|
Thủ tướng phát biểu tại hội nghị “Nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững" sáng 21/8. Ảnh: Thông tin Chính phủ |
Còn nhiều hạn chế
Thủ tướng ghi nhận những hy sinh, vất vả, nhọc nhằn của ngành Y tế đã góp phần quan trọng để chúng ta kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế xã hội phục hồi và khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng thẳng thắn nhìn nhận, ngành Y tế vẫn còn những hạn chế, khuyết điểm, bất cập.
Thủ tướng chỉ ra những quy định chưa rõ ràng, rườm rà về thủ tục hành chính, chưa bao quát được hết các khía cạnh (như trong việc mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế, đầu tư…) Năng lực của hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng, còn hạn chế. Tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến cuối, tuyến Trung ương vẫn là vấn đề nhức nhối. Người dân vẫn chưa thật sự hài lòng với chất lượng và sự phục vụ của ngành y, nhất là y tế công lập.
Công nghiệp dược, thiết bị y tế chưa đáp ứng yêu cầu, tính chủ động chưa cao, còn phụ thuộc vào nước ngoài. Nguồn nhân lực chất lượng cao còn hạn chế, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Thu nhập, chế độ, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ y tế còn bất cập, đời sống một bộ phận cán bộ y tế còn nhiều khó khăn.
Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh về tình trạng thiếu thuốc điều trị, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế ở một số bệnh viện, địa phương chưa được xử lý dứt điểm. Nhiều vụ việc vi phạm pháp luật, tiêu cực, nhất là trong mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch, lợi dụng dịch bệnh để trục lợi, gây dư luận bức xúc trong xã hội. Giá dịch vụ y tế chậm điều chỉnh, chưa tính đủ chi phí thực tế.
Tài chính y tế còn nhiều bất cập (liên quan đến thực hiện tự chủ bệnh viện, giá dịch vụ, tính đúng tính đủ, mệnh giá và thanh toán bảo hiểm y tế, liên doanh liên kết, xã hội hóa, hợp tác công tư...). Giải ngân đầu tư công trong lĩnh vực y tế còn chậm (tính đến 30/6/2022, vốn chi thường xuyên mới giải ngân được 32%, vốn đầu tư công trung hạn mới giải ngân được 2,5% kế hoạch vốn giao năm 2022).
Hiện nay, ngành y đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức như dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, trong khi công tác tiêm vaccine phòng COVID-19 tại một số địa phương chưa đạt mục tiêu đề ra, có biểu hiện chủ quan, lơ là, thỏa mãn với kết quả đã đạt được. Sự xuất hiện, gia tăng của một số dịch bệnh (sốt xuất huyết, nguy cơ dịch đậu mùa khỉ…).
Toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế vừa đem lại những cơ hội thuận lợi cho phát triển ngành Y tế, nhưng cũng đặt ra những yêu cầu mới về kiểm soát dịch bệnh và nhiều thách thức trong lĩnh vực sản xuất thuốc, cung cấp dịch vụ y tế ứng dụng công nghệ cao ở trong nước.
Ô nhiễm môi trường, tệ nạn xã hội ngày càng ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của Nhân dân; cơ cấu bệnh tật có nhiều thay đổi. Chênh lệch về thu nhập trong Nhân dân đang đặt ra những thách thức lớn đối với việc cung cấp dịch vụ y tế và bảo đảm công bằng trong khám, chữa bệnh.
|
Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Hội nghị. Ảnh: Thông tin Chính phủ |
Quy mô dân số tăng, nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của nhân dân ngày càng cao và đa dạng, tạo sức ép ngày càng lớn đối với việc cung cấp dịch vụ y tế; chi phí cho chăm sóc sức khoẻ ngày càng lớn, trong khi nguồn lực của đất nước vẫn còn hạn hẹp, đời sống một bộ phận Nhân dân còn khó khăn.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng bày tỏ tự hào và tin tưởng vào đội ngũ 500.000 cán bộ y tế có kiến thức rộng, chuyên môn sâu, tay nghề tốt, có tinh thần đoàn kết, trách nhiệm cao, bản lĩnh vững vàng. Trình độ trong một số lĩnh vực y học của Việt Nam ngang tầm với trình độ của thế giới. Tất cả đều trăn trở là làm sao để người dân có cuộc sống khỏe mạnh và tuổi thọ ngày càng được nâng lên; mong muốn hệ thống y tế phát triển toàn diện, đồng bộ, hiện đại, công bằng, hiệu quả, chất lượng, bền vững, hội nhập quốc tế, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của người dân, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Triển khai các trọng tâm, trọng điểm
Thủ tướng nhấn mạnh ngành y cần phải thấm nhuần quan điểm đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết; "thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn. Lương y phải như từ mẫu". Làm việc phải thực chất, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ.
