Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine: “Chỉ 10% số vũ khí phương Tây hứa hẹn viện trợ được thực hiện...”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Gần đây, Ukraine thực sự ngồi trên đống lửa: chiến sự ở Donbass đang diễn ra cấp bách, Severodonetsk gần như đã “thất thủ”, nhưng vũ khí trang bị mà phương Tây hứa hẹn thì không thấy đâu.
Ngày 14/6, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine Hanna Malyar nói trên truyền hình, oán trách phương Tây chậm trễ cung cấp vũ khí (Ảnh: Guancha).
Ngày 14/6, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine Hanna Malyar nói trên truyền hình, oán trách phương Tây chậm trễ cung cấp vũ khí (Ảnh: Guancha).

Ngày 14/6 Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine, bà Hanna Malyar nói trên truyền hình rằng Ukraine chỉ nhận được 10% số vũ khí yêu cầu trước đó, đồng thời kêu gọi các nước phương Tây hãy đẩy nhanh tiến độ giao hàng, "Chúng tôi không thể đợi quá lâu được".

Theo hãng thông tấn Interfax của Ukraine, bà Hanna Malyar đã thể hiện sự nôn nóng trong cuộc trả lời phỏng vấn một đài truyền hình địa phương vào ngày hôm đó, bà liên tục nhấn mạnh tình trạng thiếu trang thiết bị mà quân đội Ukraine đang phải đối mặt và kêu gọi các nước phương Tây đẩy nhanh tiến độ viện trợ và tăng cường mức độ viện trợ.

"Dù Ukraine có cố gắng đến đâu, dù quân đội của chúng ta có chuyên nghiệp đến đâu, chúng ta cũng sẽ không thể giành chiến thắng trong cuộc chiến này nếu không có sự giúp đỡ của các đối tác phương Tây ...". Malyar nói, hiện tại, Ukraine "chỉ nhận được 10% những vũ khí đã yêu cầu trước đó”.

Truyền thông Ukraine đưa tin về phát biểu của bà Malyar.

Truyền thông Ukraine đưa tin về phát biểu của bà Malyar.

Theo bà, binh sĩ Ukraine tiêu tốn khoảng 6.000 quả đạn pháo mỗi ngày, trong khi lính Nga nã số đạn nhiều hơn khoảng 10 lần.

Bà Malyar hy vọng các nước phương Tây nên đẩy nhanh tiến độ giao hàng và hãy đặt ra "thời gian biểu rõ ràng" cho việc giao vũ khí, vì mọi sự chậm trễ không chỉ khiến Ukraine phải trả giá đắt mà còn có nguy cơ khiến nhiều lãnh thổ Ukraine rơi vào tay Nga. Bà nói: "Chúng ta cần biết thời hạn rõ ràng bởi vì ngày nào cũng đều có sự chậm trễ ... chúng ta không thể chờ đợi quá lâu vì tình hình rất phức tạp".

Cụm từ "tình hình phức tạp" là bà Malyar dùng ám chỉ cục diện chiến sự hiện nay ở vùng Donbass. Hiện tại, Nga và Ukraine tiếp tục giằng co ở khu vực Donbass. Ngày 14/6 theo giờ địa phương, ông Serhiy Gaidai Thống đốc vùng Luhansk của Ukraine cho biết, quân đội Nga đã kiểm soát khoảng 80% khu vực đô thị ở Severodonetsk và phá hủy cả ba cây cầu nối thành phố này với khu vực do Ukraine kiểm soát. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 13/6 cho biết thương vong của Ukraine trong chiến dịch này là "rất cao và đơn giản là khủng khiếp".

Ảnh vệ tinh cho thấy Nga đã đánh sập các cây cầu nối thành phố Severodonetsk với các khu vực do Ukraine kiểm soát.

Ảnh vệ tinh cho thấy Nga đã đánh sập các cây cầu nối thành phố Severodonetsk với các khu vực do Ukraine kiểm soát.

Ông Gaidai nói với AP qua điện thoại, một cuộc sơ tán dân thường hiện nay "cơ bản là không thể" do các cuộc pháo kích và giao tranh đang diễn ra ở Severodonetsk. Ông thừa nhận rằng quân đội Ukraine đã bị quân đội Nga đẩy lùi về khu vực công nghiệp ngoại ô, cụ thể là Nhà máy hóa chất Azot.

Gaidai cũng cho biết, hơn 500 dân thường hiện đang "trú ẩn" trong nhà máy hóa chất Azot. Ông nói nhà máy đang bị quân đội Nga tấn công dữ dội, cư dân đã không còn chịu đựng được nữa, tinh thần của họ đang đứng trước bờ vực.

