Bên lề hội thảo “Asean chuyển đổi số báo chí kiến tạo tri thức số” diễn ra tại Đà Nẵng ngày 21/9, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm đã có cuộc trao đổi với VietTimes xung quanh công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí của Việt Nam và những thách thức của báo chí trước tác động từ các nền tảng xuyên biên giới.
Sử dụng nhưng phải kiểm soát được công nghệ
- Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu trong các lĩnh vực, trong đó có báo chí, truyền thông. Xin Thứ trưởng cho biết tiến trình chuyển đổi số ở các cơ quan báo chí Việt Nam nói riêng và ở khu vực ASEAN nói chung?
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm: Trước tiên, tôi muốn nói một chút về hội thảo ngày hôm nay với chủ đề “Chuyển đổi số cho báo chí truyền thông kiến tạo hệ tri thức số”. Chúng tôi rất vui mừng khi thấy chủ đề này được đông đảo các nước thành viên ASEAN, từ các cơ quan báo chí cho đến cơ quan quản lý, ủng hộ và tích cực tham gia.
Chủ đề này cho thấy chúng ta đang cùng chia sẻ một số nhiệm vụ để đối mặt với những thách thức, không phải chỉ với truyền thông chính thống, mà với cả việc bảo vệ bản sắc văn hóa, cũng như duy trì hệ sinh thái truyền thống lành mạnh cho công dân của mỗi nước.
Điều này cũng là vấn đề mà những năm gần đây, Bộ TT&TT Việt Nam cùng các cơ quan báo chí đã có nhiều diễn đàn trao đổi và Bộ cũng đã chỉnh sửa, trình ban hành nhiều chính sách chiến lược để hỗ trợ. Việc này không phải chỉ đơn giản là thay đổi cách làm nghề, đưa tin, kể chuyện, mà còn phải tính đến những tác nhân ảnh hưởng vô cùng lớn đến hiệu quả công tác của chúng ta.
Nếu như ngày trước, vấn đề này đơn giản hơn, bởi ít có sự tương tác và không có sự cạnh tranh của những phương thức truyền thông mới, còn bây giờ, những phương thức truyền thông mới cùng thuật toán trí tuệ nhân tạo, những công nghệ mới, đã khiến chúng ta có lúc chậm chân, hụt hơi trong việc đưa thông tin chính thống đến với người dân.
Do đó, chúng ta phải vừa thay đổi cách làm, vừa làm sao sử dụng và kiểm soát được công nghệ đó, để thu được lợi ích. Đồng thời, chúng ta cần tìm kiếm những mô hình kinh doanh mới, thay đổi cách làm truyền thông, làm kinh tế truyền thông hiện nay, nhằm đảm bảo nguồn lực để sống được bằng nghề và thực hiện được sứ mệnh quan trọng: cung cấp thông tin và tri thức, từ đó nâng cao năng lực cộng đồng, nâng cao sức chống chịu và khả năng thích ứng cho cộng đồng các nước ASEAN và toàn bộ công dân ASEAN.
Cần thay đổi tư duy
- Thưa Thứ trưởng! Ông đánh giá như thế nào về hoạt động chuyển đổi số của báo chí Việt Nam thời gian qua? Nếu so sánh thì tiến trình chuyển đổi số của báo chí việt Nam đang ở đâu so với các nước trong khu vực?
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm: Nếu so sánh vấn đề chuyển đổi số của báo chí Việt Nam với các nước có lẽ còn hơi sớm. Có thể nói là chúng ta vẫn đang ở giai đoạn đầu về chuyển đổi số báo chí. Đây là một hành trình dài, nhưng tôi tự tin rằng báo chí Việt Nam có thể làm được.
Những năm gần đây, các cơ quan báo chí đã ý thức rất sâu sắc về vấn đề chuyển đổi số. Bởi đây là vấn đề sống còn của các cơ quan báo chí và thách thức đến tận cùng sứ mệnh của báo chí, cũng như vai trò của báo chí trong bối cảnh truyền thông số đang phát triển. Vì thế, ý thức là một yếu tố quan trọng, đặc biệt là ý thức của những người đứng đầu các cơ quan báo chí, rồi những người làm nghề... sẽ mang đến sự thay đổi.
Đây là vấn đề khó khăn, vất vả, chứ không phải đơn giản, bởi là vừa thay đổi cách làm nghề theo nghĩa đen, vừa thay đổi cách vận hành nền kinh tế truyền thống, trong đó, công nghệ cũng như những mô hình kinh doanh mới có tác động vô cùng lớn.
Hiện nay, các cơ quan báo chí ở Việt Nam đã có sự thống nhất và quyết tâm để cùng nhau giải quyết bài toán này. Ví dụ như chúng ta phải làm thế nào để không quá phụ thuộc vào công nghệ và những thuật toán phân phối nội dung của các nền tảng xuyên biên giới vốn có rất nhiều ưu việt, nhưng lại đang kiểm soát cuộc chơi đối với chúng ta.
Sự phụ thuộc này về lâu dài không phải là việc tốt. Chúng ta phải có hệ sinh thái số riêng của mình, phải có những giải pháp để đo đếm tính toán dữ liệu và kèm theo đó là những mô hình kinh doanh do chúng ta kiểm soát, để giảm phụ thuộc vào nền tảng của các bên thứ ba.
Hay cách chúng ta đưa tin, thì mục đích của việc đưa tin chắc chắn cũng sẽ thay đổi với xã hội nhiều thông tin như hiện nay, thậm chí nhiều khi chúng ta còn lâm vào tình trạng "béo phì" thông tin - khi có đủ các loại thông tin cả tốt lẫn xấu.
