước nông của hồ Trúc Bạch.

Đồ trang bị trên người tôi nặng khoảng 25 kg, tôi chìm xuống đáy hồ, và tôi không thể dùng cánh tay để kéo cái chốt cứu đắm của tôi. Tôi lại bị chìm xuống đáy hồ một lần nữa. Khi chạm xuống đáy hồ lần thứ hai, tôi đã cố gắng để bơm phồng cái áo cứu đắm của tôi bằng cách dùng răng để kéo cái chốt của nó ra. Sau đó tôi lại bị bất tỉnh một lần nữa. Lần thứ hai bị chìm thì tôi được kéo lên bờ bằng những cái sào tre..”

Người băng bó cho John Sidney McCain năm ấy là bà Nguyễn Thị Thanh - nhân viên y tế (lưu động) khu vực Ba Đình, phụ trách đoạn từ trạm nước Hàng Đậu xuống Trích Sài - Bưởi. Bà Thanh kể lại: “Trong lúc chúng tôi đang trực ở 108 Quán Thánh để đón các bệnh nhân là nhân dân, dân quân hay bộ đội bị thương thì thấy một đám đông khiêng một thanh niên trắng trẻo, đẹp trai đến. Tôi không nhận ra người Mỹ đâu, nhân dân nói “Nó là phi công đấy” thì tôi mới biết anh ta là người Mỹ vì anh ta không cao lớn lắm. Mặt anh ta (McCain) xám ngoét, tay chân cứng đơ, tôi sờ mạch vẫn còn tốt, tôi bảo còn hy vọng. Tôi cho uống 3 thìa thuốc, anh ta vẫn còn tóp tép được. Sau đó tôi dùng một số động tác cơ bản về sơ cứu y tế, anh ta bắt đầu hồi hồi. Trước khi chuyển anh ta lên tuyến trên, tôi cẩn thận buộc tay anh ta vào băng ca vì sợ anh ta giẫy giụa gây thương làm đau thêm…         

Người tiếp nhận John Sidney McCain III tại Hỏa Lò là Nguyễn Tiến Trần. Ông Trần kể: “Tôi sinh ngày 18/5/1933. Tôi phục vụ quân đội Việt Nam trong 40 năm. Ngày 26/10/1967, tôi được lệnh tiếp nhận Thiếu tá John Sidney McCain, vừa bị bắt từ hồ Trúc Bạch. Tôi chưa từng thấy một tù nhân nào rách rưới và xơ xác như thế. Cánh tay bị thương rớm máu, đầu gối xiêu vẹo. Chúng tôi mang đồ ăn cho anh ta, anh ta ăn nhưng sau đó nôn mửa ra khắp mọi nơi. Buổi sáng hôm sau, chúng tôi mang anh ta đến Bệnh viện 108, bệnh viện quân đội, nơi anh được mổ và nằm đó một tháng. Tôi luôn theo anh ta từng bước. Tôi không về nhà vào ban đêm và thậm chí ngủ cùng buồng với anh ta. Chúng tôi không muốn anh ta chết. Chúng tôi biết anh ta là con và cháu của 2 đô đốc nổi tiếng trong Quân đội Mỹ. Tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm về trường hợp của anh ta. Tôi cần phải ở bên anh ta để khi nào có thể thì hỏi cung anh ta. Tôi phải làm việc đó suốt 5 năm rưỡi”.     

TNS McCain làm việc với Đại tá Phạm Đức Đại (ngoài cùng bên trái - ảnh trên và thứ 2, bên trái- ảnh dưới), nguyên Giám đốc Bảo tàng Quân đội (nay là Bảo tàng Lịch sử QS VN) về hồ sơ tù binh Mỹ lưu trong bảo tàng.
TNS McCain làm việc với Đại tá Phạm Đức Đại (ngoài cùng bên trái - ảnh trên và thứ 2, bên trái- ảnh dưới), nguyên Giám đốc Bảo tàng Quân đội (nay là Bảo tàng Lịch sử QS VN) về hồ sơ  tù binh Mỹ lưu trong bảo tàng. 