Là một trong những nhà máy hóa chất lớn nhất ở Ukraine, Azot có rất nhiều hầm trú ẩn phòng không dưới lòng đất và các chuyên gia ước tính nó có thể chứa được hơn 2.000 người. Một đại biểu của Luhansk nói, trong khu công nghiệp này có khoảng 2.500 binh sĩ Ukraine, bao gồm cả người nước ngoài, trước đó, con số được truyền thông Nga đưa tin là có 300-500 “lính đánh thuê nước ngoài” ở đây; những con số này vẫn chưa được kiểm chứng. Giới quan sát cho rằng tại Azot rất có thể sẽ tái diễn tình cảnh giống như ở Nhà máy thép Azovstal mới đây.

Lửa khói bốc lên từ Nhà máy hóa chất Azot.

Lửa khói bốc lên từ Nhà máy hóa chất Azot.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov ngày 13/6 cho biết, quân đội Nga đã sử dụng tên lửa không đối đất chính xác cao ở khu vực Donetsk để phá hủy một số lượng lớn vũ khí và thiết bị mà Mỹ và các nước châu Âu gửi tới Ukraine. Quân đội Nga cũng đánh trúng một điểm triển khai tạm thời “các lính đánh thuê nước ngoài” ở Fedorovka, thuộc vùng Luhansk.

Tờ Washington Post của Mỹ ngày 13/6 đưa tin, một quan chức cấp cao của Mỹ không muốn nêu tên đã tiết lộ rằng Severodonetsk "đặc biệt mong manh" và có thể rơi vào tay quân đội Nga vào tuần tới, và toàn bộ khu vực Luhansk có thể bị quân đội Nga kiểm soát trong vòng vài tuần.

Vào thời điểm chiến sự khẩn cấp, Ukraine liên tục hối thúc các nước phương Tây chuyển giao vũ khí và thiết bị càng sớm càng tốt. Theo báo The Guardian của Anh và Hãng tin Pháp AFP, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky mới đây đã chỉ trích "hành vi kiềm chế" của một số nhà lãnh đạo châu Âu và kêu gọi phương Tây cung cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraine.

Hãng tin AP đưa tin quân Nga đã kiểm soát 80% Severodonetsk.

Hãng tin AP đưa tin quân Nga đã kiểm soát 80% Severodonetsk.

Ông nói trang bị vũ khí của Nga "gấp hàng trăm lần" so với Ukraine, Ukraine không có đủ vũ khí tầm xa và xe bọc thép. "Nếu họ không tăng tốc độ giao vũ khí, chúng tôi (những người lính) sẽ tiếp tục chết. Nếu chúng tôi nhận được vũ khí, chúng tôi sẽ tiếp tục tiến lên”.

Ông Vadym Skibitsky, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Tình báo Bộ Quốc phòng Ukraine ngày 10/6 nói Ukraine đang thua Nga trên mặt trận và hiện gần như phụ thuộc hoàn toàn vào vũ khí do phương Tây cung cấp để kiềm chế quân đội Nga. Ngày 13/6, người phát ngôn của quân đội Ukraine đã công khai oán trách các nước phương Tây về việc viện trợ quân sự không đủ mức, nói rằng các "đối tác phương Tây" của Ukraine dường như "tự mãn" và họ tin rằng những vũ khí đã viện trợ hiện tại là đủ để cho Ukraine giành chiến thắng trong chiến tranh.

Kể từ ngày 24/2, các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga hầu như xuất hiện vô cùng vô tận. Đồng thời, viện trợ quân sự cho Ukraine cũng liên tục tăng, từ các mũ bảo hiểm, áo giáp lúc đầu đến vũ khí hạng nặng, vũ khí công nghệ cao hiện nay, mức độ viện trợ không ngừng được tăng cường.

Nhà máy Hóa chất Azot ở Severodonetsk có nguy cơ trở thành "Sự kiện Nhà máy thép Azovstal" thứ Hai.

Nhà máy Hóa chất Azot ở Severodonetsk có nguy cơ trở thành "Sự kiện Nhà máy thép Azovstal" thứ Hai.

Nhưng vào thời điểm mà cuộc xung đột Nga-Ukraine lâm vào thế giằng co, các nước phương Tây vốn ủng hộ mạnh mẽ Ukraine dường như đã cảm thấy mệt mỏi. Đài CNN ngày 3/6 dẫn lời những người quen thuộc với vấn đề này cho biết vào thời điểm lạm phát gia tăng ở nhiều nước Âu Mỹ và nguy cơ khủng hoảng lương thực bắt đầu xuất hiện, Mỹ và các đồng minh châu Âu đã tổ chức thảo luận trong các cuộc họp thường kỳ về một cuộc ngừng bắn và giải quyết xung đột thông qua đàm phán mà không thông báo cho Ukraine.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ngày 12/6 cho biết giữa Nga và Ukraine có thể thực hiện hòa bình, nhưng Ukraine có thể phải trả giá về lãnh thổ. Ông cho biết quyết định về vấn đề này nằm trong tay Ukraine và NATO tiếp tục giúp Ukraine để nước này "có được vị thế có lợi hơn" trong các cuộc đàm phán.