Đó là trao đổi của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử với Ban chỉ đạo Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử bộ, ngành, địa phương, vừa diễn ra sáng nay (12/2).
Đây là Hội nghị trực tuyến lần thứ 3 được tổ chức sau gần 18 tháng thành lập Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử và là hội nghị toàn quốc đầu tiên sau Tết Canh Tý.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ điện tử không phải làm một lúc là xong được, mà chia làm nhiều giai đoạn, có những giai đoạn quan trọng, trong đó năm 2020 là năm nhiều thách thức, nhất là đang diễn ra dịch bệnh do virus Corona chủng mới.
"Chúng ta phải có định hướng như thế nào để triển khai có hiệu quả nhất để tăng năng suất lao động. Hiện nay tình trạng mạnh ai nấy làm ở khâu này, khâu kia không phải không có”, Thủ tướng nêu thực trạng.
Tăng gấp đôi về tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 tăng gấp đôi (từ 4,5% lên hơn 10%); 100% bộ ngành và địa phương đã kết nối với Trục liên thông văn bản quốc gia; 86,5% văn bản điện tử đã trao đổi qua mạng; nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp bộ, cấp tỉnh tăng 9 lần; đã liên thông thủ tục cấp giấy khai sinh tại cấp xã và thẻ bảo hiểm y tế tại cấp huyện; khai trương bản đồ Vmap và Cổng dịch vụ công quốc gia…
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cũng chỉ ra một số tồn tại như chưa xây dựng được một số cơ sở dữ liệu quốc gia quan trọng về dân cư và đất đai; hơn 70% các bộ ngành, địa phương chưa có nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu, thanh toán điện tử cho dịch vụ công; tỷ lệ dịch vụ công mức độ 4 vẫn còn thấp.
Về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2025, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, cần hoàn thiện các thể chế về xây dựng Chính phủ điện tử. Để hoàn thiện các nền tảng của Chính phủ điện tử, 100% bộ ngành, địa phương phải có nền tảng chia sẻ dữ liệu, được kết nối với nền tảng chia sẻ dữ liệu quốc gia; xây dựng Trung tâm giám sát quốc gia về Chính phủ điện tử; thương mại hóa mạng 5G; xây dựng nền tảng di động để người dân, doanh nghiệp thông qua một ứng dụng duy nhất truy cập mọi dịch vụ Chính phủ điện tử.
Tiết kiệm trên 1.200 tỷ đồng mỗi năm tiền giấy, mực.