Sáng 2/7, Hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ và các Bộ, ngành địa phương đã diễn ra dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Theo Thủ tướng, hội nghị này có ý nghĩa quan trọng nhằm đánh giá tình hình sau ½ chặng đường của năm 2018, nhất là “nhìn nhận các yếu kém, tồn tại”, từ đó có biện pháp khắc phục kịp thời trong 6 tháng cuối năm. Người đứng đầu Chính phủ đề nghị tập trung thảo luận 18 vấn đề , trong đó đáng chú ý là các giải pháp kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm.
Nhận xét về tình hình kinh tế xã hội 6 tháng qua, Thủ tướng đánh giá đã có nhiều chuyển biến trên các lĩnh vực, điển hình như GDP 6 tháng tăng 7,08%, cả 3 khu vực: công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ đều tăng cao hơn cùng kỳ.
“Ngân hàng Thế giới dự báo kinh tế Việt Nam tăng trên 6,8%, lạm phát vẫn giữ được 4%. Theo xếp hạng tín nhiệm Fitch, Việt Nam là nước tăng trưởng nhanh nhất tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương” – Thủ tướng nói.
Tuy nhiên, theo người đầu Chính phủ cho rằng, đó là “nhận định của họ - những định chế tài chính lớn, nhưng ta có làm được điều đó hay không thì phải do quyết tâm, đổi mới sáng tạo của chúng ta. Nếu chùn bước, không làm được gì thì không bao giờ đạt con số mà họ nhận định” – Thủ tướng nhấn mạnh.
Nói về vấn đề nhiều vụ án, kỷ luật xảy ra trong thời gian qua, Thủ tướng khẳng định “không phải vì thế mà chúng ta chùn bước trong phát triển, trong thực thi công vụ với tư cách là lãnh đạo của ngành, địa phương trong việc thực hiện các mục tiêu kinh tế-xã hội của đất nước”.
“Anh nào chần chừ, không làm việc, không xông pha để làm ra sản phẩm, hoàn thành tốt nhiệm vụ là vấn đề đáng suy nghĩ”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng cho biết CPI 6 tháng qua tăng mạnh 0,61%, cao nhất trong 7 năm qua, chủ yếu là nhóm các mặt hàng xăng dầu, ăn uống, giao thông và vật liệu xây dựng.
Thủ tướng nhắc lại chủ trương không tăng giá điện, giá dịch vụ trong năm nay và yêu cầu các Bộ, Ngành địa phương "phải có giải pháp cụ thể trên các lĩnh vực để lạm phát năm 2018 không quá 4% ,tạo điều kiện ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển bền vững".
CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2018 tăng 3,29% Theo thông báo của Tổng cục thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2018 tăng 0,61% so với tháng trước, là tháng sáu có CPI tăng cao nhất trong 7 năm qua. Có 10/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng so với tháng trước, trong đó nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống có mức tăng cao nhất 1,08%, chủ yếu do nhóm thực phẩm tăng 1,75% trong khi nhóm lương thực giảm 0,45%. Nhóm giao thông tăng 1,04% do giá xăng dầu tăng 2,38%. Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,65%, chủ yếu do giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,2% và thời tiết nắng nóng nên nhu cầu sử dụng điện, nước tăng cao. Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,13%; nhóm giáo dục tăng 0,11% (dịch vụ giáo dục tăng 0,15%); đồ uống và thuốc lá tăng 0,09%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,06%; thiết bị và đồ dùng gia đình, thuốc và dịch vụ y tế cùng tăng 0,03%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,02%. Riêng nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,11% so với tháng trước. CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2018 tăng 3,29% so với bình quân cùng kỳ năm 2017; CPI tháng 6/2018 tăng 2,22% so với tháng 12/2017 và tăng 4,67% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản tháng 6/2018 tăng 0,1% so với tháng trước và tăng 1,37% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 6 tháng đầu năm 2018 tăng 1,35% so với bình quân cùng kỳ năm 2017. |