Thuốc lá nung nóng và thuốc lá điện tử "làm nóng" nghị trường, Bộ Công Thương ủng hộ Bộ Y tế

Phần lớn các ý kiến chất vấn từ các đại biểu Quốc hội chiều nay đều liên quan tới đề xuất cấm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng. Bên cạnh, các câu hỏi dành cho Bộ trưởng Y tế, các đại biểu còn gửi câu hỏi tới Bộ trưởng Công Thương.

Các đại biểu đặc biệt quan tâm vấn đề quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng

Chiều nay, 11/11, trong phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội của Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan, vấn đề quản lý thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng (TLĐT, TLNN) được đặc biệt quan tâm.

Phần lớn các ý kiến chất vấn từ các đại biểu Quốc hội đều liên quan tới đề xuất cấm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng. Bên cạnh, các câu hỏi dành cho Bộ trưởng Y tế, các đại biểu còn gửi câu hỏi tới Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên.

Sự quan tâm của các đại biểu về TLĐT, TLNN cho thấy những lo lắng của xã hội trước sự tấn công của TLĐT, TLNN với giới trẻ, bởi các sản phẩm này nguy cơ cao về tính gây nghiện, gây bệnh nguy hiểm như ung thư, tim mạch, tổn thương phổi.

Trả lời ý kiến của các ĐBQH, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết: Những kết quả rất đáng khích lệ trong phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL) hơn 10 năm qua đang có nguy cơ bị phá bỏ bởi việc gia tăng nhanh chóng tỷ lệ sử dụng thuốc lá mới (chủ yếu là TLĐT, TLNN, sản phẩm lai giữa TLĐT và TLNN), đặc biệt là trong giới trẻ.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan dẫn chứng sự nguy hiểm của TLĐT, TLNN với giới trẻ. Ảnh: Quốc hội

Hiện, tỷ lệ sử dụng TLĐT ở người 15 tuổi trở lên tăng 18 lần (từ 0,2% năm 2015 lên 3,6% năm 2020), tập trung ở nhóm 15-24 tuổi với tỉ lệ 7,3%, tiếp đó là các nhóm 25 - 44 tuổi (3,2%), 45 - 64 tuổi (1,4%) .

Địa bàn, tỷ lệ sử dụng TLĐT ở nhóm trẻ em từ 13-17 tuổi tăng từ 2,6% tăng 8,1% sau 5 năm; ở nhóm 13-15 tuổi tăng hơn gấp đôi, từ 3,5% năm 2022 lên 8% năm 2023. Riêng ở nữ giới tuổi 11-18, kết quả điều tra sơ bộ ở 11 tỉnh năm 2023 cho thấy tỷ lệ sử dụng TLĐT là 4.3%.

Bộ trưởng Bộ Y tế dẫn thông tin từ WHO: Có ít nhất 60 hợp chất hóa học đã được tìm thấy trong dung dịch TLĐT và nhiều hợp chất khác cùng gần 20.000 loại hương vị. Trong đó, nhiều hoá chất gây nghiện, có chất độc, gây ung thư, viêm tiểu phế quản co thắt vv…

Bộ trưởng khẳng định quan điểm của Bộ Y tế về TLĐT, TLNN: Đây là các sản phẩm mới, không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật PCTHTL. Trong khi WHO cảnh báo tất cả các loại thuốc lá, cả TLĐT, TLNN đều có hại với sức khỏe con người.

WHO và CDC Hoa Kỳ đều thống nhất rằng các bằng chứng hiện có đủ cho thấy thuốc lá mới gây ra các bệnh mãn tính nguy hiểm cho người dùng và gây nghiện do chứa nicotine, ung thư, bệnh tim mạch, bệnh hô hấp, sức khỏe tâm thần.

Mỗi năm, Việt Nam có ít nhất 40.000 người tử vong vì các bệnh liên quan đến thuốc lá, như đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi vv... Nghiên cứu tại Bệnh viện K cho thấy 96,8% người bệnh ung thư phổi có hút thuốc lá.

Đặc biệt, TLĐT gây tác hại nghiêm trọng hơn nhiều thuốc lá điếu như hội chứng tổn thương phổi cấp (EVALI), ngộ độc, tăng nguy cơ sở dụng ma tuý vv…

“WHO đã thông tin TLNN chứa thuốc lá và không giúp người hút thuốc cai nghiện thuốc lá. Vì khói tỏa của chúng chứa các chất độc hại tương tự như khói thuốc lá điếu, có thể gây ung thư, tim mạch và hô hấp. Một số chất độc hại trong TLNN có hàm lượng cao hơn thuốc lá điếu. Các sản phẩm thuốc lá lai giữa TLĐT và TLNN mang khả năng gây hại của cả TLĐT và TLNN” - Bộ trưởng cho biết.

Trái với tuyên bố của các nhà sản xuất, thực tế cho thấy TLĐT, TLNN nhắm vào giới trẻ, kể cả phụ nữ và trẻ em, thông qua hương vị hấp dẫn, thiết kế bắt mắt, thời trang, bán hàng qua mạng. Mặt khác, TLĐT/TLNN còn làm tăng nguy cơ sử dụng thuốc lá điếu ở người trẻ, đồng thời, là một hỗn hợp của các hóa chất độc hại.

Theo Bộ Công an, từ năm 2020 đến Quý I năm 2024, Công an cả nước phát hiện, xử lý 728 vụ/ liên quan đến TLĐT/TLNN, nhiều vụ có trộn ma tuý vào thuốc lá mới.

Bộ trưởng dẫn khẳng định của WHO: “Không có bằng chứng chứng minh TLĐT, TLNN ít gây hại hơn các sản phẩm thuốc lá điếu thông thường”. Vì TLĐT, TLNN đều chứa nicotine, ảnh hưởng sức khỏe, nhất là sự phát triển não bộ ở trẻ em và thanh, thiếu niên.

