Thủ tướng cảnh báo 4 lý do triển khai đô thị thông minh thất bại

VietTimes -- Hoan nghênh các địa phương đã mạnh dạn triển khai đô thị thông minh như TP.HCM, Bình Dương,... nhưng đồng thời, Thủ tướng cũng cảnh báo việc này cần tiến hành một cách bài bản, có hệ thống, phải có công nghệ, có nguồn lực về con người,... nếu không sẽ thất bại.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: VietTimes.
Trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, chủ trương xây dựng đô thị thông minh là xu thế của thế giới. Mục tiêu của đô thị thông minh là nâng cao hiệu quả quản trị công; nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng; bảo vệ môi trường; xây dựng chính quyền kiến tạo vì dân, sát dân...  Hiện một số địa phương đã triển khai như TPHCM, Hà Nội, Bình Dương, Bắc Ninh, Lâm Đồng,...
Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo việc xây dựng đô thị thông minh cần tiến hành một cách bài bản, có hệ thống, phải có công nghệ, có nguồn lực về con người... nếu không sẽ thất bại.

Ở Việt Nam, các đô thị chiếm 10% diện tích cả nước nhưng đóng góp tới hơn 70% tổng thu ngân sách toàn quốc (GDP), trong đó, 5 thành phố trực thuộc Trung ương chiếm 50% GDP cả nước. Việt Nam đã có gần 30 tỉnh, thành phố khởi động các đề án về đô thị thông minh.

Các doanh nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) lớn đã ký nhiều thỏa thuận hợp tác xây dựng đô thị thông minh với các tỉnh, thành phố. Nghị quyết số 05/NQ-TW về “Một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế” cũng nêu nhiệm vụ ưu tiên phát triển một số đô thị thông minh.

Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan xây dựng, ban hành tiêu chí đánh giá, công nhận đô thị thông minh và hướng dẫn các địa phương thực hiện, bảo đảm việc đầu tư thiết thực, hiệu quả, phù hợp với khả năng cân đối vốn, điều kiện của từng địa phương, tránh đầu tư theo phong trào, gây lãng phí, thất thoát. Bộ Thông tin và Truyền thông đã khẩn trương triển khai các nội dung nghiên cứu, phối hợp với Bộ Xây dựng thực hiện.

Thực tế, các đề án về thành phố thông minh đều hướng tới khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay, giúp thành phố phát triển nhanh, bền vững và cung cấp nhiều dịch vụ cho đời sống xã hội, người dân. Người dân sẽ được cung cấp các tiện ích hỗ trợ để có thể ra quyết định một cách tối ưu. Việc tương tác giữa người dân với chính quyền sẽ dễ dàng; đồng thời tham gia giám sát, quản lý và xây dựng thành phố.

Cùng với đó, doanh nghiệp sẽ có môi trường minh bạch, đơn giản, thuận tiện hoạt động và được cung cấp nhiều thông tin để có quyết định kinh doanh chính xác. 

Còn đối với các tổ chức xã hội, đô thị thông minh tạo ra kết nối phản hồi thông tin để họ tham gia một cách hiệu quả vào quá trình cung cấp các dịch vụ cho đô thị.

Tuy nhiên, bất kỳ sự phát triển nào cũng đều tiềm tàng những rủi ro. Đô thị thông minh cũng không nằm ngoài quy luật này. Trong đó phải kể tới các hành động xâm phạm sự riêng tư của các cá nhân có thể xuất hiện do thông tin được chia sẻ tương đối rộng rãi trên nền tảng công nghệ thông tin của đô thị thông minh.
Tuy nhiên, với các tiêu chuẩn đã và đang được xây dựng cho dữ liệu trong đô thị thông minh, các dữ liệu và thông tin này sẽ được phân loại theo cùng một hệ thống, nhờ đó các nhà quản trị mạng và quản lý đô thị có thể phát hiện được những thông tin hoặc dữ liệu bất thường dễ dàng hơn, qua đó kiểm soát tốt hơn những rủi ro liên quan đến bảo mật