Thủ tướng: GDP 2015 phải cán mức 6,28%

“Ngân sách không có tiền đâu! Không thu hút đầu tư xã hội thì không bao giờ có hạ tầng!”. Thủ tướng đã phát biểu như vậy khi chủ trì họp trực tuyến chính phủ đánh giá tình hình kinh tế-xã hội sáu tháng đầu năm và bàn nhiệm vụ, giải pháp cuổi năm
Thủ tướng: GDP 2015 phải cán mức 6,28%

Quy định chưa thoát khỏi quan điểm bao cấp

Tại phiên họp này, nhiều địa phương lo lắng về những nút thắt thể chế, điều đã được thấy rất rõ và cũng không quá khó để gỡ nhưng vẫn đang vướng. Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân nói: “10 luật sẽ có hiệu lực vào 1-7 này nhưng giờ rà lại thấy mới chỉ một luật có nghị định hướng dẫn. Còn lại các luật liên quan đến quản lý vốn nhà nước, doanh nghiệp, thi hành án... đều đang đợi nghị định. Rồi 11 hiệp định thương mại tự do đã ký kết, không biết có vướng mắc, xung đột gì với luật trong nước không?”.

Tương tự, đầu tàu kinh tế phía Bắc là Hà Nội cũng thấy cần tiếp tục thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Theo ông Thảo, trong các giải pháp cải cách thể chế, cần chú trọng phân cấp thực sự, tăng tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho chính quyền địa phương. “Quy định hiện tại chưa thoát khỏi quan điểm bao cấp, tập trung. Có việc đã giao cho địa phương nhưng quy trình, thủ tục lại yêu cầu địa phương xin ý kiến các bộ, ngành. Mà ý kiến trả lời lại rất chậm, chẳng khác gì thẩm định. Cứ văn bản đưa lên đưa xuống như thế thì phân cấp khó phát huy hiệu quả” - ông Thảo nhìn nhận.

Tuy nhiên, Nghị quyết 19 không phải là bức tranh màu hồng. Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết từ khi Chính phủ ban hành đến nay là bốn tháng, Bộ KH&ĐT mới nhận được kế hoạch hành động của 12 bộ, ngành và 12 tỉnh, thành, trong đó mới chỉ có năm bộ hiểu đúng ý nghĩa của các chỉ tiêu. “Ngoài Bộ KH&ĐT, Tài chính, GTVT, Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước đã tích cực thực hiện các giải pháp, còn lại nhiều bộ, ngành và hầu hết các địa phương chưa bám sát mục tiêu, nhiệm vụ. Tất cả địa phương đều không nêu cách thức và tình hình triển khai như thế nào”.

Thủ tướng không bất ngờ với báo cáo này. Ông nói: “Tôi biết các bộ trưởng đều rất tận tụy. Ngoài giờ làm việc, địa phương lên là vẫn gặp gỡ, giải quyết công việc. Nhưng xuống cấp thứ trưởng, có tỉnh bảo gặp ổng chắc chết. Các đồng chí xem thế nào, tôi nghe sốt ruột lắm”.

“Ngân sách không có tiền đâu...”

Kết luận hội nghị trực tuyến, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá triển vọng phát triển từ nay đến cuối năm là khả quan. Tuy nhiên, để đạt kết quả cao thì các bộ, ngành, địa phương phải nỗ lực giải quyết nhiều vấn đề mà trước hết là cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. “Như Bộ Tài chính vừa rồi ban hành một thông tư cải cách là giảm được mấy chục giờ thủ tục thuế. Thế mà ta nợ 55 văn bản, trong đó 12 nghị định - là trách nhiệm của chúng ta ngồi đây, còn lại là thông tư - trách nhiệm của các bộ trưởng. Nghị quyết 19 có rồi, giờ bao nhiêu bộ, bao nhiêu địa phương chưa làm thì phải tập trung triển khai. Địa phương kiến nghị gì thì không cần chờ gặp Thủ tướng nữa, cứ chủ động văn bản gửi Văn phòng Chính phủ, gửi các bộ” - Thủ tướng nói.