Do đó, tuyên bố “TLĐT giảm hại hơn 95% so với thuốc lá điếu” là không có bằng chứng khoa học. FDA không phê duyệt sản phẩm thuốc lá nung nóng IQOS là “giảm hại” và bác bỏ tuyên bố rằng sản phẩm này ít gây hại hơn thuốc lá khác.

WHO đã khuyến cáo các quốc gia cần có biện pháp “ngăn chặn việc đưa ra các kết luận thiếu căn cứ về an toàn của TLĐT, TLNN”.

Bộ Y tế kiên trì quan điểm cấm

Trả lời câu hỏi của ĐBQH về những giải pháp quản lý của Bộ Y tế với TLĐT, TLNN, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết Bộ Y tế đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tuyên truyền về tác hại của TLĐT, TLNN, đề xuất biện pháp ngăn chặn các sản phẩm độc hại này; ban hành nhiều văn bản đề nghị tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về TLĐT, TLNN.

Để phù hợp với khuyến cáo của WHO, sau khi tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia và tình hình sử dụng thuốc lá hiện nay và năng lực quản lý của Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Y tế đề xuất: Cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo TLĐT, TLNN và các sản phẩm thuốc lá mới.

Bệnh nhân được đưa vào cấp cứu sau khi dùng thuốc lá điện tử có ma tuý

Bộ trưởng Đào Hồng Lan lý giải: Vì đang có khoảng trống pháp lý đối thuốc lá mới, trong khi việc sử dụng sản phẩm này đang tăng nhanh. Bên cạnh đó, Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá, khuyến cáo của WHO, SEATCA và gần 40 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó có 5 nước ASEAN đều cấm hoàn toàn TLĐT, TLNN, là Thái Lan, Singapore, Lào, Brunei và Campuchia.

Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết thêm: Việc sửa đổi, bổ sung Luật PCTHTL là rất cần thiết để khắc phục bất cập trên. Tuy nhiên, trình tự, thủ tục của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật cần nhiều thời gian, tối thiểu 3-5 năm. Trong khi đó, thuốc lá mới là vấn đề đang rất nóng, dư luận cực kỳ quan tâm, có chất gây nghiện nhanh, đặc biệt là ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em, thanh niên. Do đó, cần khẩn trương có biện pháp để ngăn chặn kịp thời, tránh để thêm nhiều người nghiện nicotine và nguy hại đến sức khoẻ.

“Trước mắt, Bộ Y tế đề xuất Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo TLĐT, TLNN và các sản phẩm thuốc mới. Về lâu dài, Bộ Y tế sẽ sửa đổi, bổ sung Luật PCTHTL để bổ sung quy định này vào Luật, bảo đảm tính ổn định” - Bộ trưởng Đào Hồng Lan nêu quan điểm.

Bộ trưởng Bộ Công thương khẳng định ủng hộ cấm TLĐT, TLNN

Phát biểu về vấn đề thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, kinh doanh thuốc lá là ngành kinh doanh có điều kiện, được quy định rõ trong Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và các văn bản pháp luật có liên quan. Tuy nhiên, thuốc lá thế hệ mới gồm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng chưa được định nghĩa trong Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và các văn bản pháp luật. Do vậy, trong thời gian dài vừa qua, chúng ta có khoảng trống pháp lý trong công tác quản lý nhà nước đối với loại hình sản phẩm này.

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên trả lời các câu hỏi của đại biểu Quốc hội.

Từ những năm 2019, 2020, do thiếu công cụ quản lý thuốc lá công nghệ mới trong khi các sản phẩm này đã len lỏi, phát triển mạnh trên thị trường, Bộ Công Thương lúc bấy giờ đã đề xuất Chính phủ và được Chính phủ khóa trước xây dựng đề án thí điểm quản lý loại hình thuốc lá này. Khi lấy ý kiến của bộ, ngành, nhiều bộ, ngành đồng thuận với đề xuất của Bộ Công Thương, chỉ đạo của Chính phủ, nhưng cũng có những bộ, ngành phản đối, đặc biệt là Bộ Y tế, với quan điểm rằng đó là sản phẩm có hại cho sức khỏe.

Bộ trưởng Bộ Công Thương nêu rõ, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Bộ Công Thương đã đồng ý với đề xuất này của Bộ Y tế, thống nhất rằng đây là sản phẩm có hại cho sức khỏe, phải sớm có khung khổ pháp lý để cấm sản phẩm này. Bộ Công Thương và cá nhân Bộ trưởng không đề xuất tiếp tục thí điểm đề án này.

"Thực tế, thời gian qua, Bộ Công Thương luôn từ chối cấp phép kinh doanh, cấp đăng ký thông báo cho website thương mại điện tử kinh doanh thuốc lá thế hệ mới. Đồng thời, Bộ đã chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm tra và xử lý hàng trăm vụ việc đối với việc kinh doanh sản phẩm này", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói.

Bộ trưởng Công Thương đề xuất Quốc hội, Chính phủ sớm ban hành chính sách, hoàn thiện khung pháp lý để quản lý chặt chẽ, rõ ràng đối với loại sản phẩm này. Trong khi chưa sửa đổi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo Quản lý thị trường phối hợp với cơ quan chức năng, tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân buôn bán, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, phối hợp chặt chẽ lực lượng chức năng để tăng cường quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

Bộ trưởng cũng lưu ý, nguồn hàng sản phẩm này chủ yếu do nhập lậu, nên các lực lượng chức năng cần ngăn chặn tốt ngay từ các cửa khẩu, biên giới.