Ngày 23/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác Chính phủ đã có cuộc làm việc với lãnh đạo chủ chốt TPHCM về tình hình kinh tế-xã hội.
Tham dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương.
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng TPHCM luôn là địa phương đóng góp lớn cho cả nước trên cả phương diện GDP, thu ngân sách, năng suất lao động và nhiều ý tưởng sáng tạo, đột phá, công nghệ mới thường được triển khai ở TPHCM rồi lan rộng ra cả nước.
Theo Thủ tướng, cơ cấu kinh tế của TP. HCM luôn thể hiện sự năng động, xu hướng tích cực. Kinh tế tư nhân chiếm 59% (cả nước 49%), kinh tế nhà nước 16%, FDI 25%. Đi liền với cơ cấu GDP là cơ cấu vốn. Theo số liệu năm 2015, vốn đầu tư tư nhân chiếm 65%, vốn nhà nước 20%, vốn FDI 15%. Điều này cho thấy kinh tế tư nhân đang là động lực mạnh dẫn dắt sự tăng trưởng của Thành phố.
“Trong 6 tháng đầu năm, Thành phố đạt kết quả tương đối toàn diện, tích cực. Khu vực nông nghiệp chỉ còn 0,7% GDP, càng đặt ra yêu cầu quy hoạch lại sử dụng đất nông nghiệp rất lớn. Đặc biệt, TP. HCM luôn là địa phương đồng hành cùng cả nước trong nhiều vấn đề quốc kế dân sinh, từ giải quyết thiên tai, lũ lụt, xóa đói giảm nghèo, đến giáo dục, y tế, chủ quyền biển đảo…”, Thủ tướng nhấn mạnh
Tuy nhiên, “chúng ta cũng thấy rõ khó khăn, hạn chế của Thành phố trong phát triển” – Thủ tướng nói. Thủ tướng chỉ ra những khó khăn trong việc TP đạt kế hoạch tăng trưởng GDP. Chỉ số năng lực cạnh tranh tụt hạng, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của Thành phố. TPHCM là nơi thu hút FDI sớm nhất và mặc dù 6 tháng đầu năm vốn FDI gấp 2 cùng kỳ nhưng trong 10 năm qua, tỉ lệ vốn FDI thấp hơn nhiều so với bình quân cả nước. Cơ cấu sử dụng đất chưa hợp lý. Công nghiệp dịch vụ chiếm 99% GDP nhưng đất dành cho công nghiệp dịch vụ chỉ 7% diện tích. Một ha đất công nghiệp dịch vụ tạo giá trị gia tăng 50 tỷ đồng trong khi 1 ha đất nông nghiệp tạo giá trị gia tăng 68 triệu đồng.
Thủ tướng đề xuất, TP. HCM cần phải xây dựng các giải pháp phát triển đô thị thông minh. Đó là sự thay đổi căn bản, toàn diện phương thức quản lý đô thị nhờ vào công nghệ mới trong đó lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm và mục đích phục vụ của một thành phố thông minh, hướng tới yếu tố “đáng sống” của Thành phố. Trên cơ sở đó thu hút và giữ chân người tài.
TPHCM phải tiếp tục suy nghĩ để thí điểm những cơ chế mới, nhanh chóng xử lý các vấn đề điểm nghẽn, nhất là các điểm nghẽn như cơ chế khuyến khích và quản lý cán bộ, thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, nguồn lực tài chính, cơ chế đất đai. “Người ta thường hay nói “cái áo đã quá chật”. Các đồng chí tiếp tục nêu ra với Bộ Chính trị, với Chính phủ xem cái áo quá chật này là như thế nào, ở đâu?”, Thủ tướng bày tỏ. “Các đồng chí cần làm thành công để cả nước rút kinh nghiệm”
Thủ tướng lưu ý TP.HCM cần mạnh dạn, chủ động nghiên cứu, đề xuất với Trung ương các giải pháp có tính pháp lý cao hơn, kể cả xây dựng luật pháp để tạo điều kiện cho Thành phố phát triển.
Thủ tướng nhấn mạnh, đội ngũ của TPHCM, cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị cần đổi mới tư duy, dám nghĩ dám làm. Chúng ta hãy vượt qua suy nghĩ Thành phố đã đạt đến ngưỡng rồi, không thể phát triển bứt phá.
“Chúng ta hãy nhìn ra những thành công trong khu vực và thế giới. Hãy vượt qua tâm lý “an toàn là trên hết” để tìm cách đột phá, tìm những ý tưởng mới. Chính phủ sẽ cùng giải quyết các khó khăn và ủng hộ, song hành cùng các đồng chí, với cách làm mới của Thành phố” – Thủ tướng nói.