Ông không chỉ xuất hiện ở những thời điểm khó khăn nhất, mà ông còn tập hợp được nhiều người với quan điểm chính trị khác nhau cùng góp sức thúc đẩy phát triển mối bang giao Việt - Mỹ.
“Tôi cũng là một nạn nhân”
Trong mối bang giao Việt - Mỹ không thể không nhắc tới Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Qua những gì mà tôi chứng kiến, quan sát và cảm nhận được với vai trò là một phóng viên tháp tùng ông, thì trong các nhà lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Kiệt là người đóng vai trò vô cùng quan trọng, nếu không nói là quan trọng nhất, trong tiến trình bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ.
Ở thời điểm khó khăn nhất, khi mà dư luận Mỹ đang dấy lên những nghi ngờ rằng Việt Nam vẫn còn giam giữ tù binh Mỹ và cho rằng chính quyền Mỹ đã không làm hết sức mình trong việc tìm kiếm người Mỹ mất tích thì Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng ( Chủ tịch HĐBT -- sau này là Thủ tướng Chính phủ) Võ Văn Kiệt xuất hiện trước giới truyền thông Mỹ.
Nửa tháng trước khi ông Võ Văn Kiệt trả lời phỏng vấn tạp chí TIME của Mỹ thì Thứ trưởng Ngoại giao Lê Mai bảo tôi: “Theo đề xuất của lãnh đạo Bộ Ngoại giao và được Chủ tịch HĐBT Võ Văn Kiệt chấp thuận, kíp phóng viên TIME sẽ phỏng vấn ông đăng trên số đầu năm 1992”. Sau này, qua các đồng nghiệp Mỹ tôi mới biết rằng đây là sáng kiến của chính Thứ trưởng Lê Mai.
Trong bài trả lời phỏng vấn (được đăng trên số ra từ ngày 7 đến 13-1-1992), ông Võ Văn Kiệt đã nói: “Việc nghi ngờ Việt Nam vẫn còn giam giữ một số tù binh Mỹ là điều hết sức ngớ ngẩn. Việt Nam không có động cơ gì để làm điều đó cả”. Bài phỏng vấn đã được ghi lại và sau đó ông Vũ Quốc Tuấn, Trợ lý của Thủ tướng Võ Văn Kiệt chuyển lại cho chúng tôi, dặn đi dặn lại: “Chỉ để tham khảo thôi và khi nào TIME đăng thì dịch ra đăng lại nhé!”.
Sau này các báo của ta (và cả nước ngoài) thường trích dẫn lại lời nói của ông Võ Văn Kiệt trong bài phỏng vấn đó và coi như là thông điệp cho tiến trình bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, thậm chí là hòa giải dân tộc: “Ở Việt Nam có hàng chục ngàn gia đình có người thân bị mất tích. Tôi cũng là một nạn nhân. Gia đình tôi có bốn người, vợ và ba con của tôi, bị mất tích trong chiến tranh. Trực thăng Mỹ đã giết 300 người trong một trận càn dọc sông Sài Gòn, vợ và con trai, một con gái của tôi đã mất trong trận càn đó. Tôi có thể thấu hiểu được nỗi đau của tất cả các gia đình Mỹ có người thân bị mất tích trong chiến tranh. Tôi mong muốn dân chúng Mỹ hiểu được hoàn cảnh của chúng tôi trong vấn đề này. Chúng tôi xin mời bất cứ người nào nghi ngờ còn người Mỹ sống ở Việt Nam hãy đến Việt Nam mà tìm hiểu”. Bài báo đã làm lay động con tim của rất nhiều người Mỹ.
Mối thân tình với TNS John Kerry
Thủ tướng Võ Văn Kiệt là chính khách Việt Nam được giới chính trị và báo giới phương Tây rất nể trọng. Trong giai đoạn mà cả hai phía Việt Nam và Mỹ kết hợp tìm kiếm người Mỹ mất tích, có những khó khăn mà nếu không có sự xuất hiện của Thủ tướng Võ Văn Kiệt thì rất có thể tiến trình của mối bang giao Việt - Mỹ sẽ bị chậm lại.
Theo đề nghị của TNS John Kerry thì Việt Nam nên mở hầm ngầm của trụ sở Tổng cục Chính trị (trong nội thành) cho TNS thuộc phái cứng rắn Bob Smith xuống xem để khẳng định Việt Nam không còn giam giữ tù binh như một số thế lực ở Mỹ thời bấy giờ vẫn rêu rao. Theo Thứ trưởng Lê Mai thì “khi đưa ra xin ý kiến Bộ Chính trị thì có vị vẫn kiên quyết không đồng ý, vì cho rằng như vậy là sự xúc phạm. Nhờ sự kiên trì và thái độ dứt khoát của người đứng đầu chính phủ Võ Văn Kiệt nên sau đó một ngày Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã quyết định đồng ý”.
Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi, trong Báo cáo của Văn phòng POW/MIA gửi Tổng thống Mỹ, TNS John Kerry đã đưa tên của Thủ tướng Võ Văn Kiệt lên đầu danh sách những người Việt Nam mà ông cho là có đóng góp đặc biệt cho chương trình POW /MIA và tiến trình bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ. Trong một lần phỏng vấn ông Kerry tại Hà Nội, khi nói về thiện chí của các nhà lãnh đạo Việt Nam, ông Kerry đánh giá cao Thứ trưởng Ngoại giao Lê Mai, đặc biệt là vai trò của Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Ông coi ông Võ Văn Kiệt là “Kiến trúc sư của mối bang giao Việt - Mỹ”
Có một sự kiện thú vị mà sau này báo chí đã nhiều lần khai thác, đó là việc TNS John Kerry đề nghị Thủ tướng Việt Nam viết thư gửi Tổng thống Bill Clinton yêu cầu Mỹ xóa lệnh cấm vận thương mại và tiến tới bình thường hóa quan hệ giữa hai nước.
