“Nhập vai” trải nghiệm cảm giác của nạn nhân
Người đàn ông trông như thật tiến về phía một nữ đồng nghiệp ở văn phòng. Hắn mở điện thoại và cho cô ấy xem những bức ảnh. Một lúc sau, hắn đặt tay lên đùi cô. Người phụ nữ khó chịu, gạt tay gã đồng nghiệp ra khỏi cơ thể mình.
Với những chiếc kính thực tế ảo (VR), người dùng sẽ được chứng kiến những hình ảnh như vậy trong các khóa học về phòng tránh hành vi xấu nơi công sở.
Một số người cho rằng công nghệ mới là chìa khoá nâng cao nhận thức về vấn nạn quấy rối hay lạm dụng công sở. Dù vậy, vẫn có những lo ngại hiệu quả của cách tiếp cận này cũng như tác động tiêu cực đối với nhóm người từng là nạn nhân.
Vantage Point và Sisu VR đang cung cấp khóa đào tạo thực tế ảo về quấy rối và lạm dụng ở nơi làm việc. Theo các công ty này, việc nhân viên trải nghiệm cảm giác là nạn nhân của hành vi xấu giúp nâng cao nhận thức hơn so với việc nghe trình bày với PowerPoint hay xấp tài liệu nội dung cũ kỹ. Họ cho rằng kịch bản VR có khả năng khơi dậy sự đồng cảm và thấu hiểu hơn cho người tham gia, từ đó có thể ngăn chặn hành vi quấy rối, lạm dụng ở nơi làm việc.
“Mọi người có thể trải nghiệm cảm giác là nạn nhân như thế nào”, Morgan Mercer, Giám đốc điều hành Vantage Point cho biết. “Chúng tôi đưa người dùng vào hoàn cảnh có một chút khó chịu. Tạo ra trải nghiệm khiến họ thấy cần phải làm điều gì đó và sau đó chúng tôi có thể thực sự dạy họ điều đó là gì”.
Mercer, nhà sáng lập Vantage Point, chia sẻ rằng cô cảm thấy ngưỡng mộ đối với những tiến bộ của công nghệ VR, đặc biệt là khi xem một bộ phim kinh dị và phải hét lên vì cảm giác quá chân thực. “Nếu chúng ta có thể tạo ra những tình huống và trải nghiệm hấp dẫn về mặt cảm xúc cho các ứng dụng khác thì tại sao không làm điều này cho đào tạo và giáo dục?” - “Và đó chính là khoảnh khắc ‘aha’ của tôi”.
Jocelyn Tan, Giám đốc điều hành Sisu VR nói rằng cô bắt đầu thành lập công ty sau khi bị một đồng nghiệp nam tát ngay giữa cuộc họp. Từ đó, cô tìm hiểu qua bạn bè, gia đình cũng như lãnh đạo ở các công ty xem họ đã làm gì để ngăn chặn điều tương tự xảy ra với người khác.
“Họ nói rằng có những khóa đào tạo tại nơi làm việc hướng dẫn mọi người cư xử một cách phù hợp. Nhưng vấn đề là quá trình này nhạt nhẽo và không có gì đáng nhớ”, Tan nói. “Và tôi đã quyết định sẽ tạo ra cuộc cách mạng đối với lĩnh vực này”.
Một buổi đào tạo VR điển hình yêu cầu người dùng sử dụng các thiết bị đeo. Sau đó, họ bước vào thế giới ảo với các nhân vật như thật và có thể quan sát hay tham gia vào tình huống cụ thể. Ở một số thời điểm, chương trình sẽ dừng lại và đặt câu hỏi tương tác, hoặc đưa ra giải pháp giúp thoát khỏi tình huống khó khăn.
Những lo ngại
Tuy nhiên, một số chuyên gia đang tỏ ra thận trọng. Họ cảnh báo rằng, nếu VR mang lại trải nghiệm học tập hấp dẫn hơn thì công nghệ này cũng có thể tác động tiêu cực tới những nạn nhân của phân biệt giới tính hay chủng tộc tại nơi làm việc. Nếu các kịch bản VR chỉ đơn thuần là sao chép lại nội dung mà mô hình đào tạo cũ đã thực hiện thì tác động của chúng có thể bị hạn chế. Không chỉ vậy, việc đổi mới về hình thức này có thể khiến các công ty cảm thấy là họ đã làm đủ.
Elden King, giáo sư tại Đại học Rice, cũng là chuyên gia đào tạo về quấy rối, cho hay: “Các công ty có thể nghĩ rằng công nghệ này là lời giải cho mọi vấn đề, nhưng tôi không nghĩ nó có khả năng như vậy”.
Erick Ramirez, giáo sư và chuyên gia VR tại Đại học Santa Clara nói rằng hình thức đào tạo truyền thống về quấy rối tình dục không có hiệu quả cao, khi chỉ tập trung vào các khái niệm, còn những giải pháp mang tính nhất thời thay vì một chiến lược ngăn chặn bao quát. Thêm vào đó, cách phân loại “nạn nhân” và “kẻ quấy rối” khiến mọi người không muốn tương tác trong buổi đào tạo.
“Theo tôi, VR cũng chỉ chuyển đổi những gì đang được các công ty tiến hành. Vì thế hiệu quả có thể sẽ tương đương với cách thức truyền thống”, Ramirez nói, nhưng cũng thừa nhận công nghệ có thể tác động mạnh hơn tới cảm xúc người tham gia.
Trong khi đó, Y-Vonne Hutchinson, Giám đốc điều hành hãng tư vấn ReadySet, lo ngại những nạn nhân của quấy rối tình dục hay phân biệt chủng tộc công sở sẽ bị tác động tiêu cực bởi các khóa đào tạo bắt chước lại trải nghiệm như vậy.
Cô cho biết việc đưa ra khoá đào tạo đặt người tham gia vào trải nghiệm không thoải mái đang phớt lờ nhu cầu cần được bảo vệ của những người nhạy cảm. “Những nạn nhân, theo nhiều cách đang phải chịu tổn thương trong các bài học giáo dục cho người khác”, Hutchinson nói.
Giám đốc ReadySet cho rằng ngay cả khi mọi người học hỏi, cũng không có gì cho thấy văn hoá công sở sẽ phản ứng nhanh chóng với hành vi xấu. Nếu một nhân viên không có sự đồng cảm với nạn nhân của phân biệt đối xử hay lạm dụng thì lợi ích của khoá đào tạo, bất kể được chuyển tải với hình thức mới lạ thế nào, cũng không đem lại hiệu quả đáng kể.
“Nếu bạn không thể cảm thông với những người bị tổn thương, thì tôi nghĩ đó là vấn đề cá nhân và không thể giải quyết bằng một khoá đào tạo VR”, Hutchinson kết luận.
Theo ICTNews