Trong buổi làm việc với ĐHQG HN sáng nay (16/10), Thủ tướng đồng thời lưu ý lãnh đạo ĐHQG HN, muốn hiện thực hóa nhiệm vụ này, ĐHQGHN phải xem khởi nghiệp là một phần của tầm nhìn trong phát triển, trong tôn chỉ giáo dục đào tạo của mình, trở thành văn hóa, tấm gương người tốt việc tốt trong đội ngũ giảng viên, sinh viên ĐHQGHN.
Thủ tướng cho rằng Đảng, Nhà nước xác định cùng với khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo phải đi trước một bước để tạo đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội. “Hôm qua, tại hội nghị toàn quốc về giảm nghèo bền vững, tôi đã nói rằng nếu tất cả con em chúng ta đều cắp sách đến trường, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số thì tương lai không xa sẽ giảm nghèo tốt và bền vững, còn ngược lại, nếu con em tiếp tục bỏ học với tỷ lệ cao như ở vùng cao, vùng sâu thì sẽ tiếp tục đói nghèo”, Thủ tướng nhấn mạnh vị trí mang tính đột phá của giáo dục đào tạo. Trong giáo dục đào tạo thì bậc đại học gần với đầu ra, gần với thị trường lao động và mục đích của giáo dục đại học là cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội.
"Vì vậy, tôi đề nghị giáo dục đại học nói chung và đối với ĐHQGHN nói riêng cần phải đổi mới mạnh mẽ nhất, cùng với các giải pháp quyết liệt nhất", Thủ tướng yêu cầu.
Tiên phong về kiểm định chất lượng đại học
Thủ tướng đánh giá, thời gian qua, ĐHQGHN đã khẳng định được vị thế đứng đầu trong hệ thống giáo dục đại học cả nước. Vì thế, trường cần quán triệt sâu sắc hơn Nghị quyết 29 của Đảng về đổi mới giáo dục đào tạo. “Tôi nhớ có đêm, hồi tôi làm Phó Thủ tướng, tôi có gọi điện cho anh Nhạ (Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ) nói các anh đã làm một việc tốt là tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực phục vụ công tác tuyển sinh đại học. Tôi thấy đây là điểm mới mà các đồng chí đã làm”, Thủ tướng nói và đánh giá cao việc ĐHQGHN đi tiên phong về kiểm định chất lượng đại học.
Thủ tướng cũng đánh giá cao công tác nghiên cứu khoa học của trường, số lượng đề tài tăng lên, đạt một số giải thưởng quốc gia, quốc tế, có nhiều bài báo công bố quốc tế gần đây.
Về phương hướng thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh, một trường đại học lớn như ĐHQGHN là một phần của hệ sinh thái quốc gia khởi nghiệp, phải là nơi khuyến khích, ươm trồng những tài năng khởi nghiệp, góp phần vào việc xây dựng và hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp. Là một trường đại học quốc gia, ĐHQGHN phải đi tiên phong trong việc xây dựng quốc gia khởi nghiệp, tương xứng với lịch sử nhà trường.
Bày tỏ ưu tư, trăn trở về tình trạng nhiều cử nhân, kỹ sư ra trường còn thất nghiệp, Thủ tướng cho rằng chất lượng đào tạo nói chung và của ĐHQGHN nói riêng chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu của xã hội và nền kinh tế. Do đó, một trong những thước đo thành công của trường đại học là bao nhiêu sinh viên khởi nghiệp và thành danh từ mái trường này, chứ không chỉ bao nhiêu sinh viên kiếm được việc làm.
Cho rằng chính điều này tạo nên danh tiếng của các trường nổi tiếng, Thủ tướng nêu ví dụ về trường Đại học Tokyo, Nhật Bản, một trường có khoảng 240 công ty khởi nghiệp. Trong đó, có 16 công ty đã lên sàn chứng khoán với mức vốn hóa thị trường đạt khoảng 8 tỷ USD. Hiện nay hệ thống giáo dục đại học ở Nhật rất quan tâm đến khởi nghiệp.
