Thủ tướng nói rõ với đồng bào về 9 khó khăn, thách thức lớn

VietTimes -- Sáng 29/7, ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã báo cáo Quốc hội và đồng bào, cử tri cả nước một số nội dung chủ yếu về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2016. Báo cáo đã chỉ rõ 9 khó khăn, thách thức của đất nước.
Thủ tướng chỉ rõ 9 khó khăn, thách thức lớn mà đất nước đang phải đối diện.
Thủ tướng chỉ rõ 9 khó khăn, thách thức lớn mà đất nước đang phải đối diện.

"Chúng ta thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh có nhiều thuận lợi nhưng cũng gặp không ít khó khăn, thách thức. Hội nhập và toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng; khoa học công nghệ phát triển mạnh, bước vào làn sóng công nghiệp lần thứ 4 với những tiến bộ vượt bậc, sáng tạo đột phá, nhất là trong công nghệ sinh học, công nghệ thông tin. Cạnh tranh gay gắt về địa chính trị tại các khu vực trên thế giới; xung đột, khủng bố gia tăng tại một số nơi; tình hình Biển Đông diễn biến rất phức tạp. Kinh tế thế giới phục hồi chậm; hầu hết các nền kinh tế lớn đều gặp khó khăn; dự báo tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu giảm. Giá một số hàng hóa cơ bản và dầu thô ở mức thấp. Việc nước Anh rời khỏi EU ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế thế giới. Nhiều vấn đề mang tính toàn cầu như biến đổi khí hậu, nước biển dâng, thiên tai, dịch bệnh, sử dụng nguồn nước... ngày càng trầm trọng, khó dự báo” - báo cáo của Thủ tướng nêu.

Báo cáo của Thủ tướng cũng chỉ rõ  9 nhóm khó khăn, thách thức mà đất nước đang phải đối mặt:

(1) Nợ công cao, áp lực trả nợ lớn. Đến cuối năm 2015, nợ công bằng 62,2% GDP; nợ Chính phủ 50,3% (vượt trần quy định là 50%); nợ nước ngoài của quốc gia 43,1%. Trường hợp tăng trưởng năm 2016 không đạt mục tiêu đề ra thì các tỷ lệ này sẽ còn cao hơn. Nghĩa vụ chi trả nợ lãi trực tiếp năm 2015 bằng khoảng 8,4% tổng thu NSNN (nếu tính cả trả nợ gốc thì bằng trên 26%). Chi trả nợ giai đoạn 2011 - 2015 gấp 1,86 lần giai đoạn 2006 - 2010. Dự báo chi trả nợ sẽ tiếp tục tăng cao hơn trong các năm 2016, 2017 và 2018.  

Việc sử dụng vốn đầu tư còn kém hiệu quả. Chỉ số ICOR bình quân giai đoạn 2011 - 2015 là 6,92, cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Một số dự án sử dụng vốn đầu tư công hiệu quả thấp, lãng phí lớn.

Nợ đọng xây dựng cơ bản lớn. Quản lý đầu tư, khai thác, thu phí tại nhiều dự án BOT còn bất hợp lý, thiếu công khai, minh bạch, gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp. Quản lý sử dụng tài sản công, chi tiêu công còn lãng phí.

Bội chi NSNN liên tục ở mức cao trong nhiều năm. Thu ngân sách khó khăn, nhất là ngân sách trung ương; nợ đọng thuế còn lớn. Triển khai kế hoạch vốn đầu tư công năm 2016 chậm; giải ngân đạt thấp hơn cùng kỳ, trong đó vốn NSNN chỉ đạt 32,2% kế hoạch (cùng kỳ 2015 đạt 44,4%), vốn trái phiếu Chính phủ đạt khoảng 22% (cùng kỳ đạt 34%).

Cơ cấu chi NSNN còn bất hợp lý; tỷ trọng chi đầu tư phát triển giảm từ 28% giai đoạn 2006 - 2010 xuống còn 23,4% giai đoạn 2011 - 2015; tỷ trọng chi thường xuyên tăng từ 55% lên 65%, chủ yếu do tăng chi cho con người và tiền lương.

(2) Xử lý nợ xấu còn chưa thực chất và gặp nhiều khó khăn. Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) mới xử lý được 32,4 nghìn tỷ đồng trong tổng số 241 nghìn tỷ đồng nợ xấu đã mua (đạt 13,4%). Một số ngân hàng thương mại quản lý yếu kém, thua lỗ, mất vốn, nợ xấu lớn, để xảy ra vi phạm pháp luật. Các thị trường vốn, chứng khoán, bất động sản phát triển chưa bền vững và còn tiềm ẩn rủi ro.

