Thuế của ông Trump đe dọa ví tiền người Mỹ: Mỗi hộ gia đình có thể mất 4.700 USD/năm

Các nhà phân tích ước tính mức thuế của ông Donald Trump có thể khiến một hộ gia đình trung bình ở Mỹ mất 4.700 USD một năm.
Joanne Kwong, chủ của công ty Pearl River Mart, nhập khẩu hàng hóa từ khắp châu Á, cho biết thuế quan của ông Donald Trump là không bền vững đối với các doanh nghiệp nhỏ. Ảnh: FT.

Các nhà bán lẻ trên khắp nước Mỹ đang cảnh báo về một loạt đợt tăng giá và tình trạng thiếu hụt sản phẩm ngay từ đầu tháng này do thuế quan của Tổng thống Donald Trump.

Một số cửa hàng đang lên kế hoạch tăng giá trong vòng 2 tuần tới vì khả năng mức thuế lên tới 125% sẽ làm tăng chi phí của họ, làm trầm trọng thêm tình trạng lạm phát dai dẳng đã buộc nhiều người mua sắm phải hạn chế chi tiêu, theo Phòng thí nghiệm Ngân sách tại Đại học Yale.

Ngay cả sau khi ông Trump tuyên bố tạm dừng áp dụng thuế quan bổ sung trong 90 ngày, mức thuế chung 10% còn lại được áp đặt với hầu hết các mặt hàng nhập khẩu sẽ làm tăng giá cả hàng hóa nói chung lên 2,9%, khiến một hộ gia đình trung bình ở Mỹ mất 4.700 USD mỗi năm, theo ước tính của trung tâm nghiên cứu chính sách.

"Con số đó tương đương với gần 18 tháng lạm phát bình thường, diễn ra trong thời gian rất ngắn", Ernie Tedeschi, giám đốc kinh tế tại Phòng thí nghiệm Ngân sách cho biết.

Mặc dù mối đe dọa về thuế quan đã khiến thị trường Phố Wall chao đảo trong nhiều ngày, nhưng điều tồi tệ nhất vẫn chưa đến. Ông Tedeschi cho biết những thay đổi đầu tiên sẽ diễn ra ngay tại các quầy bán sản phẩm, nơi mà người ta chứng kiến giá cả bắt đầu tăng vào khoảng cuối tháng này. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, nước này phải nhập khẩu tới 59% trái cây tươi và 35% rau củ mà họ tiêu thụ.

Khách hàng tại một cửa hàng của Target ở New York đã bắt đầu tích trữ nước đóng chai và khăn giấy. Ảnh: FT.

Tuần này, Walmart cho biết có khả năng sẽ có "tác động về giá" từ thuế quan của ông Trump, nhưng giám đốc điều hành Doug McMillon cho biết nhà bán lẻ lớn nhất nước Mỹ đã tìm cách kiềm chế tác động của thuế ở mức thấp nhất có thể, bao gồm cả việc quản lý giỏ hàng sản phẩm mà họ bán ra.

Kent International, một trong những nhà sản xuất xe đạp lớn nhất Mỹ, cho biết giá cả sản phẩm trong toàn ngành sẽ tăng tới 50% trừ khi ông Trump giảm thuế.

Các nhà bán lẻ Mỹ đã tích trữ hàng tồn kho từ cuối năm ngoái do lo ngại rằng thuế quan và làn sóng đình công của người lao động tại các cảng bờ biển phía đông có thể ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng.

Theo Jonathan Gold, phó chủ tịch của nhóm thương mại Liên đoàn bán lẻ quốc gia, ngoài hàng hóa dễ hỏng, hầu hết các sản phẩm khác đã có đủ lượng hàng tồn kho để bán ra trong suốt mùa Hè năm nay. Điều đó có nghĩa là người tiêu dùng Mỹ có thể sẽ không cảm nhận rõ tác động của thuế quan đối với các sản phẩm như may mặc hoặc đồ chơi, cho đến ít nhất là mùa Thu năm nay.

"Nhưng thật không may với các nhà bán lẻ hoạt động với biên lợi nhuận mỏng khoảng 2-3", Gold cho biết. “Họ sẽ cố gắng bảo vệ người tiêu dùng tốt nhất có thể, nhưng tôi nghĩ rằng họ sẽ buộc phải chuyển một số chi phí đội thêm sang phía khách hàng”.

Một số người tiêu dùng đã bắt đầu tích trữ hàng hóa từ trước khi giá dự báo tăng, một động thái mà ông Tedeschi cho biết sẽ chỉ khiến giá cả tăng nhanh hơn.

