Tại hội nghị, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nêu lên nhiều khó khăn mà ngành này phải đối mặt khi xuất khẩu sang thị trường các nước, đặc biệt việc các nước dựng lên hàng rào kỹ thuật với nhiều quy định rất ngặt nghèo. “Nhật Bản mỗi năm nhập khẩu 1,3 - 1,5 tỉ USDthủy sản, nhưng thị trường này hiện đang kiểm tra kháng sinh nghiêm ngặt gấp 10 lần so với tiêu chuẩn tương tự do châu Âu áp dụng”, ông Nam dẫn chứng.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hỏi: “Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có ý kiến gì về việc này, đã làm việc ở cấp cao với phía Nhật chưa?”.
Ông Nam cho biết, sự việc đã kéo dài khoảng 1 năm nay, Việt Nam, Ấn Độ cũng bị kiểm soát chung, Thái Lan lại không bị kiểm soát. Việt Nam với Ấn Độ đang đấu tranh nhưng Nhật Bản nói rằng để đánh giá rủi ro họ cần có thời gian, hy vọng mở đầu năm 2016 sẽ có kết quả. Kể cả lãnh đạo Bộ cũng đã sang bên đó, ngành và Hiệp hội đều làm rất quyết liệt.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ cảm thấy tiếc “khi tôi cũng quan liêu, nếu nghe được các ý kiến cụ thể của các đồng chí sẽ giải quyết được sớm”.
Cũng theo Thủ tướng, kinh tế những năm qua phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn. Tình hình đe dọa chủ quyền quốc gia rất nghiêm trọng, hết Pháp, Mỹ, Trung Quốc phía Bắc, Pol Pot phía Nam rồi bây giờ tới biển Đông, nhưng chúng ta giữ vững được chủ quyền, ổn định an ninh chính trị, hữu nghị để làm ăn với các nước. Bình quân tăng trưởng xuất khẩu 17,5%/năm, đây là tỷ lệ xuất khẩu cao, nói lên sức cạnh tranh của nền kinh tế, công sức mở rộng thị trường.
Đánh giá cao đóng góp của tham tán thương mại tại hơn 50 nước, Thủ tướng cho rằng, các tham tán phải là nhà ngoại giao giỏi, trong điều kiện có nhiều hiệp định thương mại tự do đã ký và đang đàm phán.
“Kinh tế mà không phát triển đừng nói chuyện khác, nghèo khó nói chuyện lắm, nợ nần người ta đòi đủ thứ. Kinh tế tăng trưởng cao, làm ăn tốt tướng đi cũng khác, nợ nần tướng đi co ro lắm”, Thủ tướng ví von.
Theo Thanh niên