Thủ tướng cũng lưu ý một số vấn đề mới nổi lên. Chẳng hạn trong yêu cầu ổn định kinh tế vĩ mô thì vừa qua thị trường bất động sản đã ấm lên. Nhưng phải kiểm soát để không “bong bóng trở lại”. Xuất khẩu vừa qua vẫn tăng trưởng nhưng chỉ ở mức 6,3%, thấp hơn mức 14% cùng kỳ năm trước, trong khi nhập siêu lại lên 4,8% - gần tới ngưỡng 5% mà QH khống chế. Để kiểm soát, không cách nào khác phải đẩy mạnh xuất khẩu.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ trực tuyến với các tỉnh, thành. Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ trực tuyến với các tỉnh, thành. Ảnh: TTXVN

Về thu hút đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, giao thông, Thủ tướng nói: “Vừa qua một số nơi phản ứng BOT (xây dựng - khai thác - chuyển giao), kêu sao Nhà nước không làm, để doanh nghiệp vào rồi thu phí khổ dân. Trong khi một số tỉnh thì ủng hộ BOT, PPP (hợp tác công tư) thì một số tỉnh lại không bao giờ nói tới, cứ ngóng xin ngân sách, vốn trái phiếu. Ngân sách không có tiền đâu! Không thu hút đầu tư xã hội thì không bao giờ có hạ tầng!”.

Với tinh thần ấy, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2015 với kết quả cao nhất. Đây là năm bản lề chuẩn bị cho Đại hội XII nên kết quả của nó sẽ là điểm tựa cho phát triển những năm tiếp theo.

Khai thác cao hơn kế hoạch 1 triệu tấn dầu

Trình bày bản báo cáo tổng hợp đầu tiên, Bộ trưởng KH&ĐT Bùi Quang Vinh cho biết tốc độ tăng trưởng GDP quý II ước đạt 6,44%, cao hơn mức 6,08% đã đạt được ở quý I và cao hơn hẳn mức tăng cùng kỳ năm năm gần đây. Như vậy, tính chung cả sáu tháng, kinh tế tăng trưởng 6,28%. Tuy nhiên, trong phần dự báo tình hình, ông Vinh chỉ đưa ra chỉ tiêu tăng trưởng cả năm ở mức trên 6,2%. Lý do là kết quả vừa qua đạt được vì đã thực hiện tới gần 60% kế hoạch khai thác dầu mỏ, tức là lấy sản lượng lớn để bù cho giá giảm. Nếu muốn duy trì tốc độ tăng trưởng này thì phải tiếp tục khoan, hút nhiều dầu hơn cả mức đã thực hiện năm 2014.

Giải thích nội dung này, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng - người chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về dầu khí, thừa nhận kế hoạch khai thác dầu khí năm nay được xây dựng từ tháng 8-9 năm ngoái, khi giá thế giới đang ở mức cao. “Nhưng đến cuối 2014, giá thế giới giảm mạnh gần một nửa. Nếu khai thác như kế hoạch thì sẽ ảnh hưởng đến chỉ tiêu tăng trưởng nên chúng tôi đã chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí tăng sản lượng. Với tốc độ này khả năng năm nay sẽ khai thác hơn 15,74 triệu tấn, cao hơn kế hoạch hơn 1 triệu tấn và hơn sản lượng năm trước khoảng 140.000 tấn” - Bộ trưởng Hoàng cho biết.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói việc điều hành khai thác dầu thế nào cần bàn bạc kỹ, tuy nhiên không vì vậy mà đặt mục tiêu tăng trưởng thấp. “Phấn đấu đạt và vượt những gì đã đạt. Đến nay tăng trưởng đã 6,28% rồi mà chỉ đặt mục tiêu cả năm trên 6,2% thì vô lý. Từ nay đến cuối năm không có khó khăn khách quan gì thì phải cán mức 6,28%, thậm chí là 6,3%-6,4% mà chúng ta từng tính toán. Tất cả tùy thuộc vào nỗ lực chung của chúng ta và qua thực tế sáu tháng thấy hoàn toàn có khả năng” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Nghiên cứu miễn visa với hầu hết các nước còn lại

Báo cáo tổng hợp của Bộ KH&ĐT đề xuất nhiều giải pháp chỉ đạo điều hành trong nửa năm còn lại, trong đó đáng chú ý là cần tiếp tục nghiên cứu miễn visa cho tất cả các nước, trừ những quốc gia có tình trạng chính trị phức tạp hay có chiến tranh, đồng thời tính toán nâng thời hạn nhập cảnh từ 15 ngày lên ba tháng.

Liên quan đến diễn biến trên biển Đông, cần chủ động nắm bắt tình hình, tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, đồng thời có các phương án bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ. Tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu, ứng phó kịp thời, hiệu quả trong mọi tình huống.

Theo PLTP