|
Các bị cáo trong phiên tòa sơ thẩm lần 2 vụ án VN Pharma |
“Quản lý vô nguyên tắc và cố tình không hiểu biết”
Liên quan đến vấn đề quản lý của Cục Quản lý Dược, đặc biệt là vụ hồ sơ lô thuốc H-Capita còn thiếu, nhưng vẫn được nhập khẩu vào Việt Nam, một chuyên gia đầu ngành y tế nhận định: "Quản lý quá vô nguyên tắc và cố tình không hiểu biết, gây nghi ngờ là do “bôi trơn”.
Lật lại các sự việc trước đó, năm 2014 và 2015 Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã cho nhập gần 9.100 kg salbutamol, cụ thể là 3.876 kg năm 2014 và 5.215 kg năm 2015. Tuy nhiên, Bộ Y tế không chỉ ra có bao nhiêu trong số gần 9.100 kg salbutamol đã nhập được sử dụng đúng với mục đích nhập khẩu là làm thuốc chữa hen phế quản, viêm phế quản, giãn phế nang,…
|
Bị cáo Nguyễn Minh Hùng, nguyên Tổng giám đốc công ty VN Pharma bị kết án về tội Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh
|
Đến năm 2017, vụ án "Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh" xảy ra tại Công ty VN Pharma một lần nữa cho thấy sự quản lý của Cục Quản lý Dược. Theo đó, năm 2014, lô thuốc 9.300 hộp H-Capita được nhập về Việt Nam. Trong khi đó, muốn nhập thuốc về Việt Nam phải có giấy phép nhập khẩu do Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cấp. Tuy nhiên, các kết quả điều tra cho thấy giấy phép của Công ty Austin Hong Kong đã hết hạn 2 tháng trước ngày nhập khẩu thuốc, điều này đồng nghĩa không có giấy phép mà vẫn được nhập khẩu.
Ngoài lô thuốc H-Capita, mới đây, từ năm 2011 đến 2014, có tới 4 lô thuốc kháng sinh của Công ty Health 2000 Inc nhập vào Việt Nam đã “lọt” vào hơn 100 bệnh viện (BV) trên cả nước. Các lô thuốc này đều được nhập bằng hồ sơ giả mạo.
Trong phiên tòa xét xử sơ thẩm lần 2 vụ án VN Pharma từ ngày 24-30/9, trả lời chất vấn của Hội đồng xét xử, Cục Quản lý Dược cho rằng "hồ sơ tài liệu giả được làm tinh vi, mắt thường không phát hiện được". Với vai trò là cơ quan quản lý chuyên ngành, được giao nhiêm vụ "gác cổng" mặt hàng thuốc chữa bệnh, mà Cục quản lý Dược trả lời như vậy có thỏa đáng?
Nỗi lòng bệnh nhân ung thư
Khi vụ án VN Pharma xảy ra, nhiều người dân cũng như bệnh nhân đã đặt câu hỏi không biết liệu thuốc mình đang dùng là thuốc giả hay thuốc kém chất lượng? Tại sao họ lại phải bỏ rất nhiều tiền để đổi lại sự lo lắng, hoang mang?
Chị L.T.H.(37 tuổi, ngụ Ninh Thuận) làm công nhân, có con trai là bé Ng.V.T (13 tuổi) bị mắc bệnh ung thư máu. Suốt 1 năm qua, chị cùng con trai chiến đấu với bệnh tật. Ngoài các loại thuốc nằm trong danh mục bảo hiểm y tế, chị đã phải chi rất nhiều tiền để mua thuốc ngoài danh mục, có lọ thuốc tới 4 triệu đồng, mỗi đợt tiêm thuốc dùng 2 lọ, giá 8 triệu đồng.
