
Khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tăng thuế quan mới đối với hàng hóa từ Trung Quốc lên 145% phần trăm trong tuần này, tâm trạng thường thấy trên những con phố bụi bặm và các nhà máy nhỏ ở khu vực Đông Nam Trung Quốc là sự pha trộn giữa tức giận, lo lắng và quyết tâm.
Hàng nghìn nhà máy nhỏ định hướng xuất khẩu ở trong hoặc gần Quảng Châu, trung tâm thương mại của ở Đông Nam Trung Quốc, đã đóng vai trò trung tâm trong sự phát triển kinh tế nhanh chóng của đất nước này trong nửa thế kỷ qua. Nhanh chóng cung cấp hầu hết mọi sản phẩm với chi phí thấp, họ sử dụng hàng triệu công nhân nhập cư từ khắp Trung Quốc.
Hiện tại, nhiều nhà máy nhỏ vốn là nền tảng của nền kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt với giai đoạn khó khăn. Các quản lý nhà máy may lo rằng một loạt đơn đặt hàng từ khách hàng Mỹ bị hủy vào phút chót, khiến họ phải chịu lỗ. Các nhà quản lý nhà máy sản xuất máy móc tự hỏi liệu chi phí thấp có còn giúp họ tồn tại hay không? Và công nhân hy vọng họ vẫn có việc làm trong những tuần và tháng tới.

Một số nhà máy may mặc chủ yếu cung cấp cho thị trường Mỹ đã tạm thời đóng cửa vì chủ sở hữu của họ đang chờ đợi những thông tin rõ ràng hơn về thuế quan. Các nhà quản lý của nhiều nhà máy khác hiện đang vội vã tìm kiếm khách hàng ở các quốc gia khác hoặc săn đón khách hàng ở ngay trong nước.
Tuy nhiên, Trung Quốc đã phải đối mặt với tình trạng dư thừa công suất nhà máy ngay cả trước khi ông Trump bắt đầu khép cửa thị trường Mỹ đối với nhiều mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc trong năm nay. Khách hàng ở những nơi khác đã yêu cầu giảm giá sâu hơn nữa.
Mức giá thấp khủng khiếp đối với các nhà sản xuất đã trở nên đặc biệt phổ biến trên thị trường nội địa Trung Quốc. Nhiều người tiêu dùng Trung Quốc hiện đang có xu hướng cực kỳ tiết kiệm sau khi mất hết số tiền dành dụm cả đời trong vụ sụp đổ thị trường nhà ở của nước này.

"Cuộc chiến thương mại có tác động rất lớn, bởi vì nếu bạn không thể xuất khẩu, sẽ có ít đơn đặt hàng quần áo hơn và sẽ không có việc gì để làm", Ling Meilan, đồng sở hữu một nhà máy sản xuất áo sơ mi trên tầng hai của một tòa nhà bê tông, nằm trong một mê cung các tòa nhà công nghiệp, cho biết. Công nhân bên trong làm việc miệt mài bên máy khâu đặt trên những chiếc bàn dài dưới ánh đèn huỳnh quang.
Bà Ling tập trung vào thị trường nội địa Trung Quốc. Nhưng một số nhà máy gần đó chủ yếu bán sang Mỹ đã tạm thời ngừng hoạt động.
Một quản lý nhà máy ở cuối phố, Yao, cho biết bà chủ yếu cung cấp hàng hóa cho Amazon và đã thấy đơn hàng chậm lại. Bà cho biết "Nếu thuế quan của Mỹ quá cao, chúng tôi không thể làm được nữa và tôi chắc chắn sẽ chuyển sang các thị trường khác".
Việc hủy đơn hàng quần áo gần đây đặc biệt gây khó khăn cho các nhà máy nhỏ ở Quảng Châu. Các nhà nhập khẩu Mỹ thường trả trước một nửa chi phí lô hàng may mặc và trả phần còn lại sau.

Các nhà quản lý nhà máy cho biết việc hủy đơn hàng vào phút chót mà không được bồi thường, do các nhà nhập khẩu không muốn trả thuế quan của ông Trump, đã khiến một số nhà máy mắc kẹt với lượng hàng tồn kho đáng kể, từ hàng may mặc đến túi xách. Khoản thanh toán trước 50% mà họ nhận được không đủ để trang trải chi phí.
Trong khi đó, các nhà sản xuất máy móc lại ở vị thế tốt hơn để chịu đựng được thuế quan. Trung Quốc hoàn toàn thống trị một số danh mục đến mức họ có ít đối thủ cạnh tranh ở các quốc gia khác.
Elon Li, chủ một nhà máy nhỏ ở Quảng Châu chuyên sản xuất thiết bị nấu ăn giá rẻ cho các nhà hàng và lò nướng thịt ngoài trời, cho biết ông không lo lắng về mức thuế quan mới nhất của Mỹ vì tất cả các đối thủ cạnh tranh của ông cũng đều ở trong hoặc gần Quảng Châu.
Các nhà sản xuất ở Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Âu cũng sản xuất thiết bị nấu ăn, nhưng họ sử dụng vật liệu đắt hơn nhiều và tính phí cao gấp 10 lần so với công ty ông. Ông cho biết các nhà máy ở Đông Nam Á và châu Phi không thể cạnh tranh được vì chỉ có Trung Quốc sản xuất các linh kiện điện giá rẻ, lấy ví dụ như công tắc bật-tắt chống thấm nước.

Thép, nguyên liệu đắt nhất trong hoạt động sản xuất của công ty ông, có giá rẻ hơn nhiều ở Trung Quốc so với những nơi khác, Li cho biết. Sự sụp đổ của thị trường bất động sản Trung Quốc đã tàn phá ngành xây dựng ở Trung Quốc và để lại tình trạng dư thừa thép.
Giá bán lẻ của thiết bị nấu ăn tại Mỹ cao gấp 8 lần giá sản xuất tại Trung Quốc, ông Li cho biết. Thuế quan chủ yếu được tính dựa trên chi phí sản xuất rất thấp, trước khi tăng mạnh tại Mỹ. Vì vậy, ngay cả một mức thuế quan lớn cũng có thể không làm tăng nhiều giá bán lẻ, vì chi phí sản xuất chỉ là một phần rất nhỏ trong mức giá cuối cùng, ông Li cho biết.

Một khoản chi phí không giảm chính là lao động. Các nhà quản lý tại 5 nhà máy ở Quảng Châu đều cho biết họ không thấy dấu hiệu nào trong những tuần gần đây rằng công nhân sẽ chấp nhận mức lương thấp hơn. Tỷ lệ sinh giảm trong nhiều thập kỷ ở Trung Quốc đã khiến cả nước thiếu hụt công nhân nhà máy, đặc biệt là trong giới trẻ.
Nhiều thập kỷ tăng trưởng kinh tế gần như liên tục ở Trung Quốc đã khiến nhiều nhà sản xuất tin tưởng rằng họ sẽ vượt qua được những khó khăn mới nhất.
"Đất nước chúng tôi thực sự đang trở nên mạnh mẽ hơn", bà Ling cho biết. "Cá nhân tôi khá hài lòng và rất tin tưởng vào Trung Quốc".

Trung Quốc hạn chế nhập khẩu phim Hollywood, đáp trả thuế quan Mỹ

“Chúng tôi đã sẵn sàng”: Người dân Trung Quốc kiên quyết trong cuộc chiến thuế quan

Mỹ hủy đơn hàng, doanh nghiệp Trung Quốc kêu hết cửa làm ăn giữa "bão thuế"
Theo New York Times