|
Công nhân thoát chết được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh |
Theo thống kê của cơ quan chức năng, đến cuối ngày 26-3, vụ sập giàn giáo công trình thi công đổ bê-tông hệ thống thùng chìm đê chắn sóng cầu cảng Sơn Dương của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Khu Kinh tế Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh) vào tối 25-3 đã làm 13 người chết, 28 người bị thương. Cơ quan chức năng đang khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ việc.
Máu chảy, tiếng la hét khắp nơi...
Gần 10 giờ sau vụ tai nạn, anh Phan Anh Dũng (SN 1992, quê huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình), hiện điều trị tại Khoa Chấn thương Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh, kinh hoàng nhớ lại: “Tối 25-3, khoảng 20 giờ, tôi và anh em đang làm việc phía trên thì thấy hệ thống giàn giáo dịch chuyển rồi đổ sập. Đống sắt thép đè lên nhiều người, máu chảy, tiếng la hét khắp nơi... Bị thương nặng ở chân và đầu nhưng tôi cố hết sức bò ra khỏi đống đổ nát kêu cứu. May thay, một số công nhân ở gần đó phát hiện, lao vào cứu tôi ra khỏi đống sắt thép”.
Tại Bệnh viện Đa khoa huyện Kỳ Anh, tiếp xúc với chúng tôi, 7 công nhân bị thương vẫn chưa hết hoảng loạn. Anh Hoàng Thanh Mai (SN 1975, quê huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An) kể: “Lúc đó, anh em chúng tôi đang làm ở độ cao khoảng 20 m thì giàn giáo bất ngờ rung lắc mạnh. Trong tích tắc, hàng ngàn tấn sắt đổ ập xuống. Tôi cùng nhiều anh em rơi tự do xuống nền bê-tông. Tôi bị thương ở ngực; còn anh bạn cùng phòng tên Chính - quê huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An - bị các thanh sắt đè chết”. Theo anh Mai, nguyên nhân giàn giáo đổ sập là vì hệ thống nâng thủy lực gặp sự cố, má phanh không bám vào hệ thống đường ray.
Nhiều công nhân may mắn thoát chết khẳng định thảm họa đã có dấu hiệu báo trước. Hệ thống giàn giáo trước đó đã rung lắc, xê dịch, nhiều người sợ sập đổ nên tháo chạy ra ngoài. Tuy nhiên, chỉ huy công trường yêu cầu công nhân trở lại giàn giáo tiếp tục thi công và hậu quả đau lòng đã xảy ra.
Anh Nguyễn Văn Linh (SN 1992, quê huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh), đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Kỳ Anh, thuật lại: “Khoảng 19 giờ 30 phút ngày 25-3, khi tôi cùng nhiều công nhân khác đang làm trên cao thì hệ thống giàn giáo sụt xuống. Chúng tôi bỏ chạy ra phía cầu thang đi bộ để tránh. Một lúc sau, chỉ huy công trường đến, bảo không có vấn đề gì và yêu cầu tất cả công nhân vào làm việc tiếp. Khoảng 30 phút sau thì giàn giáo đổ sầm xuống khiến nhiều công nhân chết, bị thương”.
Anh Nguyễn Văn Sỹ (SN 1990, quê huyện Bố Trạch) cũng bức xúc: “Giàn giáo đã rung lắc mạnh tới 2 lần trước khi đổ sập. Chúng tôi đã tháo chạy ra ngoài nhưng sau đó, một người nước ngoài đến trấn an nên anh em mới trở lại làm. Vừa làm được một lúc thì tai họa ập đến”.
Tai nạn liên tiếp xảy ra
Trước vụ tai nạn sập giàn giáo đêm 25-3, tại công trường dự án Formosa từng xảy ra một số vụ tai nạn chết người. Điển hình là vụ tai nạn tại công trình xây dựng bể chứa nước thuộc dự án Formosa Hà Tĩnh vào ngày 27-7-2014 làm 2 công nhân chết, 3 người bị thương.
Mới đây nhất là vào ngày 19-1, tại công trường đang thi công của Công ty Posco 2 nằm trong khu liên hợp gang thép dự án Formosa cũng xảy ra một vụ tai nạn chết người. Vào thời điểm trên, khi công nhân đang làm việc tại công trường thuộc Công ty Posco 2 thì cầu thang lên xuống băng chuyền bất ngờ bị đổ sập. Vụ tai nạn làm anh Nguyễn Văn Tuân (28 tuổi, quê Ninh Bình) thiệt mạng tại chỗ, anh Võ Đình Chiến (30 tuổi, quê Hà Tĩnh) bị thương nặng...
Những vụ tai nạn liên tiếp trong thời gian qua đặt ra nhiều vấn đề đáng quan ngại về an toàn lao động tại các công trình thi công thuộc dự án Formosa - Hà Tĩnh. Chiều 26-3, đại tá Bùi Đình Quang, Phó Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh, cho biết theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Công an và UBND tỉnh Hà Tĩnh, cơ quan công an tỉnh đang khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ sập giàn giáo đêm 25-3. Những lời kể của công nhân thoát chết sau vụ tai nạn là cơ sở quan trọng để cơ quan chức năng làm rõ có hay không sự tắc trách, chủ quan của đơn vị thi công công trình khi sự cố sập giàn giáo được chính người lao động cảnh báo từ trước.
Trong khi đó, đến hiện trường vụ tai nạn ngày 26-3, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng yêu cầu UBND tỉnh Hà Tĩnh thành lập ngay đoàn liên ngành để điều tra quy trình thi công lắp dựng và hạ giàn giáo; đối chiếu, so sánh với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn. Ông Trịnh Đình Dũng yêu cầu làm rõ trách nhiệm quản lý an toàn thi công lao động của chủ đầu tư và trách nhiệm kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước liên quan.
Thủ tướng yêu cầu điều tra, xử lý nghiêm
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ngày 26-3 đã có công điện chỉ đạo tổ chức cứu nạn sự cố sập giàn giáo ở dự án Formosa. Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Hà Tĩnh tập trung chỉ đạo công tác tìm kiếm cứu nạn; tổ chức thăm hỏi, động viên, kịp thời cấp cứu những người bị thương; phối hợp với các địa phương liên quan hỗ trợ, tổ chức an táng chu đáo đối với những người bị thiệt mạng.
Thủ tướng yêu cầu chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ nguyên nhân sự cố sập giàn giáo và xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật. Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn và các bộ Quốc phòng, Công an, Y tế, Công Thương phối hợp với UBND tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo công tác cứu hộ, cứu nạn và bảo đảm an ninh, trật tự tại khu vực xảy ra sự cố.
Cùng ngày, trước vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra trên công trường dự án cảng Sơn Dương, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã rút ngắn chương trình công tác tại Quảng Ngãi để đến hiện trường, trực tiếp chỉ đạo cứu hộ, cứu nạn.
Giàn giáo sập do sự cố má phanh
Cuối giờ chiều 26-3, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Trọng Đàm đã có báo cáo nhanh gửi Thủ tướng Chính phủ về nguyên nhân ban đầu vụ sập giàn giáo. Báo cáo cho biết do má phanh ở hệ thống thủy lực không bảo đảm đã dẫn đến toàn bộ hệ thống giàn giáo đúc trụ bê-tông (cao 25 m, dài 40 m và rộng 35 m) bị sập.
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền cũng đã có công văn hỏa tốc đề nghị UBND tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo Cơ quan CSĐT, VKSND và đoàn điều tra tai nạn lao động phối hợp khám nghiệm hiện trường, điều tra vụ tai nạn lao động nêu trên theo đúng quy định.
Theo NLĐ