Đại tá Trần Trọng Duyệt, nguyên Trại trưởng Trại giam Hỏa Lò nơi giam giữ các phi công Mỹ bị bắt giai đoạn từ 1967 - 1973. Đại tá Duyệt cho biết: “Do không biết tiếng Anh, các anh em làm nhiệm vụ trông coi các “phi công mặc áo ngủ” rất khó gọi tên họ chính xác. Vì vậy, anh em thường đặt các biệt danh theo tiếng Việt gần với cách phát âm tên họ của những người đó để cho dễ gọi. Thế nên mới có chuyện thiếu tá Denton thì bị gọi là “Đèn”. Nguyên Đại sứ đầu tiên của Hoa Kỳ tại Việt Nam, ngài Peterson, cũng từng là một phi công tù binh thì được đặt tên là “Song”. Cũng theo cách đặt tên ấy, John McCain được gọi với biệt danh là “Cài”.

Ngày 14/3/1973, cùng với nhiều tù binh khác “Cài” đã được Chính phủ ta trao trả về nước. Ông bắt đầu lại cuộc đời trên quê hương mình với những tham vọng mới. Có lẽ ông rất muốn quên đi cái tên Cài và những năm tháng trong trại giam Hilton Hà Nội, nhưng duyên nợ với Việt Nam hình như vẫn theo đuổi ông. Năm 1982, khi ra ứng cử ghế hạ nghị sĩ tại tiểu bang Arizona, tại một diễn đàn dành cho các ứng cử viên, ông đã đưa ra một lời bác bỏ nổi tiếng chống một cử tri đang tấn công ông: “ Lắng nghe này người bạn. Tôi đã trải qua 22 năm trong Hải quân. Ông nội tôi cũng ở trong Hải quân. Chúng tôi trong quân đội có chiều hướng di chuyển rất nhiều. Chúng tôi phải sống tại nhiều nơi trên đất nước này, nhiều nơi trên thế giới. Tôi mong là tôi đã có thể có sự xa xỉ như bạn được lớn lên và sống cả đời tôi tại một nơi đẹp như là khu quốc hội 1 của Arizona, nhưng vì tôi đang bận làm những công việc khác. Sự thật là, theo tôi nghĩ bây giờ, nơi mà tôi sống lâu năm cuộc đời của tôi là Hà Nội.”

Người nối cầu quan hệ Mỹ - Việt

Quả vậy, ông đã không thể quên Việt Nam. Không những vậy, ông còn dành nhiều thời gian và công sức đóng góp cho sự hàn gắn quan hệ giữa hai nước. Từ 1991 - 1993, ông là thành viên của Ủy ban Thượng viện đặc trách về vấn đề tù binh và mất tích (POW - MIA)  do Thượng nghị sỹ John Kery là chủ tịch. Ủy ban này có nhiệm vụ điều tra số phận quân nhân Mỹ được liệt kê là mất trong chiến tranh Việt Nam. Trong giai đoạn này, Việt Nam phải gánh chịu sự cấm vận gay gắt từ phía Hoa Kỳ. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó là sự chống đối quyết liệt từ phía các lực lượng có lợi ích từ vấn đề POW - MIA. Để tiến tới việc bỏ cấm vận là cả một cuộc đấu tranh vô cùng căng thẳng. Chỉ có những con người có uy tín chính trị cao và “duyên nợ” sâu đậm với Việt Nam như các TNS John McCain và John Kerry mới có đủ khả năng thuyết phục chính quyền và người dân Mỹ về vấn đề này. Ông McCain cho thấy, tầm nhìn rất xa của mình khi cho rằng: “Một phần vì đã đến lúc hàn gắn… đó là một cách để kết thúc chiến tranh; đến lúc nhìn về phía trước”, một phần rất quan trọng là vì lợi ích quốc gia của chính Hoa Kỳ.

