Kỳ 1: Trạm một đằng, thu một nẻo!

Thừa Thiên - Huế: Đặt trạm thu phí kiểu tận thu!

VietTimes -- Bất chấp ý kiến của dư luận về việc đặt Trạm thu phí bất hợp lý, Công ty cổ phần BOT Phước Tượng - Phú Gia vẫn xây trạm thu phí đường bộ qua hầm Phước Tượng và Phú Gia ngay tại cửa ngõ ra vào Thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế) theo kiểu tận thu.
Trạm thu phí của Công ty Cổ phần BOT Phước Tượng- Phú Gia đặt ngay cửa ngõ vào Thị trấn Lăng Cô khiến người dân lo lắng

Việc Công ty Cổ phần BOT Phước Tượng - Phú Gia đặt Trạm thu phí đường bộ ngay tại cửa ngõ ra vào Thị trấn Lăng Cô mà không quan tâm xe bị thu phí có đi qua hai hầm đường bộ Phước Tượng - Phú Gia hay không khiến không chỉ người dân, doanh nghiệp kinh doanh vận tải tuyến Lăng Cô - Đà Nẵng bức xúc mà còn gây ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động kinh doanh, dịch vụ du lịch tại thị trấn này.

Trạm một đằng, thu một nẻo!

Sau khi phản ánh trực tiếp với chính quyền địa phương không thành, một loạt các doanh nghiệp vận tải, doanh nghiệp kinh doanh du lịch và cả người dân địa phương đã phản ánh đến cơ quan báo chí cầu cứu về quyết định đặt trạm thu phí đường bộ ngay tại cửa ngõ ra vào Thị trấn Lăng Cô.

Tại công trình, đơn vị thi công đang khẩn trương thi công để hoàn thành các hạng mục cơ bản, nhanh chóng đưa trạm thu phí vào hoạt động càng khiến các doanh nghiệp vận tải, kinh doanh du lịch dịch vụ, người dân lo lắng bởi phải chịu thêm phí vô lý cùng mức phí chưa biết thế nào.

Và mặc dù giải thích là trạm thu phí đường bộ qua hầm Phước Tượng và Phú Gia, nhưng trạm này lại đặt tại vị trí ngay khi ra khỏi hầm đường bộ Hải Vân khiến người dân bức xúc. "Việc đặt Trạm thu phí đối với 2 hầm Phước Tượng và Phú Gia nhưng lại ngay cửa ngõ phía nam Thị trấn Lăng Cô (phía Đà Nẵng) là một cách tận thu. Bởi bất cứ xe nào qua hầm Hải Vân đều phải đóng phí, dù có đi qua 2 hầm kia hay không. Họ thu cho bằng hết xe qua hầm Hải Vân chứ không cần biết xe có qua Phước Tượng hay Phú Gia hay không. Ở vị trí hiện tại, khác gì thu phí cho Hầm Hải Vân chứ không phải thu phí cho hầm Phước Tượng và Phú Gia?", ông Lương Chí Sỹ, chủ doanh nghiệp tư nhân Thảo Kéo phân tích.

Hàng loạt các doanh nghiệp taxi tại Thị trấn Lăng Cô sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng

Anh Nguyễn Văn Hải (SN 1980, khối phố An Cư Tân, thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh T.T.Huế) cho biết, gia đình có 1 chiếc xe tải 1,25 tấn chuyên chở hàng tạp hóa giữa Đà Nẵng và Lăng Cô để sinh sống. Một ngày anh Hải đi qua về hai địa điểm này từ 2 đến 3 lượt nên việc dựng trạm, thu tiền sẽ là gánh nặng đối với gia đình anh. "Việc thu phí qua lại hầm Phước Tượng và Phú Gia là đúng, nhưng chúng tôi không qua hầm, không dùng gì cửa hầm mà cũng bị thu thì thật là vô lý", anh Hải nói.

Cũng như anh Hải, ông Lương Chí Sỹ, chủ doanh nghiệp tư nhân Thảo Kéo, đơn vị chuyên cung cấp thức ăn nuôi tôm cá trên địa bàn Lăng Cô và các vùng phụ cận bức xúc: "Mỗi ngày xe từ Lăng Cô đi vào Đà Nẵng rồi quay ra, có qua hai cái hầm ấy đâu mà đè chúng tôi ra thu. Cơ quan chức năng, Công ty Cổ phần BOT Phước Tượng - Phú Gia phải làm như thế nào chứ thu theo kiểu trạm một đường, thu một nẻo thế nào sao được!".