(3) Hoạt động của doanh nghiệp nhà nước gặp nhiều khó khăn, hiệu quả thấp; năng lực quản trị, giám sát nội bộ còn yếu kém. Một số dự án đầu tư lớn của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước chậm tiến độ, kéo dài, hiệu quả thấp, thua lỗ, lãng phí, dừng đầu tư, dừng hoạt động; công tác quản lý cán bộ còn nhiều bất cập, chưa phát hiện và xử lý vi phạm kịp thời, để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư ngoài ngành của DNNN chưa đạt kế hoạch; tỷ lệ vốn đã được cổ phần hóa đạt thấp; số lượng doanh nghiệp cổ phần hóa trong 6 tháng mới bằng 71%, thoái vốn nhà nước bằng 11,6% so với cùng kỳ; xử lý vướng mắc về tài chính, đất đai trong chuyển đổi công ty nông, lâm nghiệp còn chậm.

(4) Quản lý nhà nước về tài nguyên, môi trường còn nhiều hạn chế. Quy định về tiêu chuẩn môi trường còn bất cập, chậm được hoàn thiện; thực thi pháp luật về môi trường chưa nghiêm; đánh giá tác động môi trường khi cấp phép dự án đầu tư còn hình thức, giám sát thực hiện còn nhiều yếu kém; phát hiện, xử lý vi phạm chưa kịp thời; đã xảy ra sự cố môi trường nghiêm trọng do Dự án Formosa Hà Tĩnh gây ra. 

Tình trạng khai thác tài nguyên, khoáng sản, chặt phá rừng trái phép, cháy rừng còn nghiêm trọng[v]; riêng rừng tự nhiên ở Tây Nguyên giai đoạn 2010 - 2014 giảm 273 nghìn ha. Đất rừng ở nhiều địa phương bị xâm hại nghiêm trọng. Chất lượng môi trường tự nhiên (không khí, nước, biển, rừng) nhiều nơi bị xuống cấp. Vấn đề chất thải rắn, xả thải ở nông thôn và đô thị còn rất nghiêm trọng.

Tình hình khí hậu diễn biến bất thường, rét đậm, rét hại ở phía Bắc, hạn hán kéo dài ở Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long nghiêm trọng nhất trong nhiều năm qua[vi] và sự cố môi trường ở ven biển 04 tỉnh miền Trung đã gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất, đời sống và môi trường.

(5) Tăng trưởng kinh tế chậm lại, thấp hơn cùng kỳ năm 2015 (5,52% so với 6,32%). Lần đầu tiên sau nhiều năm, khu vực nông nghiệp giảm 0,18%, sản lượng lúa vụ Đông Xuân giảm 1,34 triệu tấn. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) chỉ tăng 7,5% (cùng kỳ tăng 9,7%); trong đó công nghiệp khai khoáng giảm 2,2% (cùng kỳ tăng 8,48%).

Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng thấp hơn cùng kỳ (5,9% so với 9,2%), trong đó nhiên liệu, khoáng sản giảm 38,7%, nhóm công nghiệp chế biến chỉ tăng 8,2% (cùng kỳ là 18%). Tổng kim ngạch nhập khẩu giảm 0,5% (cùng kỳ tăng 17,1%).

Sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Quy định về điều kiện kinh doanh còn phức tạp, nhiều giấy phép con. Doanh nghiệp nhỏ và vừa khó tiếp cận vốn, lãi suất vay còn cao. Số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động còn lớn.

Quản lý thị trường trong nước và thương mại biên giới có mặt còn bất cập; sự tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam vào chuỗi bán lẻ hiện đại còn hạn chế. Buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không bảo đảm an toàn thực phẩm còn nhiều, gây bức xúc xã hội. Tình trạng vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng còn nghiêm trọng, nhất là thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, giống cây trồng. Còn diễn ra nhiều vụ lừa đảo trong bán hàng đa cấp, tín dụng đen.

(6) Tái cơ cấu nhiều ngành, lĩnh vực triển khai chậm, còn lúng túng. Xây dựng nông thôn mới ở một số địa phương còn hình thức, chưa quan tâm đúng mức đến phát triển sản xuất và đời sống của người dân, nợ xây dựng nông thôn mới  lớn[viii]. Phát triển công nghiệp hỗ trợ chậm, chưa đạt mục tiêu đề ra. Quản lý du lịch còn nhiều bất cập, nhất là đối với tour và hướng dẫn viên. Sự cố môi trường biển ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động du lịch, dịch vụ ở 04 tỉnh miền Trung.

