Mặc dù tất cả các quốc gia đều hết sức nỗ lực, thực tế đáng buồn là chỉ một phần nhỏ chất dẻo mà người dùng và các nhà thu mua vật liệu phế thải tách ra khỏi rác thải hàng ngày được tái chế thực sự.
Một trong những nguyên nhân lớn nhất dẫn đến tình trạng tái chế nhựa hiệu quả thấp là do rác thải không được phân loại đúng phương pháp.
Tại Úc, theo Cục Thống kê Australia (ABS), gần một nửa tổng lượng rác thải hàng năm ở quốc gia này được tái chế. Nhưng chỉ riêng ở New South Wales, chỉ 10% trong số 800.000 tấn nhựa của bang được tái chế vì các phế thải không được phân loại đúng cách, theo Tổ chức Nghiên cứu Công nghiệp và Khoa học Khối thịnh vượng chung (CSIRO).
"Quá trình phân loại rác cho tái chế khá phức tạp. Cần phải phân loại các phế thải có thể tái chế như chai lọ hoặc những bao túi khác, vào đúng thùng. Phân loại cần phải theo nhãn hiệu, thậm chí theo biểu tượng." Tiến sĩ Xu Wang thuộc Trường Kỹ thuật Điện và Dữ liệu tại Đại học Công nghệ Sydney cho biết.
Từ suy nghĩ này, Wang và một nhóm các nhà khoa học thuộc Trung tâm Công nghệ Dữ liệu Lớn (Big Data) Toàn cầu (GBDTC) thuộc trường đại học Sydney thiết kế một “thùng rác thông minh” công nghệ cao, có thể thực hiện phân loại phế thải nhựa tự động.
Thùng rác thông minh hỗ trợ bởi AI tự phân loại phế thải tái chế. Video EuroneNews |
Thiết bị được trang bị hàng loạt công nghệ tiên tiến, tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI), robot và thị giác máy. Những công nghệ này đã biến thùng rác trở thành một thiết bị thông minh.
Kỹ sư Wang cho biết: “Thiết bị này có thể phân loại (các loại) rác thải khác nhau như thủy tinh, ion kim loại và nhựa. Hơn nữa, thùng rác có thể nhận dạng các loại nhựa khác nhau như PET (polyethylene terephthalate) và HDPE (polyethylene mật độ cao).
Theo kỹ sư Wang, thùng rác là sự kết hợp các công nghệ mới nhất, trong đó có cả IoT (Internet of Things). Nhóm nghiên cứu cũng sử dụng các cảm biến khác nhau để xác định trọng lượng, vật chất, vật liệu của rác thải.
Nhóm nghiên cứu sử dụng một camera độ phân giải cao, chạy một thuật toán AI để phân loại các loại chất dẻo khác nhau, sử dụng công nghệ IoT và robot khác để phân loại rác thải vào các thùng.
Theo "lộ trình kinh tế vòng tròn" CSIRO công bố năm 2021, những kỹ thuật tiến tiến này có thể tăng gấp ba lần số lượng việc làm được tạo ra trong ngành thu hồi rác thải, thúc đẩy ngành công nghiệp vật liệu tái chế chất lượng cao và phát triển thị trường mới.
Thùng rác này hiện là một nguyên mẫu và vẫn cần phải điều chỉnh, hoàn thiện, nhưng các nhà phát minh đang nghĩ đến việc thương mại hóa kỹ thuật phân loại này.
Nhóm nghiên cứu tin tưởng rằng, trong tương lai không xa, những thùng rác thông minh sẽ xuất hiện trong các trung tâm mua sắm, trường học, rạp chiếu phim, doanh nghiệp và sân bay.