Thậm chí, người làm nghề báo chí phân biệt được đâu là tốt và đâu là không tốt, nhưng nhiều khi lại bị chi phối bởi những xu hướng nhất thời trên không gian mạng và điều này ảnh hưởng đến cách nhìn nhận, đánh giá, cũng như cách làm nghề. Đây là một thách thức mà những người làm nghề và những người quản lý phải vượt qua.
Chúng ta sẽ có những "người tiêu dùng" thông tin mới, thậm chí sau đó là một thế hệ hoàn toàn mới, thay đổi thói quen "tiêu dùng" sản phẩm thông tin và họ tìm kiếm thông tin theo những cách khác, mà không nhất thiết phải xem các kênh truyền thông truyền thống hay trang web của các cơ quan báo chí như cách chúng ta đang xem.
Cho nên cách kể chuyện, hay cách phục vụ độc giả trên không gian số trong kỷ nguyên mới sẽ kéo theo rất nhiều thay đổi về nhận thức, cách làm, cách tiếp cận, cách giải quyết các thách thức…
Tôi nghĩ rằng, trong bất cứ câu chuyện nào, các cơ quan truyền thông của Việt Nam cũng sẽ phải tìm được ra con đường đi riêng của mình. Như mọi người vẫn thường nói, có nhiều cách để giải quyết một vấn đề, có cách làm đúng, có cách làm sai, nhưng phải có cách làm của Việt Nam.
Phải xác định rõ "tệp khách hàng”
- Ông có chia sẻ hay gợi ý gì cho những người đứng đầu các cơ quan báo chí để thay đổi và giảm thiểu những khó khăn, cũng như áp lực cạnh tranh từ các nền tảng xuyên biên giới không, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm: Hiện nay, trong các nỗ lực của các cơ quan báo chí để duy trì hoạt động hàng ngày, có nhiều hoạt động tốn rất nhiều công sức và cả tiền bạc, nhưng mang lại hiệu quả chưa tương xứng. Hay hoạt động đầu tư gọi là đổi mới phương tiện, trang thiết bị, công nghệ kỹ thuật hoặc đào tạo, có những lúc chúng ta chưa đi đúng hướng.
Chính vì vậy, theo quan điểm của tôi, thách thức lớn nhất với lãnh đạo các cơ quan báo chí là phải phân biệt rạch ròi giữa những việc mà chúng ta nên tiếp tục làm và những việc không nên tiếp tục đầu tư.
Nhiều khi biết rõ việc mình không nên làm quan trọng không kém việc biết mình cần làm gì và ít nhất, khi xác định được những việc mà mình không nên làm sẽ giúp chúng ta tiết kiệm nguồn lực.
Các cơ quan báo chí Việt Nam hiện nay không có nguồn lực dồi dào và đang rất khó khăn với nền kinh tế báo chí đầy biến động. Cho nên, việc đầu tiên là cần xác định những việc mình không cần, giảm thiểu và cắt bỏ những công việc không hiệu quả, cũng như sự đầu tư không cần thiết. Nói đúng hơn là chúng ta phải tiến hành “giảm béo”, cắt bớt những chi phí ở những chỗ không mang lại giá trị và muốn như vậy thì phải đo đếm, định lượng.
Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí cần chú trọng nhiều hơn đến việc tận dụng những thế mạnh của công nghệ để sản xuất ra những tác phẩm báo chí và sử dụng công nghệ để phân phối nội dung, định hướng nội dung đến đúng đối tượng độc giả cần phục vụ.
Khó có thể lựa chọn mô hình kinh doanh từ việc phục vụ đa số lượng người xem, hay mô hình phục vụ tệp khách hàng người xem tuy không lớn nhưng sẳn sàng trả tiền cho nội dung có chất lượng, mà chúng ta phải thử cả hai.
Bởi hiện nay, xu thế trong nội dung trên toàn cầu cho thấy, kể cả với những nền tảng công nghệ vốn từ xưa đến nay đã chiếm vị trí độc tôn trong việc thu hút quảng cáo, thì nay cũng đang giảm mạnh và đang tìm kiếm những mô hình kinh doanh dựa trên việc người dùng trả tiền để xem nội dung.
Chúng ta cũng phải chọn lựa việc phục vụ ít người, nhưng đúng người và những người này sẵn sàng trả tiền cho nội dung của chúng ta, vì họ cần đến nội dung đó. Điều này sẽ đúng hơn là việc chúng ta phục vụ một tệp độc giả quá đông mà không rõ họ cần cái gì.
Bên cạnh đó, chúng ta phải hiểu rằng, chúng ta không phải chỉ làm nội dung thuần túy, mà là nghề kinh doanh nội dung, làm kinh tế báo chí truyền thông… Tất cả những việc đó phải thấm đẫm trong từng người lãnh đạo cho đến cả những người thực hiện ở tất cả các khâu.
Cần có sự thay đổi cách kể, phân tích nội dung nhiều hơn chứ không nên chạy theo những tin tức chung chung, ai cũng có thể làm được, không có tính cạnh tranh.
Cơ hội tìm kiếm độc giả thật sự rất khó, chính vì vậy cần có những phân khúc rõ ràng, cần chuyên môn hoá, tìm cách bán đi sản phẩm của mình sao cho hiệu quả… Tất cả các vấn đề này là của người quản lý cơ quan báo chí.
Xin cảm ơn Thứ trưởng đã trao đổi!