Còn ông Phan Thanh Tân, Phó Giám đốc Công ty TNHH Taxi Lăng Cô cho biết: "Hãng chúng tôi có 12 xe taxi và hơn 10 xe chạy hợp đồng. Đa số khách của chúng tôi đều chạy từ Lăng Cô đi Đà Nẵng và ngược lại. Nhưng đặt trạm kiểu "giết nhầm hơn bỏ sót" kiểu này thì thật vô lý quá. Cứ nhẩm tính thôi thì mỗi ngày, dù không đi qua hai cái hầm ấy, doanh nghiệp đã thiệt hại cỡ nào. Đó là chưa tính số lượng xe cộ tại đây. Thu hợp lý thì chịu, chứ vô lý kiểu này sao chấp nhận được!".

Nhầm còn hơn bỏ sót?

Không chỉ doanh nghiệp vận tải bị ảnh hưởng, các doanh nghiệp dịch vụ ăn uống, nhà hàng đến du lịch cũng lo lắng khi trạm thu phí này được dựng lên cùng mức thu bất hợp lý khiến du khách Đà Nẵng, Quảng Nam từ chối ra Lăng Cô. "Hầu hết khu du lịch, khách sạn, nhà nghỉ, dịch vụ ăn uống ở đây đón khách từ Đà Nẵng, Quảng Nam ra. Nhưng cái trạm xây lên, thu vô lý thế này thì chi phí đi lại sẽ tăng lên khiến họ sẽ tìm nơi khác  dẫn đến hoạt động kinh doanh sẽ bị ảnh hưởng.  Mới đang xây dựng mà người dân, doanh nghiệp đã đứng ngồi không yên thì khi đi vào hoạt động, áp mức thu đối với cả 2 hầm thì sao chịu được. Thu cái gì có lý thì họ còn chịu, chứ vô lý, họ tẩy chay, không đưa khách về thì chẳng khác gì giết chết chúng tôi", một chủ một khu du lịch nổi tiếng ở Lăng Cô cho biết.

Không chỉ doanh nghiệp vận tải mà cả các nhà hàng cũng lo lắng không kém

Cùng tâm lý chung khi trạm thu phí này đưa vào hoạt động, bà Lương Thị Đức, chủ nhà hàng Sao Biển Bé Đen (thị trấn Lăng Cô) thẳng thắn: “Việc mọc Trạm thu phí ở thị trấn Lăng Cô ngay sát Hầm Hải Vân, chặn đầu Thị trấn Lăng Cô là hết sức vô lý. Riêng cá nhân nhà hàng tôi ảnh hưởng không nói mà hầu như mọi mặt đời sống, kinh doanh ở Lăng Cô và cả Đà Nẵng ảnh hưởng là điều đương nhiên, bởi khoảng 80% Lăng Cô giao dịch với Đà Nẵng. Từ buôn bán làm ăn, cung cấp hàng hóa đến du lịch, dịch vụ. Không chỉ tiền thu phí mà nó tác động đến tâm lý người dân, khách đến Lăng Cô. Làm gì có lợi cho dân thì nên làm. Cũng biết doanh nghiệp đã đầu tư thì phải thu lãi nhưng phải hợp lý”, bà Đức nói.

Theo ý kiến người dân và doanh nghiệp, trạm thu phí phải đặt tại khu vực đường dẫn vào hầm Phú Gia và đèo Phú Gia để hợp lý hơn. Vì con đường vòng phía cảng Chân Mây qua đèo Phú Gia là đường tỉnh lộ hiện chỉ cho xe ô tô con, xe mô tô, xe máy lưu thông; ô tô tải, ô tô khách và các loại ô tô trọng tải lớn không được qua lại tuyến này . Các xe vượt trạm thì đã có CSGT và Thanh tra Giao thông chốt chặn, xử lý. "Việc đặt trạm ở đường dẫn vào hầm Phú Gia là phù hợp vì sẽ không ảnh hưởng gì đến cuộc sống của người dân, doanh nghiệp, đến hoạt động kinh tế của thị trấn Lăng Cô. Thu vậy mới đúng bản chất chứ như hiện tại là thu kiểu "tận diệt". Hơn nữa, sau này, khi mở rộng Hầm Hải Vân chắc sẽ có thu phí, và khi đó nếu để như thế này thì người dân Lăng Cô bị thu đến 2 lần phí", ông Sỹ nói.