Đà Nẵng - địa phương đầu tiên của cả nước thực hiện chuyển đổi số đem lại nguồn thu cho ngân sách

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Cổng dữ liệu mở Đà Nẵng đã có hơn 4,68 triệu lượt truy cập, khai thác thông tin. Mục tiêu đến 2025, Đà Nẵng cung cấp ít nhất 1.000 bộ dữ liệu mở, trong đó có tối thiểu 50 bộ dữ liệu được dùng để tạo ra sản phẩm mới.

Cổng dữ liệu mở Đà Nẵng đã có hơn 4,68 triệu lượt truy cập, khai thác thông tin
Cổng dữ liệu mở Đà Nẵng đã có hơn 4,68 triệu lượt truy cập, khai thác thông tin

“Dữ liệu sạch” - cơ sở để ra quyết định chính xác

Ông Trần Ngọc Thạch - Phó Giám đốc Sở TT&TT TP Đà Nẵng - cho biết, Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị đặt mục tiêu đến năm 2030, Đà Nẵng “Hoàn thành xây dựng đô thị thông minh, kết nối đồng bộ với các mạng lưới đô thị thông minh trong nước và khu vực ASEAN”.
Chính vì vậy, từ đó đến nay, Đà Nẵng đã áp dụng công nghệ số, dữ liệu số để đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động lãnh đạo, quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền; phát triển mạnh kinh tế số, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực mới.

“Phương pháp tiếp cận theo mô hình 3 trục là “hạ tầng - dữ liệu - thông minh”. Đối với trục hạ tầng, địa phương đảm bảo hạ tầng kết nối, lưu trữ, tính toán; đảm bảo quy trình, chính sách được thống nhất, đồng bộ. Đối với trục dữ liệu, địa phương đã xây dựng, thu thập dữ liệu, chia sẻ từ các hệ thống của Trung ương, địa phương, bảo đảm công tác điều hành tác nghiệp dựa trên dữ liệu.

"Riêng đối với trục thông minh, TP đã sử dụng Kỹ thuật Công nghệ số (Cloud, IoT, AI,…) dự báo, điều hành thông minh”- ông Trần Ngọc Thạch chia sẻ.

Cũng theo ông Thạch, dữ liệu số đóng vai trò nền tảng (data centric) trong việc hỗ trợ ra quyết định (data driven). Dữ liệu số được xem là “huyết mạch”, là nguồn tài nguyên quan trọng và yếu tố then chốt quyết định thành công trong triển khai chuyển đổi số, xây dựng TP thông minh tại Đà Nẵng.

vt_du lieu mo 4.png
Ứng dụng Danang Smart City được tích hợp các ứng dụng tra cứu dữ liệu phục vụ người dân

Xác định tầm quan trọng của dữ liệu số và thực hiện chỉ đạo, hướng dẫn của Chính phủ, Bộ TT&TT, các bộ ngành và các quốc gia phát triển trên thế giới, từ năm 2019, Đà Nẵng đã xây dựng và đưa vào sử dụng thí điểm Kho dữ liệu dùng chung toàn TP để thu thập, làm sạch, chuẩn hóa các CSDL sử dụng qua các kênh dữ liệu.

Cụ thể, Đà Nẵng đã hình thành các cơ sở dữ liệu ( CSDL) nền như CSDL công dân, CSDL doanh nghiệp, CSDL nhân hộ khẩu, CSDL cán bộ công chức, CSDL địa chính và hơn 560 CSDL chuyên ngành như CSDL không gian quy hoạch đô thị, CSDL giáo dục nghề nghiệp, CSDL nguồn gốc thực phẩm, CSDL hộ tịch…

Bên cạnh đó, sử dụng Kho kết quả số thủ tục hành chính (TTHC) số (có giá trị như kết quả giấy); để các cơ quan triển khai sử dụng lại; từ đó có cắt giảm một số thủ tục hành chính (như các thủ tục cấp lại do hư hỏng, mất (toàn TP có khoảng 190 thủ tục, chiếm 10% tổng số TTHC các loại); thực hiện ngay trong ngày đối với thủ tục cấp đổi (toàn TP có khoảng 180 thủ tục); không yêu cầu người dân, doanh nghiệp nộp bản giấy thành phần hồ sơ đối với kết quả số đã có (ví dụ: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy đăng ký kinh doanh…).