Tại một cửa hàng Target ở Hạ Manhattan, New York vào chiều 9/4, các kệ hàng nước đóng chai, khăn giấy và bột mì đã trống rỗng. Các nhân viên cho biết mặc dù họ có nhiều hàng tồn kho hơn ở phía sau cửa hàng, nhưng khách hàng vội vàng mua các mặt hàng không dễ hỏng với tốc độ còn nhanh hơn cả nhân viên bổ sung hàng.

"Hàng đang bán rất chạy", một nhân viên giấu tên nói với tờ Financial Times.

Doanh số bán rượu cũng tăng khi bên bán cảnh báo rằng thuế quan sẽ buộc họ phải ngừng kinh doanh nhiều loại rượu nhập khẩu sản xuất với số lượng nhỏ và tăng giá đối với các loại rượu phổ biến hơn, Tom Wark, giám đốc điều hành của Hiệp hội các nhà bán lẻ rượu vang quốc gia cho biết.

"Người tiêu dùng chắc chắn sẽ mất quyền tiếp cận một số loại rượu mà họ ưa thích", ông Wark cho biết.

Nếu ông Trump khôi phục "thuế quan có đi có lại", hay thuế đối ứng, một chai rượu vang châu Âu có giá 30 USD sẽ tăng lên tới 50 USD chỉ trong vòng 3 tuần, ông Wark nói thêm.

Các chủ doanh nghiệp khác vẫn đang vật lộn tìm cách thích ứng với các khoản thuế. Joanne Kwong, chủ tịch của Pearl River Mart, một nhà bán lẻ có trụ sở tại thành phố New York chuyên bán đồ ăn nhẹ, đồ gia dụng, đồ chơi và các sản phẩm khác được nhập khẩu từ khắp châu Á, cho biết: "Đây là thời điểm mà bạn chỉ biết bó tay và chờ đợi".

"Thuế quan mang đến sự không bền vững đối với một doanh nghiệp nhỏ như chúng tôi hoặc nhiều doanh nghiệp lớn hơn chúng tôi. Cuối cùng, chi phí đó sẽ do người tiêu dùng gánh chịu", ông nói.

Ben Fung, chủ cửa hàng cà phê Créme ở Manhattan đang phải đối mặt với chi phí cao hơn từ các nhà cung cấp cà phê của mình. Ảnh: FT.

Amrita Saigal, người sáng lập công ty tã lót Kudos, cho biết doanh nghiệp của bà có thể phải tăng giá giá sản phẩm, nhưng bất trắc về thuế quan đã khiến việc lập kế hoạch trở nên bất khả thi. Mặc dù Kudos sản xuất các sản phẩm của mình tại North Carolina và lấy nguồn bông từ bên trong nước Mỹ, nhưng một số bao bì và linh kiện nhất định vẫn phải nhập từ Trung Quốc.

"Mặc dù chúng tôi sẽ cố gắng hấp thụ một phần chi phí, nhưng có khả năng chúng tôi sẽ phải chuyển một phần sang phía khách hàng", bà nói về chi phí thuế quan. "Số tiền này không phải là khoản tiền bỏ túi của chúng tôi".

“Ngay cả khi tôi muốn mang mọi thành phần về Mỹ, cơ sở hạ tầng cũng không sẵn có”, bà nói. Ví dụ, bà cho biết, Mỹ không có cơ sở sản xuất bao bì ép phun.

Ít mặt hàng nào phải đối mặt với mức giá tăng cao như cà phê, 80% trong số đó là hàng nhập khẩu, theo Bộ Nông nghiệp Mỹ. Chỉ có một số vùng nhỏ ở Hawaii và California có khí hậu thuận lợi để trồng hạt cà phê.

Ben Fung, chủ một quán cà phê có tên Créme ở Manhattan, cho biết các nhà cung cấp của ông đã lên kế hoạch tăng giá tới 30% ngay cả trước khi thuế quan có hiệu lực, sau khi hạn hán ở Brazil làm giảm sản lượng cà phê.

Hiện tại, thuế quan có khả năng làm tăng giá cà phê La Colombe mà ông Fung pha chế và cốc giấy mà ông dùng để đựng cà phê, được sản xuất tại Canada. Ông hy vọng rằng mức tăng trưởng kinh doanh thông thường trong suốt mùa Hè sẽ cho phép ông giữ giá một ly cà phê latte ở mức 5,50 USD. Tuy nhiên, ông sẽ phải xét lại mức giá này vào mùa Thu.

“Tôi thực sự không muốn chuyển phần chi phí đội lên sang phía khách hàng của mình”, ông Fung nói. “Đây là một cửa hàng gia đình. Tôi nhìn thấy những khuôn mặt quen thuộc. Họ trở thành bạn bè và gia đình nên tôi luôn cảm thấy tệ khi tăng giá. Tôi sẽ gánh chi phí cho đến khi không thể chịu đựng được nữa”.

Theo Financial Times