Thủ tướng Phạm Minh Chính: Chuyển đổi số xuất phát từ thực tiễn và lấy thực tiễn làm thước đo

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Nói về quan điểm triển khai chuyển đổi số, Thủ tướng Chính phủ cho rằng cần bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo, nói phải đi đôi với làm và phải có kết quả, sản phẩm cụ thể.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Phiên họp thứ hai của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, ngày 27/4/2022.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Phiên họp thứ hai của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, ngày 27/4/2022.

Đây là nội dung chính trong văn bản truyền đạt ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Chủ tịch Ủy ban Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số, tại phiên họp thứ hai của Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số ngày 27/4/2022, do Văn phòng Chính phủ phát đi mới đây.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương và người dân đã tích cực triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số đạt được nhiều kết quả tích cực. Các cơ quan, tổ chức đã nhận thức về tầm quan trọng của chuyển đổi số ở tất cả các cấp, ngành đã có chuyển biến nhưng so với yêu cầu cần phải được cải thiện hơn nữa, tránh hình thức.

Chuyển đổi số quốc gia là công việc lớn, có nhiều khó khăn, thách thức, phải nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của chuyển đổi số trong sự phát triển chung của đất nước, thực hiện các mục tiêu quan trọng của Đại hội XIII của Đảng đề ra, yêu cầu của sự phát triển gắn với thực tiễn. Để thực hiện được các mục tiêu đề ra đòi hỏi phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó để phát triển nhanh hơn, bền vững hơn. Ủy ban họp định kỳ hàng quý, 6 tháng, 1 năm cần có những sản phẩm nhất định, hiệu quả cụ thể, kiểm điểm được, mang lại lợi ích quốc gia, phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Sớm công bố chính thức danh sách các nền tảng số

Về nhiệm vụ trọng tâm trong quý II/2020 và thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của Bộ, ngành, địa phương khẩn trương, quyết liệt tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia, Chiến lược phát triển Chính phủ số, Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số, Kế hoạch năm 2022 của Ủy ban.

Bộ Thông tin và Truyền thông sớm tham mưu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban thành lập Văn phòng hoặc bộ phận tham mưu cho Ủy ban để kiện toàn bộ phận giúp việc có hiệu quả nhưng không làm tăng thêm đầu mối về tổ chức, bộ máy, biên chế; hoàn thành đánh giá, công bố chính thức danh sách các nền tảng số đáp ứng yêu cầu phục vụ chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.

Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và các cơ quan liên quan nghiên cứu việc triển khai Tổ công nghệ số cộng đồng, dựa vào phong trào thanh niên, phải có trọng tâm, trọng điểm, vừa có lợi ích quốc gia, lợi ích chung gắn với lợi ích cá nhân để tạo động lực cho mỗi người. Chủ động đôn đốc, kiểm tra, điều phối các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh các nhiệm vụ phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số theo các chiến lược, chương trình đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành; báo cáo tình hình triển khai tại các phiên họp của Ủy ban.

Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ và các bộ, cơ quan liên quan tham mưu đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ việc đổi tên đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin bảo đảm thống nhất, phù hợp với định hướng cải cách, tinh gọn bộ máy.

Bộ Công an hoàn thiện dự thảo Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định; chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện dự thảo Nghị định về định danh và xác thực điện tử, trình Chính phủ ban hành trong tháng 5/2022. Tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia (Đề án 06), trong đó hoàn thành việc kết nối, chia sẻ xác thực thông tin công dân với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu khác, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin; phát triển, hoàn thiện và triển khai hiệu quả ứng dụng di động VNEID, nhằm định hình hệ sinh thái công dân số để phục vụ nhu cầu định danh, xác thực thông tin của người dân theo hướng người dân có thể được định danh và xác thực điện tử dễ dàng thông qua môi trường mạng.

Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông kiểm tra, theo dõi, đôn đốc thực hiện các chương trình chung của Ủy ban; tập trung xây dựng, phát triển, đưa vào sử dụng Hệ thống thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo thời gian thực, có công cụ phân tích dữ liệu, dự báo hỗ trợ chỉ đạo, điều hành dựa trên dữ liệu số; chủ trì, phối hợp với Bộ Công an đôn đốc các bộ, ngành, địa phương khẩn trương hoàn thành cung cấp đầy đủ 25 dịch vụ công thiết yếu theo đúng tiến độ của Đề án 06.

Theo nội dung văn bản kết luận, 100% các Bộ, ngành, địa phương đã kiện toàn Ban Chỉ đạo chuyển đổi số. Công tác hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách được quan tâm chỉ đạo, có trọng tâm, hiệu quả. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 5 Quyết định về chuyển đổi số, trong đó lựa chọn ngày 10/10 hàng năm là Ngày chuyển đổi số quốc gia để thúc đẩy công tác này.

Các cơ sở dữ liệu tạo nền tảng cho Chính phủ số được đẩy mạnh triển khai, đặc biệt Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, được tích hợp, kết nối và mở rộng thu thập dữ liệu dân cư với trên 17 triệu thông tin bảo hiểm xã hội; gần 78 triệu thông tin công dân với trên 133 triệu mũi tiêm chủng; trên 570 nghìn thông tin dữ liệu về cán bộ, giáo viên; triển khai thí điểm chip điện tử gắn trên thẻ căn cước công dân; cấp trên 7 triệu số định danh cho trẻ em đăng ký khai sinh; thí điểm sử dụng thể căn cước công dân trong khám chữa bệnh... từng bước hình thành hệ sinh thái công dân số...

Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 tiếp tục được triển khai tích cực, có hiệu quả. Đến nay, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã tích hợp 3.552 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của các bộ, ngành, địa phương, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp (triển khai Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ - đã tích hợp thêm 11/25 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4).

Hệ thống hóa đơn điện tử đã được triển khai toàn quốc, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp... Các hoạt động chuyển đổi số được quốc tế đánh giá cao và dự báo Việt Nam sẽ là một trong những nước đi đầu khu vực ASEAN về chuyển đổi số.

Sau hơn 1 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã hoạt động rất tích cực, thúc đẩy công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chuyển đổi số quốc gia, đã có báo cáo chuyên đề hàng tuần cung cấp nhiều thông tin, nội dung hay, bổ ích với bức tranh toàn cảnh.