Chia sẻ với chúng tôi, chị H. cho biết: “Khi nghe tin thuốc ung thư giả đi vào BV, tôi rất buồn và cả lo. Bệnh nhân ung thư ai cũng đối diện với án tử, dù đã chạy tiền khắp nơi để chữa trị. Vậy mà họ còn đưa thuốc giả, thuốc kém chất lượng vào BV để chữa cho bệnh nhân ung thư. Tôi chỉ mong họ đừng kinh doanh trên nỗi đau của người khác”.
|
Vợ con anh H. đang điều trị ung thư tại BV Ung bướu TP.HCM
|
Cùng ý kiến với chị H., anh Ng.X.H (ngụ Đồng Nai) làm nghề bán bóng bay, là trụ cột trong gia đình có 1 đứa con gái bị ung thư thận và vợ bị ung thư vú. Cả gia đình nghèo dắt díu nhau sống trong BV Ung Bướu TP.HCM, xin cơm từ thiện ăn qua ngày.
“Khi những người trong Công ty VN Pharma bị bắt, tôi mới biết về thông tin thuốc giả. Bệnh nhân ung thư rất nghèo, phải vay mượn, đi xin từng đồng để chạy chữa, kéo dài mạng sống. Hàng tháng, tôi phải chi trả hơn 10 triệu tiền thuốc, có tháng gần 30 triệu. Tôi rất hoang mang, không biết thuốc vợ con tôi đang dùng là thuốc giả hay thuốc kém chất lượng. Nếu quả thật là vậy, chúng tôi đã vốn đau khổ nhiều rồi mà sao họ còn kinh doanh trên nỗi đau của chúng tôi?” – Anh H. thất vọng nói.
Trách nhiệm của Bộ Y tế như thế nào?
Trước thực trạng trên, cần có một giải pháp cụ thể, tránh gây hoang mang thêm cho những người bệnh vốn đã chịu nhiều bất hạnh.
Trong khi đó, tại phiên tòa xét xử vụ án VN Pharma ngày 25/9, Đại diện cho Tổ thẩm định của Cục Quản lý Dược cho rằng Cục đã làm đúng trách nhiệm và đúng quy định của pháp luật.
|
Đại diện Cục Quản lý Dược trình bày tại phiên tòa xét xử sơ thẩm lần 2 vụ án VN Pharma
|
Phân tích về việc bất cập của 2 văn bản dưới luật là Quyết định 151 (2007) và Thông tư 47 (2010), thẩm phán Phạm Lương Toản nhấn mạnh: “Quyết định 151 của Thủ tướng mang tính bao trùm, nếu Thông tư 47 của Bộ Y tế còn những lỗ hổng, với tư cách là chuyên gia, Cục Quản lý Dược phải đề xuất thay đổi, chỉnh sửa, bổ sung để hoàn thiện, chứ sao có thể nói là đã làm hết trách nhiệm theo đúng quy định. Hậu quả là cho phép nhập khẩu 9.300 hộp trong lô thuốc H-Capita không cần giấy phép gốc từ Công ty sản xuất và giấy phép của Austin Hong Kong cũng đã hết thời hạn trước khi thuốc nhập khẩu về Việt Nam”.
Cho đến nay, khi phiên tòa xét xử sơ thẩm lần 2 vụ án VN Pharma đã kết thúc nhưng độ nóng của vấn đề quản lý của Cục Quản lý Dược vẫn được đưa ra bàn luận gay gắt.
Trao đổi với chúng tôi, một chuyên gia đầu ngành y tế chia sẻ: “Chuyện các văn bản luật còn nhiều bất cập thì ngành nào cũng có, dù ráo riết yêu cầu sửa đổi những vẫn phải đợi. Tuy nhiên, không phải ai cũng lợi dụng sự bất cập này để làm những điều không tốt cho xã hội. Vấn đề là trách nhiệm lãnh đạo của Bộ Y tế như thế nào khi để các vụ việc như vậy xảy ra, sau đó lại tranh cãi không phải là thuốc giả. Như vậy, làm sao giải quyết được vấn nạn thuốc giả tại Việt Nam và toàn cầu? Tôi cho rằng phải xử lý nghiêm các vi phạm để làm gương”.