Chống đầu cơ, buôn lậu thuốc
Kết luận hội nghị triển khai công tác y tế năm 2022 do Bộ Y tế tổ chức vào sáng nay, 20/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo: “Bên cạnh việc thần tốc tiêm vaccine COVID-19, Bộ Y tế (BYT) phải chủ động trong việc quản lý, công bố các loại thuốc. Tôi yêu cầu BYT công bố hết các loại thuốc được thế giới công bố, hướng dẫn sử dụng thuốc, công bố giá để chống đầu cơ, buôn lậu, tiêu cực, tham nhũng, thao túng giá làm lũng đoạn thị trường. BYT phải công bố, làm thủ tục thật nhanh cho các loại thuốc”.
Thuốc (Ảnh minh hoạ) |
Theo người đứng đầu Chính phủ, thời gian qua, mặc dù phải chiến đấu với đại dịch COVID-19 nhưng BYT đã đạt được nhiều thành tích đáng khích lệ. 2 năm qua, công tác phòng, chống dịch COVID-19 là điểm sáng nổi bật nhất của ngành Y tế. Ngành Y tế đã thực hiện quyết liệt các biện pháp dịch, chuyển trạng thái từ Zero COVID sang linh hoạt, thích ứng an toàn với dịch bệnh. Đây là đóng góp quan trọng của ngành Y tế.
Trong thời khắc khó khăn nhất, toàn ngành Y tế đã bình tĩnh, bản lĩnh để cùng với các cơ quan khác tham mưu không công bố tình trạng khẩn cấp trên cả nước, áp dụng biện pháp phù hợp với tình hình dịch mang lại hiệu quả cao bằng cách kêu gọi sự đoàn kết, thống nhất, tăng cường y tế cơ sở vì quá tải tuyến trên. Chỉ trong 1 tuần, BYT đã triển khai 700 trạm y tế lưu động ở TP.HCM và các tỉnh Long An, Bình Dương, Đồng Nai,… để người dân được tiếp cận nhanh nhất với dịch vụ y tế, huy động 300.000 bác sĩ, nhân viên trên cả nước hỗ trợ cho TP. HCM và các tỉnh, TP phía Nam.
Đặc biệt, trong khi hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng quá tải, ngành Y tế đã tìm ra giải pháp không để đổ vỡ hệ thống y tế trên phạm vi cả nước, nhất là TP. HCM và các tỉnh, TP phía Nam là tâm dịch.
Ngoài ra, khi khó khăn, khan hiếm vaccine toàn cầu, BYT đã thành lập tổ vaccine, phát động chiến dịch tiêm vaccine miễn phí lớn nhất từ trước đến nay cho người dân, dùng mọi biện pháp để đưa vaccine về nước (mua, vay, mượn, ứng trước,…). Kết quả, đến nay 100% người từ 18 tuổi trở lên được tiêm, 2 mũi trở lên là 90%. Trong thời điểm dịch bùng phát chỉ có 320.000 liều vaccine nhưng đến nay nước ta đã có hơn 200 triệu liều vaccine. Nhờ có vaccine mà số ca nhiễm nhập viện, tử vong, chuyển nặng giảm rõ rệt.
Vẫn còn sơ hở, yếu kém trong quản lý Nhà nước
Sau khi nêu bật những điểm sáng của ngành Y tế trong năm 2021, Thủ tướng đã đề cập đến những hạn chế, yếu kém mà toàn ngành cần khắc phục. Điển hình là những sơ hở, yếu kém về quản lý nhà nước.
“BYT phải nhanh chóng vào cuộc trong việc quản lý giá kit xét nghiệm. Chính phủ đã có chủ trương, nói rõ bên cạnh chống dịch thì phải quản lý nhà nước, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong ngành y tế. Tham nhũng, sơ hở đã xuất hiện ở 1 số ngành, trong đó có ngành Y tế. Do đó, ngành Y tế vừa phải kiểm điểm, chống dịch, vừa phải phân tích để khắc phục sơ hở, yếu kém, không để xảy ra những vụ việc đáng tiếc” – ông Chính nói.
Kit xét nghiệm COVID-19 của Việt Á bị thổi giá (Ảnh - LT) |
Bên cạnh đó, Thủ tướng còn đề cập đến việc nâng cao năng lực y tế cơ sở, yêu cầu BYT khắc phục những khó khăn của y tế dự phòng, y tế cơ sở, đưa ra lộ trình thực hiện trong chương trình phòng, chống dịch năm 2023 với mục tiêu bảo vệ người dễ bị tổn thương, có nguy cơ cao; tăng cường quản lý F0 tại nhà từ sớm, từ xa.
Thủ tướng chỉ đạo Bộ Y tế phải rà soát lại chính sách, chế độ để thu hút nguồn nhân lực y tế trong phòng, chống dịch và khám, chữa bệnh; thu hút nguồn lực y tế tư nhân; yêu cầu các địa phương có giải pháp huy động nguồn lực y tế tư nhân; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, có chính sách để sau khi ra trường các bác sĩ về vùng sâu, vùng xa làm việc nhiều hơn.
Thủ tướng Chính phủ cũng lưu ý BYT không để xảy ra tình trạng đổ bể hệ thống y tế. Qua 2 năm chống dịch, BYT phải bảo vệ hệ thống y tế, không để xảy ra tình trạng quá tải, tăng cường nguồn nhân lực, dự báo tình hình, không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác với biến chủng mới, nhất là biến chủng Omicron.