Phải tiếp cận phát triển ngành Y tế một cách tổng thể, toàn diện cả y tế công lập và y tế tư nhân. Không phân biệt công lập hay ngoài công lập, cần xác định rõ vị trí, tầm quan trọng đặc biệt của mình trong tiến trình phát triển bền vững của đất nước để có những bước đi, những đóng góp phù hợp, xứng đáng; đẩy mạnh hơn nữa hợp tác công tư.
Phát huy tinh thần đoàn kết, càng khó khăn, càng nhạy cảm càng phải đoàn kết. Các cán bộ, công chức, viên chức người lao động ngành Y cần chung sức, đồng lòng vì sức khỏe, tính mạng của đồng bào theo lời Bác Hồ đã dạy: "Trước hết là phải thật thà đoàn kết. Đoàn kết là sức mạnh của chúng ta. Đoàn kết thì vượt được mọi khó khăn, giành được nhiều thành tích. Đoàn kết giữa cán bộ cũ và cán bộ mới. Đoàn kết giữa tất cả những người trong ngành Y tế từ các bộ trưởng, thứ trưởng, bác sĩ, dược sĩ cho đến các anh chị em giúp việc..."
|
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan. Ảnh: Thông tin Chính phủ |
Triển khai công tác có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, làm việc nào dứt việc đó. Xác định những việc quan trọng, cấp bách, cần giải quyết ngay; bảo đảm thực hiện tốt những công việc thường xuyên; ứng phó hiệu quả với những vấn đề phát sinh; có lộ trình, kế hoạch và phân công trách nhiệm cụ thể đối với các nhiệm vụ trung hạn và dài hạn.
Mọi cán bộ, nhân viên y tế đều phải khắc ghi và hành động theo lời dạy của Bác Hồ và 12 điều y đức khi làm nhiệm vụ. Không ngừng trau dồi kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ, tăng cường y đức, làm giàu y lý, nâng cao y thuật.
Thủ tướng chỉ đạo ngành y tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt, cùng các bộ, ngành, địa phương tiếp tục bám sát tình hình dịch COVID-19; triển khai đồng bộ, hiệu quả chương trình phòng chống dịch COVID-19 và các nội dung về y tế trong chương trình phục hồi và phát triển theo chủ trương của Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ; chủ động, sẵn sàng cho mọi tình huống, dứt khoát không để dịch bệnh bùng phát trở lại. Nâng cao nhận thức về yêu cầu tiêm vaccine, tập trung đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine an toàn, khoa học, hiệu quả; đây là vấn đề tôi đã nói nhiều lần và hôm nay tôi tiếp tục nói một lần nữa. Tiếp tục triển khai hiệu quả 3 trụ cột chống dịch là xét nghiệm, cách ly, điều trị; thực hiện nghiêm 2K+ vaccine, thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân + các biện pháp khác.
Thủ tướng cũng chỉ đạo khẩn trương rà soát các quy định về xã hội hóa, hợp tác công - tư, phát triển y tế tư nhân; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án đầu tư xây dựng cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai và cơ sở 2 Bệnh viện Việt Đức.
Sớm hoàn thành phương án thực hiện chủ trương tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế; tiếp tục thực hiện lộ trình về tỷ lệ bao phủ BHYT gắn với giảm chi tiền túi của người dân (nhiều năm qua, chỉ số chi tiền túi (OOP) cho y tế ở nước ta vẫn còn cao, theo báo cáo là trên 40%).
Tăng cường phân cấp, phân quyền, công khai, minh bạch và chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Tiếp tục đẩy nhanh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong y tế (khám chữa bệnh từ xa, thực hiện các thủ tục trên môi trường mạng, kết nối cơ sở cung ứng thuốc, đơn thuốc điện tử, hồ sơ sức khỏe điện tử, làm sạch dữ liệu tiêm chủng…). Cải cách hành chính, chuyển đổi số y tế phải thực chất, hiệu quả, tránh "thùng rỗng kêu to".
Tận dụng lợi thế của nước ta về dược liệu, tập trung nghiên cứu phát triển công nghiệp dược, ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất thuốc, vaccine trong nước.