Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu ngành Công Thương tập trung tái cơ cấu ngành, lĩnh vực đáp ứng yêu cầu đổi mới, với trách nhiệm kiến tạo, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân kinh doanh trong lĩnh vực ngành quản lý.
Bên cạnh đó, nghiên cứu, thực hiện các giải pháp đồng bộ để công nghiệp, thương mại trong nước có thể dịch chuyển nhanh hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu, tăng năng suất dựa trên ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo; kết nối tốt hơn giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI để nâng cấp nền kinh tế.
Khuyến khích khu vực kinh tế tư nhân tham gia tích cực hơn nữa vào thực hiện chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; tạo động lực và điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân phát triển ngày càng lớn mạnh, trừ một số lĩnh vực quan trọng nhà nước cần chi phối.
Nêu cao cung cách làm việc với tinh thần khởi nghiệp, tinh thần phục vụ doanh nghiệp; tiếp tục đổi mới cải cách thể chế, cơ chế chính sách; xây dựng chiến lược, quy hoạch theo hướng thị trường; xây dựng các chính sách khuyến khích, ưu đãi phải phù hợp với cơ chế thị trường đồng thời tạo động cơ mạnh mẽ cho các chủ thể của nền kinh tế lựa chọn hành động để đạt mục tiêu đề ra.
Thông báo nêu rõ, cơ chế hỗ trợ của Nhà nước cũng phải thay đổi, tiến tới chấm dứt cơ chế “xin - cho”; không bao cấp, hỗ trợ cho sự yếu kém; chống lợi ích cục bộ và lợi ích nhóm. Phát triển công nghiệp phải gắn với bảo vệ môi trường, kiên quyết không đánh đổi môi trường để thu hút đầu tư, nhất là môi trường sống của người dân. Lãnh đạo các Bộ, các địa phương phải chịu trách nhiệm chính trị trước Đảng và Nhà nước, trước Thủ tướng Chính phủ nếu để xảy ra thảm họa môi trường.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương tiếp tục tập trung xây dựng văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách của ngành Công Thương; tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp và người dân, tận dụng triệt để, hiệu quả những lợi ích do hội nhập mang lại.
X.T