Thủ tướng đề nghị ĐHQGHN phải xem khởi nghiệp là một phần của tầm nhìn trong phát triển, trong tôn chỉ giáo dục đào tạo của mình. |
Khởi nghiệp phải là một phần của tầm nhìn phát triển
Cho biết đã vào đọc trang web của ĐHQGHN trước khi làm việc với lãnh đạo trường, Thủ tướng nhắc lại lời phát biểu của cố Giáo sư Nguyễn Văn Huyên, vị Bộ trưởng Giáo dục đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại lễ khai giảng ĐHQGHN vào ngày 15/11/1945 rằng: “Nền đại học mới này là một lực lượng mạnh trong những lực lượng chiến đấu của dân tộc Việt Nam. Chúng tôi muốn nó là một thành lũy để trường kỳ kháng chiến phục hồi hoàn toàn lãnh thổ và giải phóng tinh thần cho dân tộc chúng tôi là một dân tộc văn hiến có ngoài nghìn năm lịch sử độc lập và đã tự gây nên được một nền văn minh đặc sắc trên ven bể Thái Bình Dương này”.
Còn hiện nay, theo Thủ tướng, một trong những lực lượng chiến đấu của dân tộc Việt Nam chính là nhà khởi nghiệp. ĐHQGHN có vai trò, sứ mệnh trong việc xây dựng và phát triển lực lượng khởi nghiệp cho quốc gia hiện tại và tương lai nhằm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng quốc gia khởi nghiệp.
Để hiện thực hóa nhiệm vụ này, ĐHQGHN phải xem khởi nghiệp là một phần của tầm nhìn trong phát triển, trong tôn chỉ giáo dục đào tạo của mình, trở thành văn hóa, tấm gương người tốt việc tốt trong đội ngũ giảng viên, sinh viên ĐHQGHN.
Tri thức đi vào thực tiễn
“Tôi nhất trí với sứ mệnh mà các đồng chí nêu ra, đăng trên website của mình là trở thành đại học định hướng nghiên cứu, đa ngành, đa lĩnh vực có tính hội nhập cao, trong đó, một số trường đại học, viện nghiên cứu thành viên thuộc các lĩnh vực khoa học cơ bản, công nghệ cao và kinh tế-xã hội mũi nhọn đạt trình độ tiên tiến châu Á”, Thủ tướng nói.
Để tầm nhìn này thành hiện thực, Thủ tướng cho rằng cần cụ thể hóa thành 3 mục tiêu. Thứ nhất, ĐHQGHN phải gắn nghiên cứu với ứng dụng thực tế, mà một trong những thước đo quan trọng là khởi nghiệp. Phải có trách nhiệm với câu hỏi bao nhiêu nhà doanh nghiệp đã thành công từ các nghiên cứu đó.
Thứ hai, ĐHQGHN muốn có tính hội nhập cao thì cần hiểu doanh nghiệp muốn gì, nền kinh tế cần gì, phải hiểu rõ các yêu cầu đặt ra cho doanh nghiệp, cho nền kinh tế để có thể tham gia thành công vào các chuỗi giá trị, mạng sản xuất toàn cầu. Những yêu cầu đó có thể là trách nhiệm đào tạo nguồn nhân lực phải đáp ứng tiêu chuẩn gì, các sản phẩm, kết quả nghiên cứu của ĐHQGHN đem lại giá trị, góp vào xu hướng nào?
Thứ ba, ĐHQGHN muốn các lĩnh vực khoa học cơ bản, công nghệ cao và kinh tế-xã hội mũi nhọn đạt trình độ tiên tiến châu Á như trên thì phải biết người biết ta, phải bắt kịp, thậm chí có những ý tưởng, đề án đi trước xu hướng tiến bộ chung về công nghệ, kinh tế-xã hội của châu Á và thế giới.
“Tôi nghĩ thực hiện 3 nội hàm nêu trên thì ĐHQGHN sẽ đạt được khẩu hiệu hành động do chính ĐHQGHN đề ra, là “Đạt đỉnh cao dựa vào tri thức”. Đây là câu của các đồng chí đăng trên website. Nay tôi thêm câu thứ hai nữa là Tri thức đó phải đi vào thực tiễn”, Thủ tướng nói trong tiếng vỗ tay các lãnh đạo ĐHQGHN.
Thủ tướng nhấn mạnh, nhà trường phải liên kết với doanh nghiệp, hoạt động nghiên cứu phải gắn với thị trường, phải thu hút các nguồn lực đầu tư, nâng cao chất lượng cơ sở vật chất của trường.
Tại cuộc làm việc, Thủ tướng cũng đã cho ý kiến về một số kiến nghị cụ thể của ĐHQGHN với tinh thần tạo điều kiện để trường đại học này phát triển hơn nữa.