(7) Đời sống một bộ phận người dân còn nhiều khó khăn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng bị thiên tai và sự cố môi trường. Sức ép tạo việc làm lớn, nhất là cho thanh niên và sinh viên mới tốt nghiệp. Nợ bảo hiểm xã hội còn cao (trên 12.000 tỷ đồng). Quá tải bệnh viện khắc phục chậm; quản lý nhiều dịch vụ tại bệnh viện còn bất cập; xảy ra nhiều vụ việc sai sót nghiêm trọng trong khám chữa bệnh. Tình trạng sử dụng chất cấm và sản xuất kinh doanh thực phẩm không an toàn diễn biến phức tạp. Chất lượng giáo dục đại học, dạy nghề chuyển biến chậm, chưa đáp ứng nhu cầu xã hội. Xảy ra nhiều vụ trẻ em đuối nước nghiêm trọng. Khoa học công nghệ ứng dụng chưa nhiều, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội còn hạn chế. Thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức khoa học công nghệ công lập, phát triển thị trường còn nhiều khó khăn, số doanh nghiệp khoa học công nghệ còn ít, quy mô nhỏ. Giải quyết nhà ở và xây dựng thiết chế văn hóa cho công nhân ở khu công nghiệp tập trung chậm, chưa đáp ứng yêu cầu. Nhiều biểu hiện tiêu cực, xuống cấp về đạo đức, lối sống gây bức xúc; tệ nạn xã hội còn phức tạp.

(8) Cải cách hành chính, năng lực xây dựng, thực thi pháp luật, cơ chế chính sách vẫn còn hạn chế, còn đùn đẩy trách nhiệm, phối hợp thiếu chặt chẽ giữa các bộ ngành, địa phương. Còn tình trạng văn bản pháp luật ban hành chậm, nhất là thông tư hướng dẫn thi hành pháp luật; một số quy định chưa khả thi, còn nhiều vướng mắc. Thủ tục hành chính trong nhiều lĩnh vực còn phiền hà, gây bức xúc cho người dân, doanh nghiệp.

Kỷ luật kỷ cương trong bộ máy hành chính và trong xã hội chưa nghiêm; năng lực, phẩm chất của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu. Tình trạng tham nhũng còn nghiêm trọng, xảy ra nhiều vụ tham nhũng lớn trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, đầu tư, xây dựng, đất đai... Việc kê khai tài sản còn hình thức; giám sát, kiểm tra, thanh tra hiệu quả thấp. Lãng phí trong cơ quan nhà nước và toàn xã hội còn lớn. Kết quả giải quyết khiếu nại tố cáo còn hạn chế; vẫn còn nhiều vụ khiếu nại tố cáo đông người. 

(9) Đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ còn nhiều khó khăn, thách thức. Xảy ra tai nạn nghiêm trọng trong huấn luyện bay và tìm kiếm cứu nạn. Công tác bảo đảm an toàn cho ngư dân hoạt động trên biển còn nhiều khó khăn. Trật tự an toàn xã hội, tình hình tội phạm trên một số địa bàn diễn biến phức tạp, nhất là ở một số thành phố lớn. Còn nhiều vụ tai nạn giao thông và cháy nổ nghiêm trọng. Công tác bảo đảm an ninh, an toàn thông tin mạng còn nhiều hạn chế.

Hiệu quả triển khai một số hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế chưa cao. Thông tin truyền thông về hội nhập và ứng phó với các thách thức của tiến trình hội nhập vẫn còn hạn chế, chưa chủ động.

Thời gian qua, trong bối cảnh khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu kéo dài, trong điều kiện NSNN hạn hẹp, chúng ta phải tập trung huy động nguồn lực để thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kết cấu hạ tầng và đáp ứng các yêu cầu chi cấp bách về an sinh xã hội, quốc phòng an ninh, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Do đó, nợ công tăng nhanh, ở mức cao, dư địa chính sách, nhất là về tài khóa, tiền tệ và nguồn lực cho phát triển giai đoạn tới rất hạn hẹp.

"Để thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 và 5 năm 2016 - 2020, chúng ta phải tiếp tục đổi mới toàn diện, sâu rộng, có những đột phá về cơ chế chính sách và phương thức lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, quyết liệt hành động, huy động mọi nguồn lực, phát huy dân chủ, sáng tạo của người dân, doanh nghiệp", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi.

X.T