Tôi còn nhớ, khoảng cuối tháng 4-1993, trong giờ giải lao của phiên họp thường kỳ Chính phủ tại Tp. HCM, tôi và anh Thái Hòa (VTV) đang tào lao ở hành lang thì ông Vũ Quốc Tuấn đi lại ghé tai: “Chiều “Cụ” tiếp TNS John Kerry. Nhớ đến nhé”.
Sau khi vào ghi hình, chụp ảnh chừng 5 phút thì cánh nhà báo chúng tôi được mời ra ngoài để Thủ tướng trao đổi công việc với ông Kerry. Sau này ông Vũ Quốc Tuấn có kể lại, tại buổi trò chuyện ấy TNS Kerry đã khuyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt viết thư gửi Tổng thống Bill Clinton yêu cầu Mỹ xóa lệnh cấm vận thương mại, tiến tới bình thường hóa quan hệ giữa hai nước. Thậm chí ông Kerry còn lấy giấy bút ra soạn thảo bức thư giúp Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Bức thư đã được TNS John Kerry chuyển tới Tổng thống Mỹ Bill Clinton. Hai tháng sau, ngày 2-7-1993, Tổng thống Mỹ Bill Clinton tuyên bố: “Mỹ không còn phản đối những dàn xếp được ủng hộ bởi Pháp, Nhật, và các nước khác nhằm nối lại sự giúp đỡ của các định chế tài chính quốc tế cho Việt Nam”.
Ông Nguyễn Văn Hảo -- người “phe ta”
Thủ tướng Võ Văn Kiệt là người có khả năng quy tụ và rất chịu khó lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, các nhà kinh tế, đặc biệt là những người từng không thuộc “phe ta”. “Nhóm Thứ Sáu” từng một thời rất nổi tiếng và được coi như biểu tượng về trọng dụng nhân tài và hòa hợp dân tộc của người đứng đầu chính phủ Việt Nam Võ Văn Kiệt. Nhóm này hình thành từ nhu cầu thực tế của đời sống kinh tế, thời cuộc, văn hóa sau 1975, với khoảng 25 thành viên thường xuyên, hầu hết là chuyên gia, trí thức và công chức từ thời Việt Nam Cộng hòa. Họ hoạt động trên tinh thần “5 không”: Không điều lệ, không biên chế, không vụ lợi, không chủ quản, không lương.
Tuy nhiên trong số này tôi muốn nhắc tới một người có vai trò nhất định trong tiến trình bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ. Đó là ông Nguyễn Văn Hảo. Ông Hảo sinh năm 1942, từng là Thống đốc Ngân hàng Quốc gia và Phó thủ tướng của VNCH. Ông Võ Văn Kiệt có mối thân tình và rất coi trọng những ý kiến đóng góp của ông Hảo. Tuy nhiên, năm 1981 ông sang định cư cùng gia đình tại Pháp rồi trở thành cố vấn kinh tế cao cấp cho Chính phủ Haiti, ông Kiệt vẫn muốn giữ liên lạc thường xuyên.
Ngày 8-8-1991, tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoá VIII ông Võ Văn Kiệt được Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (thay ông Đỗ Mười). Ông Kiệt đã mời ông Nguyễn Văn Hảo quay trở về Việt Nam. Tôi còn nhớ vào cuối kỳ họp Quốc hội ông Hảo về Hà Nội và được ông Võ Văn Kiệt tiếp đón trong bầu không khí hết sức chân tình. Hôm ấy, khi Thủ tướng Võ Văn Kiệt bước vào phòng khách, ông Hảo đứng bật dậy, đi nhanh về phía ông Kiệt. Hai người ôm nhau. Ông Kiệt đã đề nghị ông Nguyễn Văn Hảo quay trở lại Washington, vận động Mỹ bỏ cấm vận và thúc đẩy nhanh tiến trình bình thường hóa quan hệ ngoại giao Việt Nam Hoa Kỳ. Ông Hảo quay trở lại Washington và đóng vai trò quan trọng để Bộ trưởng Thương mại Việt Nam thời bấy giờ là ông Lê Văn Triết gặp gỡ trao đổi với Bộ trưởng thương mại Mỹ Ron Brown, người có ảnh hưởng rất lớn đến Bill Clinton.
Mọi chuyện đang tiến triển thuận lợi thì Lý Thanh Bình (một Việt kiều ở Miami), người từng là trợ lý của ông Hảo khi ông là Phó thủ tướng VNCH, tố cáo phía Việt Nam đã hối lộ ông Brown 200.000 USD để ông này hối thúc chính quyền Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận và bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Sau này người ta mới biết rằng sở dĩ có chuyện này là do Lý Thanh Bình có đi cùng ông Hảo về Việt Nam và ông ta đã nghe được chuyện gì đó.
Tuy nhiên sau gần 7 tháng điều tra công phu, ngày 1-2-1994, Bộ trưởng Thương mại Ron Brown ra tòa và Bồi thẩm đoàn đã cho rằng Ron Brown vô tội. Hai hôm sau, 3-2-1994, Tổng thống Bill Clinton tuyên bố bãi bỏ lệnh cấm vận thương mại Việt Nam.