Tham dự lễ kỷ niệm có sự tham gia của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu và nhiều đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành Trung ương, các Mẹ Việt Nam anh hùng, các vị khách quốc tế và đông đảo nhân dân tỉnh Quảng Nam.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã ôn lại lịch sử hơn năm trăm năm của vùng đất Quảng Nam, cùng với những đổi thay về địa giới qua các giai đoạn, thời kỳ, nhưng luôn giữ vai trò quan trọng trong hành trình phát triển của đất nước.
Điểm lại thành tựu sau 42 năm giải phóng và 20 năm ngày tái lập tỉnh, kinh tế Quảng Nam đã tăng hơn 30 lần. Trong đó, công nghiệp-dịch vụ chiếm hơn 88% trong cơ cấu kinh tế, giá trị sản xuất công nghiệp tăng hơn 160 lần so với năm đầu tái lập; Tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt khoảng 53 triệu đồng, gấp 28 lần so với thời điểm chia tách tỉnh, vượt mức bình quân cả nước; Tổng thu ngân sách đã đạt trên 20 ngàn tỷ đồng, gấp hơn 170 lần so năm đầu tái lập; Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội được đầu tư phát triển tạo tiền đề đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong những năm tới; Văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ; đời sống nhân dân được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh. Quốc phòng được củng cố; an ninh chính trị được giữ vững; trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo…
Đánh giá cao những thành tựu mà tỉnh Quảng Nam đạt được trong thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ sự tự hào sau 20 năm đã đạt được những thành quả phát triển vượt bậc, trong khi vẫn luôn gìn giữ, phát huy các giá trị của địa phương và di sản truyền thừa quý báu từng làm nên một xứ Đàng trong phồn vinh trên bến, dưới thuyền, là nơi đất lành chim đậu; một xã hội có sức thu hút, dung nạp không gian văn hóa khắp 4 phương. Về kinh tế, Quảng Nam đã đạt GDP bình quân đầu người đạt trên 53 triệu đồng, cao hơn mức trung bình của cả nước. Thu ngân sách năm 2016 gần 21.000 tỷ đồng, đứng thứ 10/63 tỉnh, thành phố. Quảng Nam là 1 trong 16 địa phương có điều tiết ngân sách về Trung ương.
Đặc biệt trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Quảng Nam đã luôn phát huy khối đại đoàn kết toàn dân, nêu cao truyền thống yêu nước, khí tiết cách mạng của quê hương trung dũng, kiên cường. Cho đến hôm nay, Quảng Nam vẫn luôn là một trong những địa phương có tính hình mẫu về ý Đảng, lòng dân trong mọi quyết sách.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại hạn chế của tỉnh. Trong đó, ngành du lịch có nhiều lợi thế nhưng đóng góp chưa tương xứng vào thu ngân sách. Có tiềm năng to lớn về nông nghiệp hữu cơ, lâm nghiệp và dược liệu với những giá trị độc đáo nhưng hiệu quả xúc tiến thương mại và đầu tư còn thấp. Miền núi và khu vực phía Tây tỉnh Quảng Nam, đời sống nhân dân, đặc biệt là bà con dân tộc thiểu số đã được cải thiện một bước nhưng vẫn còn bấp bênh.
"Quảng Nam cần phải trở thành một tỉnh giàu có toàn diện của miền Trung, Tây Nguyên và cả nước dựa trên nền tảng cạnh tranh về năng suất, tính sáng tạo, tính liên kết trong tư duy sản phẩm, cùng với việc giữ gìn, bảo tồn không gian sống và những giá trị di sản đã làm nên huyền thoại một trong những trung tâm giao thương phồn thịnh nhất Châu Á những thế kỷ trước. Cùng với lịch sử hào hùng của vùng đất đi lên bằng ý chí, tính can trường và tinh thần ham học hỏi, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, chúng ta có một niềm tin vững chắc về một tương lai xứ Quảng ngày càng giàu đẹp và toàn diện hơn”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ.
Ghi nhận những thành tích đạt được trong 20 năm phấn đấu xây dựng và phát triển, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Nam vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh năm 2010 và nhân dịp kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh, Quảng Nam tiếp tục vinh dự được đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất do Chủ tịch nước trao tặng.