Thuế xuất khẩu nhiều mặt hàng sang Hàn Quốc về 0%

 Doanh nghiệp Việt Nam chính thức được hưởng các ưu đãi thuế quan trong Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) từ ngày 20-12-2015, thay vì ngày 1-1-2016. Biểu thuế ưu đãi VKFTA cũng được Bộ Tài chính công bố trên trang web vào hôm nay 21-12.
Nhiều doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Hàn Quốc, tham gia một triển lãm ngành dệt may trong năm nay tại TPHCM để giới thiệu vải và nguyên phụ liệu dệt may đến doanh nghiệp tại Việt Nam. Ảnh minh họa: Thu Nguyệt
Nhiều doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Hàn Quốc, tham gia một triển lãm ngành dệt may trong năm nay tại TPHCM để giới thiệu vải và nguyên phụ liệu dệt may đến doanh nghiệp tại Việt Nam. Ảnh minh họa: Thu Nguyệt

Theo thông tin từ Vụ Thị trường châu Á Thái Bình Dương (Bộ Công Thương) được đăng tải trên trang web Bộ Công Thương, sau khi Việt Nam và Hàn Quốc hôm 5-5-2015 chính thức ký VKFTA, hai nước đã triển khai thủ tục phê duyệt nội bộ tại mỗi nước. Hôm 16-1, Bộ Ngoại giao Việt Nam và Hàn Quốc đã trao đổi công hàm về ngày hiệu lực của Hiệp định VKFTA, và thống nhất chọn ngày 20-12-2015.

Theo đó, ngay sau khi hiệp định này có hiệu lực, các doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc có điều kiện khai thác các ưu đãi thương mại, đầu tư mà hai nước dành cho nhau trong hiệp định, góp phần tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác thương mại, đầu tư song phương.

Ngoài ra, hai nước cũng sẽ thành lập Ủy ban hỗn hợp cấp Bộ trưởng và các tiểu ban chức năng về thương mại hàng hóa, hải quan, phòng vệ thương mại, các biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS), rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT), di chuyển thể nhân... để rà soát, giám sát và đưa ra các khuyến nghị nhằm thúc đẩy việc thực thi hiệp định.

Trước đó, theo nội dung hiệp định được phía Hàn Quốc cũng như Việt Nam công bố vào tháng 5-2015, hiệp định có hiệu lực từ ngày 1-1-2016. Như vậy, hiệp định này có hiệu lực sớm hơn 10 ngày so với dự kiến trước đó. Theo nội dung cam kết, hầu hết các mặt hàng dệt, may từ Việt Nam vào Hàn Quốc được đưa thuế suất về 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực, thay vì từ 8-13% như hiện nay. Hiện hàng dệt, may là nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam vào thị trường Hàn Quốc, chiếm khoảng một phần tư tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường này.

Một mặt hàng khác mà Việt Nam hiện cũng xuất khẩu khá mạnh vào thị trường Hàn Quốc là thủy sản, đặc biệt là tôm. Khi hiệp định có hiệu lực, Hàn Quốc xóa bỏ thuế cho mặt hàng tôm (thuế suất 0%) nhập khẩu từ Việt Nam, nhưng chỉ áp dụng trong hạn ngạch. Trong năm đầu tiên hiệp định có hiệu lực, mức hạn ngạch được áp dụng là 10.000 tấn/năm, và tăng thêm 10% qua mỗi năm và lên mức 15.000 tấn/năm vào năm thứ 6, và sau đó vẫn giữ ở mức này.

Ngoài ra, đối với nhiều mặt hàng như rau quả, tỏi, gừng, mật ong,.... Việt Nam là nước ASEAN đầu tiên mà Hàn Quốc cam kết cắt giảm thuế, đem lại cơ hội khá lớn cho Việt Nam, nhưng với lộ trình cắt giảm kéo dài từ 10-15 năm. Chẳng hạn như Hàn Quốc cam kết đưa thuế suất tỏi từ 360% hiện nay xuống còn 0% trong 10 năm, theo đó thuế suất trong những năm đầu vẫn cao. Tuy nhiên, để nông sản nhập khẩu đạt được tiêu chuẩn, cũng như trải qua quá trình kiểm tra đánh giá chất lượng của Hàn Quốc thì phải mất nhiều năm, nên lộ trình xóa bỏ thuế 10 năm được đánh giá không phải là thời gian dài.

Mặc dù Việt Nam là đối tác FTA đầu tiên được Hàn Quốc mở cửa thị trường đối với những sản phẩm nhạy cảm, nhưng Việt Nam khó xuất khẩu ồ ạt các mặt hàng này. Bởi vì, hiện phần lớn nông thuỷ sản của Việt Nam xuất khẩu vào Hàn Quốc hay vướng phải biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động thực vật (SPS), trong đó có trái cây, theo ông Phạm Khắc Tuyên, trưởng phòng Đông Bắc Á (Vụ Thị trường châu Á – Thái Bình Dương thuộc Bộ Công Thương) tại một hội thảo vào tháng 5-2015 tại TPHCM.

Ngoài ra, theo VKFTA, Việt Nam cũng sẽ xoá bỏ thuế ngay hoặc trong thời gian ngắn cho các nguyên vật liệu nhập khẩu từ Hàn Quốc để phục vụ sản xuất. Chẳng hạn như, với nguyên phụ liệu dệt may, da giày nhập khẩu từ Hàn Quốc, Việt Nam cam kết đưa hầu hết xuống còn 0% trong thời gian từ khi hiệp định có hiệu lực đến 2018.

Theo TBKTSG