Thủ tướng Anh Boris Johnson: dịch bệnh COVID-19 khởi nguồn từ Vũ Hán, Trung Quốc phản ứng quyết liệt

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Thủ tướng Anh Johnson tuyên bố khi trả lời phỏng vấn CBS: “Rõ ràng hầu hết các bằng chứng dường như chỉ ra dịch bệnh COVID-19 bắt nguồn từ Vũ Hán”. Sứ quán Trung Quốc tại Anh đã lên tiếng kịch liệt phản đối.
Thủ tướng Anh Boris Johnson cho rằng dịch bệnh COVID-19 khởi nguồn từ Vũ Hán (Ảnh: Reuters).
Thủ tướng Anh Boris Johnson cho rằng dịch bệnh COVID-19 khởi nguồn từ Vũ Hán (Ảnh: Reuters).

Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết hôm thứ Hai (15/2) rằng các nước lớn trên thế giới nên ký một hiệp ước toàn cầu về đại dịch để đảm bảo tính minh bạch thích hợp. Ông cũng nói rằng cả Vương quốc Anh và Hoa Kỳ đều lo ngại về tình hình thông tin mà nhóm chuyên gia truy xuất nguồn gốc virus SARS-CoV-2 của Tổ chức Y tế Thế giới được phép thu thập trong quá trình khảo sát tại Trung Quốc.

Theo trang tin Deutsche Welle (Tiếng nói nước Đức) ngày 16/2, Thủ tướng Johnson hôm thứ Hai (15/2) nói, các nước lớn trên thế giới nên đạt được một hiệp ước toàn cầu về dịch bệnh để đảm bảo rằng sự bùng phát của dịch bệnh giống như COVID-19 ở Trung Quốc có sự minh bạch chính xác.

Khi phóng viên Reuters hỏi ông hy vọng sẽ thực hiện những hành động gì để tăng tính minh bạch, Boris Johnson nói: "Tôi nghĩ rằng điều mà thế giới cần thấy là chúng ta có thể đạt được sự đồng thuận chung về cách truy xuất dữ liệu đại dịch lây truyền từ động vật sang người ... Chúng ta hy vọng sẽ đạt được hiệp nghị chung về tính minh bạch”.

Nhân viên an ninh Trung Quốc dùng ô ngăn các phóng viên quay phim hoạt động của nhóm điều tra (Ảnh: AP).

Nhân viên an ninh Trung Quốc dùng ô ngăn các phóng viên quay phim hoạt động của nhóm điều tra (Ảnh: AP).

Ông nói tại cuộc họp báo: "Tôi cho rằng một trong những ý tưởng hấp dẫn mà chúng ta đã thấy trong vài tháng qua là đề xuất một hiệp ước toàn cầu về dịch bệnh để các bên ký kết có thể đảm bảo cung cấp tất cả dữ liệu họ có để chúng ta hiểu điều gì đã xảy ra và ngăn chặn dịch bệnh tái phát”.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cũng đã bày tỏ sự ủng hộ đối với đề xuất của Thủ tướng Johnson trên Twitter về việc cùng nhau kí kết một hiệp ước chống đại dịch để tăng cường khả năng sẵn sàng đối phó và phục hồi của toàn cầu khi đối mặt với dịch bệnh.

Khi được hỏi ai là người chịu trách nhiệm về sự thiếu minh bạch về nguồn gốc của dịch bệnh, Thủ tướng Johnson nói: "Tôi nghĩ điều khá rõ ràng là hầu hết các bằng chứng dường như đều chỉ ra nguồn gốc của dịch bệnh là ở Vũ Hán".

Ông nhấn mạnh: "Tôi cho rằng tất cả chúng ta cần nhận thức càng nhiều càng tốt về việc điều này có thể xảy ra như thế nào, giống như vấn đề người và động vật cùng bị do ai đó nêu ra. Tôi nghĩ rằng chúng ta cần càng nhiều dữ liệu càng tốt".

Với tư cách là chủ tịch nhóm G7 năm nay, Thủ tướng Anh Johnson hy vọng sẽ lãnh đạo cuộc chiến chống lại dịch bệnh toàn cầu, bao gồm cả việc tăng cường hệ thống cảnh báo sớm. Tuy nhiên, trong tuyên bố của các nhà lãnh đạo G7 trước hội nghị khai mạc vào ngày 19/2, họ không nêu chi tiết về bất kỳ hiệp ước nào về tăng cường tính minh bạch của dịch bệnh toàn cầu.

Nhóm điều tra của WHO quay phim, chụp ảnh trong Chợ thủy sản Hoa Nam trước sự giám sát của nhân viên Trung Quốc (Ảnh: Reuters).

Nhóm điều tra của WHO quay phim, chụp ảnh trong Chợ thủy sản Hoa Nam trước sự giám sát của nhân viên Trung Quốc (Ảnh: Reuters).

