Thuế tối thiểu toàn cầu đối với các công ty đa quốc gia giúp tăng thêm 220 tỉ USD thu nhập

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Sau nhiều năm đàm phán của OECD, nhiều quốc gia trên thế giới đã bắt đầu áp dụng mức thuế tối thiểu 15% từ tháng 1/2024.

EU, Anh, Na Uy, Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản và Canada đã bắt đầu áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu (Ảnh: Bloomberg)
EU, Anh, Na Uy, Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản và Canada đã bắt đầu áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu (Ảnh: Bloomberg)

Bắt đầu từ ngày 1/1/2024, các công ty đa quốc gia lớn sẽ lần đầu tiên phải chịu mức thuế tối thiểu toàn cầu khi các cuộc cải cách thuế xuyên biên giới mang tính bước ngoặt được triển khai, nhằm tìm cách tăng thêm doanh thu hàng năm lên tới 220 tỉ USD.

Gần 3 năm kể từ sau khi 140 quốc gia đạt được thỏa thuận nhằm khắc phục những lỗ hổng rõ ràng trong hệ thống quốc tế, một số nền kinh tế lớn sẽ bắt đầu áp dụng mức thuế suất hiệu quả ít nhất là 15% đối với lợi nhuận doanh nghiệp, bắt đầu từ tháng 1.

Theo một loạt các quy tắc đan xen, nếu lợi nhuận của một công ty đa quốc gia bị đánh thuế dưới mức này tại một quốc gia thì các quốc gia khác sẽ có thể tính thêm thuế. OECD, tổ chức thúc đẩy cải cách, ước tính nó sẽ tăng doanh thu thuế hàng năm lên tới 9%, tương đương 220 tỉ USD trên toàn thế giới.

Jason Ward, nhà phân tích đến từ Trung tâm Nghiên cứu và Trách nhiệm Giải trình Thuế Doanh nghiệp Quốc tế, đã ca ngợi “thiết kế siêu thông minh” của cuộc cải cách. “Nó sẽ làm giảm động cơ sử dụng thiên đường thuế của các công ty đa quốc gia và khuyến khích các quốc gia trở thành thiên đường thuế”, ông nói.

Những khu vực pháp lý đầu tiên áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ tháng 1 bao gồm EU, Anh, Na Uy, Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản và Canada. Các quy định sẽ áp dụng cho các công ty đa quốc gia có doanh thu hàng năm trên 750 triệu euro.

Một số quốc gia từ lâu được coi là “thiên đường thuế” của các công ty đa quốc gia cũng sẽ tham gia, bao gồm Ireland, Luxembourg, Hà Lan, Thụy Sĩ và Barbados, những quốc gia trước đây có thuế doanh nghiệp là 5,5%.

Cả Mỹ và Trung Quốc đều chưa đưa ra quy trình áp dụng mức thuế này, mặc dù đã ủng hộ thỏa thuận vào năm 2021. Nhưng các cải cách toàn cầu được thiết kế để vẫn có tác động đáng kể.

Thỏa thuận được OECD giám sát, ra mắt vào năm 2021, bao gồm 2 “trụ cột”. Mục đích đầu tiên là buộc các công ty đa quốc gia phải trả nhiều thuế hơn ở nơi họ kinh doanh, trong khi mục tiêu thứ hai là thiết lập mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu.

Các quy tắc này mang ý nghĩa rằng, một khi một số quốc gia áp dụng mức thuế toàn cầu, các quốc gia khác sẽ có động cơ để làm tương tự vì nếu không, các quốc gia tham gia có thể thu thuế trong khi không có lợi cho các bên không tham gia.

Pascal Saint-Amans, cựu giám đốc thuế của OECD, cho biết: “Trụ cột thứ hai chỉ cần một số lượng lớn các quốc gia tham gia”.

Mặc dù phần lớn phụ thuộc vào việc thực hiện và phản ứng của các công ty đa quốc gia, phân tích sơ bộ cho thấy các quốc gia tham gia có lợi nhuận doanh nghiệp được đánh thuế thấp sẽ là những bên hưởng lợi.

Manal Corwin, người đứng đầu bộ phận thuế của OECD, nói với Financial Times rằng việc theo dõi nguồn thu bổ sung đạt được trong giai đoạn đầu sẽ chỉ thể hiện một phần nhỏ của các cuộc cải cách.

“Điều này sẽ thay đổi theo thời gian”, bà nói. “Tầm ảnh hưởng trong tương lai mới chính là giá trị của những gì đang diễn ra”. Bà Corwin nói rằng thông qua việc loại bỏ những biến dạng trong hệ thống, bà kỳ vọng thu nhập thuế sẽ nhiều hơn “ở những nơi diễn ra các hoạt động kinh tế”.

Việc áp dụng những cải cách này cũng dự kiến làm tăng sự cạnh tranh về thuế giữa các khu vực pháp lý thông qua các khoản tín dụng hoặc trợ cấp.

OECD đã xác nhận vào năm ngoái rằng việc tính thuế tối thiểu toàn cầu sẽ mang lại sự đối xử thuận lợi hơn cho một số khoản tín dụng thuế nhất định, đặc biệt là một số khoản tín dụng có thể chuyển nhượng trong Đạo luật Giảm lạm phát của Mỹ.

Will Morris, nhà lãnh đạo chính sách thuế toàn cầu tại PwC Mỹ, cho biết các trung tâm đầu tư có thể sẽ thu thêm doanh thu thuế theo chế độ mới và “trả lại số tiền đó cho doanh nghiệp” thông qua một cơ quan khác của chính phủ.

“Cạnh tranh về thuế sẽ không chết - nó sẽ chuyển sang trợ cấp và tín dụng”, ông nói.

Động lực này sẽ dẫn đến việc tiền thuế được thu ở nhiều quốc gia thấp hơn so với dự đoán của OECD, Morris tính toán, và ông lo ngại doanh nghiệp sẽ bị đổ lỗi. “Sẽ có nhiều lo ngại hơn từ các quốc gia rằng doanh nghiệp lại lập kế hoạch thuế thay vì ước tính doanh thu là sai”, ông nói.

Theo Financial Times