Chính nhờ sự đấu tranh không biết mệt mỏi của hai Thượng nghị sĩ John Kerry và John McCain năm 1994, Thượng viện Hoa Kỳ thông qua Giải pháp do hai ông đồng bảo trợ kêu gọi chấm dứt lệnh cấm vận kinh tế chống Việt Nam, dọn đường cho việc bình thường hóa quan hệ. Tiếp đó đến ngày 11 tháng 7 năm 1995, Tổng thống Mỹ Bill Clinton và Thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt mới tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia.

Những năm tháng tiếp theo, duyên nợ Việt Nam vẫn cùng đồng hành với TNS John McCain. Từ kẻ thù ông trở thành một người gần gũi với đất nước và con người Việt Nam, luôn có những hành động ủng hộ phát triển quan hệ giữa hai nước. Có thể, sâu thắm trong ông luôn có hai từ Việt Nam. Chính vì có Việt Nam, có những trải nghiệm vui buồn tại đất nước này đã góp phần tạo ra một chính khách McCain - một trong những tượng đài của chính trị Hoa Kỳ.

Ông từng nhiều lần đối mặt với tử thần. Từng thoát hiểm khi máy bay rơi trong lúc huấn luyện. Từng bị thương trong vụ tai nạn kinh hoàng trên tàu sân bay làm hàng trăm người chết. Từng bị tên lửa phòng không SAM 2 bắn trúng khi lái may bay chiến đấu bắn phá Hà Nội. Bị thương nặng, rơi xuống hồ Trúc Bạch, thế mà lại được vớt lên, cứu chữa kịp thời...Lần nào ông cũng giành chiến thắng trước số mệnh. Vài năm trước bị phát hiện ung thư não, ông vẫn tiếp tục lạc quan về sự “cao số” của mình. Nhưng đến ngày 25/8 vừa qua thì ông đã phải đầu hàng số phận.

Tác giả bài viết - Thượng tá Lại Vĩnh Mùi (thứ 2 bìa phải) cùng Giám đốc bảo tàng quân đội và đoàn TNS Mỹ
 Tác giả bài viết - Thượng tá Lại Vĩnh Mùi (thứ 2 bìa phải) cùng Giám đốc bảo tàng quân đội và đoàn TNS Mỹ

Kỷ niệm về McCain

Người viết bài này hân hạnh có một kỷ niệm riêng với TNS John McCain. Đó là vào tháng 9 năm 1994 khi đoàn Thượng viện Mỹ thăm Việt Nam. Trong thành phần Đoàn còn có TNS John Kerry, TNS Bob Smith của Đảng Cộng hòa, TNS Tom Daschle, lãnh tụ phe thiểu số Đảng Dân chủ. Sau khi gặp gỡ các quan chức và đi thăm Bảo tàng Quân đội, đoàn quay về khách sạn Metropol trên đường Ngô Quyền ăn tối. Với tư cách là người phiên dịch cho đoàn, tôi được dự bữa cơm hôm đó. Trong thời gian diễn ra bữa ăn, từ phía bên kia bàn, tôi quan sát thấy TNS McCain liên tục nói chuyện khá căng thẳng với TNS Bob Smith - một con người to ngoại cỡ ngay cả so với người Mỹ nhưng lại có giọng nói rất khó nghe. Sau này, tôi có hỏi ông Theodore Schweitzer là người cùng làm việc tại Bảo tàng Quân đội về chuyện này. Ông Schweitzer trả lời rằng, anh có biết, sở dĩ TNS McCain có nhiều lúc lúc căng thẳng như thế là vì sao không. Đó là vì Bob Smith chính là người chống đối quyết liệt nhất trong việc bỏ cấm vận Việt Nam. Nhờ có việc Việt Nam mời cả những người hăng hái chống bỏ cấm vận nhất như Bob Smith, Ann Griffiths sang tận mắt chứng kiến và nhờ có những cuộc trao đổi căng thẳng như thế của TNS McCain nên mới giải quyết được vấn đề đấy!

Tôi nghĩ, sự việc có lẽ chính xác là như vậy!