Bộ trưởng Ngoại giao Anh Dominic Raab ngày 14/2 cho biết rằng ông cũng như Hoa Kỳ, bày tỏ quan ngại về cách điều tra của phái đoàn điều tra nguồn gốc dịch bệnh COVID-19 của Tổ chức Y tế Thế giới ở Trung Quốc; trong khi Thủ tướng Johnson bày tỏ ủng hộ tuyên bố của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden rằng cần có thêm nhiều dữ liệu điều tra trước khi đưa ra kết luận.

Loại coronavirus chủng mới (SARS-CoV-2), được phát hiện lần đầu tiên ở Trung Quốc vào cuối năm 2019, cho đến nay đã giết chết 2,4 triệu người, đẩy nền kinh tế toàn cầu vào thời kỳ suy thoái tồi tệ nhất trong thời bình kể từ cuộc Đại suy thoái và làm gián đoạn cuộc sống bình thường của hàng tỷ người.

Về tuyên bố gần đây của Thủ tướng Anh Johnson rằng “rõ ràng là hầu hết các bằng chứng dường như chỉ ra rằng dịch bệnh bắt nguồn từ Vũ Hán” và đồng ý với lo ngại của Hoa Kỳ về những hạn chế của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong việc điều tra về nguồn gốc coronavirus chủng mới (SARS-CoV-2) ở Trung Quốc; ngày 17/2, người phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc tại Anh đã lên tiếng, nói: Trung Quốc kiên quyết phản đối việc chính trị hóa dịch bệnh và nói xấu Trung Quốc của các nước có liên quan, đồng thời kiên quyết phản đối việc đổ lỗi cho Trung Quốc.

Nhân viên đoàn điều tra WHO hoạt động ở Vũ Hán (Ảnh: Reuters).

Nhân viên đoàn điều tra WHO hoạt động ở Vũ Hán (Ảnh: Reuters).

Phóng viên Reuters hỏi: “Cách đây vài ngày, nhà lãnh đạo Anh đã tuyên bố rằng "rõ ràng hầu hết các bằng chứng dường như chỉ ra rằng dịch bệnh COVID-19 bắt nguồn từ Vũ Hán" và đồng ý với lo ngại của Hoa Kỳ về điều tra của WHO về nguồn gốc của virus ở Trung Quốc bị hạn chế. Đại sứ quán Trung Quốc có bình luận gì về việc này?”.

Người phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc đáp: “Kể từ khi bùng phát dịch bệnh COVID-19, Trung Quốc luôn kiên trì thái độ cởi mở và minh bạch, duy trì liên lạc và hợp tác chặt chẽ với WHO về việc truy xuất nguồn gốc virus trên toàn cầu. Cách đây không lâu, đoàn chuyên gia quốc tế đã đến Trung Quốc trong khuôn khổ hợp tác nghiên cứu khoa học về truy xuất nguồn gốc toàn cầu của SARS-CoV-2 do WHO triệu tập. Chính phủ Trung Quốc đã ủng hộ và hỗ trợ mạnh mẽ cho việc này, WHO và các chuyên gia quốc tế bao gồm cả các chuyên gia Anh đã đưa ra đánh giá tích cực về điều này. Truy xuất nguồn gốc virus là một vấn đề khoa học phức tạp liên quan đến nhiều quốc gia và địa điểm, công việc này cần được thực hiện với sự hợp tác của các nhà khoa học toàn cầu. Điều này đòi hỏi tinh thần thực nghiệm khoa học, không được phép để chính trị đè lên khoa học, và không thể dùng sự nghi ngờ vô căn cứ và sự xuyên tạc có chủ ý thay cho nghiên cứu khoa học.

Trưởng đoàn điều tra Trung Quốc Lương Vạn Niên bắt tay bà Marion Koopmans chuyên gia virus học người Hà Lan trước cuộc họp báo (Ảnh: AP).

Trưởng đoàn điều tra Trung Quốc Lương Vạn Niên bắt tay bà Marion Koopmans chuyên gia virus học người Hà Lan trước cuộc họp báo (Ảnh: AP).

Đồng thời, nhiều manh mối, báo cáo và nghiên cứu cho thấy dịch đã xuất hiện ở nhiều nơi trên thế giới ngay từ nửa cuối năm 2019, cho thấy sự cần thiết và cấp bách của việc điều tra tương tự ở các quốc gia và khu vực khác. Với sự tích lũy không ngừng của các bằng chứng thực tế và sự phát triển liên tục của các giả định khoa học, công việc truy xuất nguồn gốc cũng sẽ thay đổi về mặt địa lý.

Hiện nay, dịch bệnh toàn cầu vẫn đang hoành hành, đoàn kết để chống lại dịch bệnh vẫn là ưu tiên hàng đầu của cộng đồng quốc tế. Trung Quốc kiên quyết phản đối việc chính trị hóa dịch bệnh và bôi xấu Trung Quốc của các nước có liên quan; đồng thời kiên quyết phản đối việc đổ lỗi cho Trung Quốc. Chúng tôi chân thành hy vọng tất cả các quốc gia thực sự thể hiện thái độ công bằng, khách quan và có trách nhiệm, ủng hộ công việc của WHO bằng những hành động thiết thực và đóng góp xứng đáng vào hợp tác quốc tế chống dịch và xây dựng cộng đồng sức khỏe nhân loại”.