Thông thường mỗi dịch vụ giá trị gia tăng trên mỗi thuê bao viễn thông được đăng ký bởi 2 hình thức. Một là, nhắn tin theo cú pháp mà nhà mạng đưa ra, hai là nhấp vào biểu tượng, đường link trên trang web lập tức khách hàng được đăng ký ngay dịch vụ. Có thể thấy cơ chế đăng ký dịch vụ của các nhà mạng đưa ra hiện nay là khá “thoáng”.
Thậm chí có trường hợp nhỡ tay click vào một link quảng cáo nào đó coi như là thuê bao đã đăng ký xong một loại dịch vụ. Rõ ràng ở tình huống này khách hàng bị đặt vào tình thế đã rồi mà mình không hề mong muốn. Điều nguy hiểm là nhiều khách hàng còn không thể kiểm soát được thuê bao của mình đang được tích hợp bao nhiêu loại dịch vụ viễn thông đính kèm nên vô tình dễ dẫn đến “vung tay” tiêu hoang. Chính vì vậy, nhu cầu kiểm tra, kiểm soát, minh bạch các dịch vụ gia tăng di động là rất lớn.
Thực tế, hiện nay các hình thức phổ biến giúp khách hàng kiểm tra thông tin dịch vụ trên thuê bao được nhà mạng đưa ra, như gọi điện thoại rồi làm theo hướng dẫn hoặc đơn giản hơn là nhắn tin theo cú pháp và hệ thống sẽ trả tin nhắn về tới số thuê bao của khách hàng.
Như trường hợp điển hình của Vinaphone, việc kiểm tra các dịch vụ giá trị gia tăng trên điện thoại được thực hiện bằng 2 cách. Thứ nhất, thuê bao bấm gọi *123# và làm theo hướng dẫn. Hệ thống Vinaphone sẽ báo những dịch vụ đang dùng trên thuê bao. Thứ hai, soạn tin nhắn TK gửi 123, hệ thống sẽ nhắn tin trả lời chứa những nội dung về dịch vụ giá trị gia tăng đang dùng. Viettel và Mobifone cũng tương tự.
Dù vậy, khi kiểm tra thông tin về các gói cước dịch vụ gia tăng của từng ông lớn như Viettel, Vinaphone, Mobifone thì mức độ cung cấp chi tiết gói dịch vụ không giống nhau và thông tin chi tiết các dịch vụ giá trị gia tăng của Vinaphone có lẽ khó làm khách hàng hài lòng nhất.
Cụ thể, đối với mạng Viettel, khi khách hàng soạn tin TC gửi 1228, hệ thống của Viettel trả lời thông tin về các loại dịch vụ khách hàng đang sử dụng khá đầy đủ, minh bạch. Trong đó, Viettel cho khách hàng biết, từ việc khách hàng đang dùng gói dịch vụ gì, giá gói cước bao nhiêu, đồng thời hướng dẫn cú pháp soạn tin nhắn để hủy gói dịch vụ nếu thuê bao không còn nhu cầu sử dụng nữa.
Đối với mạng Vinaphone thì hoàn toàn khác, khách hàng soạn tin nhắn TK gửi 123 lập tức hệ thống cũng gửi trả lại thông tin cho khách hàng, nhưng cách trả lời của Vinaphone nhợt nhạt, sơ sài. Trong đó, duy nhất Vinaphone chỉ làm phép liệt kê cho khách hàng biết là họ đang sử dụng các loại dịch vụ gì còn thông tin chi tiết về các loại dịch vụ đó như giá cước dịch vụ, thời hạn sử dụng dịch vụ, cách hủy dịch vụ thì không hề có. Việc này đưa khách hàng đến thế hoàn toàn “tù mù” về gói sản phẩm, mặc dù đây là những thông tin tối quan trọng để khách hàng có thể lựa chọn sử dụng hay không sử dụng dịch vụ.
Mobifone còn khá khẩm hơn Vinaphone một chút, khi mạng này cũng có liệt kê cho khách hàng biết đang dùng những gói dịch vụ giá trị gia tăng gì và có thêm hướng dẫn khách hàng gọi điện thoại đến 9090 hoặc vào đường link đính kèm để biết thêm thông tin chi tiết về gói cước đang sử dụng. Tuy nhiên, Mobifone cũng “giấu” thông tin về giá trị gói cước cũng như cách hủy dịch vụ như Vinaphone.
Là người tiêu dùng khi sử dụng dịch vụ của nhà mạng cần được tôn trọng, thực tế họ có 8 quyền quan trọng được quy định tại Điều 8 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trong đó, có quyền được thông tin về sản phẩm, quyền được bồi thường nếu bị thiệt hại. Tuy nhiên, cách thông tin của Vinaphone về sản phẩm dịch vụ khó có thể cho là rõ ràng, minh bạch, cho thấy một phần cách chăm sóc khách hàng của Vinaphone.