Thông tin trên được trao đổi tại cuộc tiếp Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, TS. Kidong Park vào sáng nay (14/3).
WHO ấn tượng trước sự hợp tác của toàn dân
Tại cuộc tiếp, Thủ tướng cho biết Việt Nam đã triển khai chủ động, quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp phòng chống dịch từ rất sớm, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, kể cả lực lượng quân đội, công an.
“Chúng tôi đã áp dụng một số biện pháp rất mạnh vì sức khỏe của nhân dân”, Thủ tướng nói và nhấn mạnh: “Giai đoạn này, chúng tôi sẽ làm mạnh hơn nữa”.
Ghi nhận các nỗ lực của Việt Nam, Trưởng đại diện WHO đánh giá cao cách ứng phó của Việt Nam ở 3 điểm, đó là sự tập trung chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự đầu tư đều đặn cho phòng chống dịch; sự tham gia, tuân thủ nghiêm ngặt của toàn thể nhân dân.
Theo TS. Kidong Park, chính nhờ sự lãnh đạo xuyên suốt nên Việt Nam đã vào cuộc nhịp nhàng, đồng bộ của cả hệ thống cùng với sự đồng tâm, hiệp lực của toàn xã hội. Trong thời kỳ chưa có dịch, Chính phủ Việt Nam đã đầu tư đáng kể nên khi dịch bùng phát, Việt Nam đã chủ động phòng chống.
“Chúng tôi ấn tượng trước sự hợp tác của toàn dân, trước sự chỉ đạo của Chính phủ mà có được điều đó là do niềm tin của người dân đối với Chính phủ”, TS. Kidong Park bày tỏ và nêu ví dụ điển hình là việc Việt Nam tiến hành tổ chức cách ly, khoanh vùng, dập dịch ở Vĩnh Phúc và do toàn dân hợp tác với chính quyền nên không hề có sự xáo trộn cuộc sống, sinh hoạt trong vùng cách ly.
Trưởng đại diện WHO cũng bày tỏ ấn tượng về 2 chiến lược mà Việt Nam áp dụng là 4 tại chỗ và nguyên tắc cách ly. Theo đó, thay vì vận chuyển bệnh nhân từ tuyến dưới lên tuyến trên thì điều trị ngay tại cơ sở, hạn chế tối đa vận chuyển, tránh lây chéo và có đội phản ứng tại chỗ.
Việt Nam lên án sự kì thị với người mắc COVID-19
Chia sẻ thông tin từ WHO, TS. Kidong Park cho biết WHO muốn khuyến khích Chính phủ Việt Nam tiếp tục quyết liệt chống dịch như hiện nay, thậm chí áp dụng các biện pháp mạnh mẽ hơn.
Toàn cảnh buổi tiếp của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, TS. Kidong Park vào sáng 14/3. Ảnh: VPCP
|
WHO khuyến nghị những nhóm đối tượng cần bảo vệ là: Nhân viên y tế - những người tuyến đầu tiếp xúc trực tiếp người bệnh; người già, người có bệnh nền; nhóm những người lãnh đạo bởi để phòng chống dịch thì cần có người chỉ huy.
Ông Kidong Park cũng đề cập đến công tác truyền thông phải làm giảm được sự kỳ thị đối với những người mắc COVID-19. Quan sát chặt chẽ các thông tin, ông Kidong Park thấy có sự thay đổi nhận thức, nhưng vẫn có sự lan truyền thông tin cá nhân, thông tin nhạy cảm của người bệnh trên mạng xã hội, điều này làm cho họ và người thân e ngại, do đó, sẽ khiến người khác cảm thấy khi có bệnh thì sẽ không khai báo y tế.
Thủ tướng hoàn toàn nhất trí ý kiến của WHO cần coi trọng lực lượng y tế ở tuyến đầu chống dịch. Lực lượng y tế Việt Nam luôn nhiệt tình trong công tác phòng, chống dịch bệnh ở nông thôn cũng như thành thị. Đội ngũ thầy thuốc, nhân viên y tế, sinh viên ngành y luôn sẵn sàng thực hiện các kịch bản đã đề ra. Mỗi người dân, mỗi khu dân cư được xem là “pháo đài” phòng chống dịch.
Nhất trí rằng cần phải hạn chế sự kỳ thị với người bệnh, Thủ tướng nêu rõ Việt Nam lên án hành động này; đã chỉ đạo Bộ Công an xử lý nghiêm những người phao tin đồn nhảm trên mạng xã hội, kể cả xử lý hình sự.
Thủ tướng cho rằng trong phòng chống dịch thì niềm tin là hết sức quan trọng, không bao giờ bi quan trong bất cứ tình huống. Việt Nam đã từng chữa khỏi 16 trường hợp, kể cả người cao tuổi có bệnh nền phức tạp.
"Do đó, Việt Nam có ý chí, quyết tâm cao để chiến thắng đại dịch. Việt Nam chủ trương công khai, minh bạch ngay từ đầu, không có gì giấu diếm nhân dân, giấu diếm thế giới", Thủ tướng nêu rõ.