Không những vậy, Đà Nẵng đã thu thập dữ liệu tự động qua các thiết bị IoT được xem là nguồn dữ liệu quan trọng của thành phố. Trong đó, gần 40.000 camera an ninh, giám sát giao thông, lĩnh vực chuyên ngành; cả do chính quyền và người dân triển khai; các cảm biến (120) từ hiện trường về đo mưa, giám sát/cảnh báo môi trường nước ao/hồ/sông và không khí, giám sát/điều khiển trạm xả, thải…

vt_du lieu mo 2.png
Dữ liệu tra cứu đối với tất cả các lĩnh vực được tích hợp trên nền tảng Cổng dữ liệu mở của TP Đà Nẵng

Ngoài ra, Đà Nẵng còn thu thập dữ liệu bằng giao thức API thông qua các ứng dụng, trang Thông tin điện tử, các nền tảng mạng xã hội. Tuy nhiên, đây là công việc tốn rất nhiều nguồn lực, từ kiểm tra, gán nhãn, chọn lọc và sử dụng.

“Kho dữ liệu dùng chung TP theo tinh thần “Dữ liệu đến đâu khai thác đến đó” không cầu toàn và định hướng đúng - đủ - sạch - sống, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo TP, cũng như cho các tổ chức, cá nhân phục vụ phát triển kinh tế số, xã hội số”- ông Thạch chia sẻ.

Đến 2025, có ít nhất 1.000 bộ dữ liệu mở phục vụ phát triển kinh tế

Theo Sở TT&TT TP Đà Nẵng, định hướng dữ liệu mở của Đà Nẵng được xây dựng trên quan điểm dữ liệu phải được tổng hợp, phân tích.

Với định hướng đó, các dữ liệu được thu thập về nền tảng tổng hợp, phân tích xử lý, từ đó đề xuất, hỗ trợ ra quyết định, đã góp phần chuyển đổi hoạt động chỉ đạo, điều hành, quản lý đô thị của các cơ quan TP.

Trong thời gian qua, Trung tâm giám sát, điều hành TP thông minh (Trung tâm IOC) đã thu thập, kết nối tập trung các dữ liệu số từ các ứng dụng, hệ thống của các cơ quan, đơn vị, cộng đồng; từ đó phân tích dữ liệu, dự báo để cung cấp gần 150 dịch vụ thống kê, điều hành và gần 50 dịch vụ cảnh báo.

“Hiện nay, chúng tôi đang tiếp tục mở rộng Kho dữ liệu dùng chung để có khả năng thu thập, xử lý các dữ liệu phi/bán cấu trúc (dữ liệu camera, IoT, cảm biến, mạng xã hội,...) để chia sẻ cho các ngành, địa phương sử dụng trong chỉ đạo, điều hành; và đặc biệt cung cấp, chia sẻ các dữ liệu cho Cổng dữ liệu mở để để chia sẻ, công khai các dữ liệu mở cho người dân, doanh nghiệp; cho phép tái sử dụng để hỗ trợ sáng tạo, khởi nghiệp, tạo ra sản phẩm, ứng dụng mới.
"Đến năm 2025, Đà Nẵng cung cấp ít nhất 1.000 bộ dữ liệu mở, trong đó có tối thiểu 50 bộ dữ liệu được sử dụng tạo ra sản phẩm mới”- ông Trần Ngọc Thạch chia sẻ.

vt_du lieu mo 3.png
Đà Nẵng kỳ vọng đến 2025 sẽ cung cấp ít nhất 1.000 bộ dữ liệu mở, trong đó có tối thiểu 50 bộ dữ liệu được sử dụng tạo ra sản phẩm mới nhằm phục vụ phát triển kinh tế

Đặc biệt, từ đầu năm 2023 đến nay, Đà Nẵng đã thu phí sử dụng, khai thác CSDL công chứng trên địa bàn đối với các tổ chức hành nghề công chứng thực hiện tra cứu thông tin ngăn chặn, thông tin giải tỏa ngăn chặn; phục vụ cho hoạt động công chứng các hợp đồng, giao dịch.

Với quy định này, Đà Nẵng là địa phương đầu tiên của cả nước thực hiện chuyển đổi số đem lại nguồn thu cho ngân sách.

Bên cạnh đó, Cổng dữ liệu TP - Nền tảng cung cấp dữ liệu mở được định hướng theo mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế số và xã hội số. “Để phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn theo đúng quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Chính phủ trong triển khai Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đó là “Người dân và doanh nghiệp là trung tâm của chuyển đổi số; lấy phát triển con người, bảo đảm và cải thiện dân sinh làm mục đích”- ông Thạch nhấn mạnh.

Từ năm 2017, Đà Nẵng đã triển khai thí điểm mở dữ liệu của cơ quan nhà nước và cung cấp dữ liệu dưới dạng dịch vụ trên Cổng dữ liệu mở để tạo ra giá trị mới cho người dân, doanh nghiệp.

Đến nay, Cổng dữ liệu mở Đà Nẵng đã có hơn 1.100 cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đăng ký tài khoản sử dụng và với khoảng hơn 4,68 triệu lượt truy cập để tìm kiếm, khai thác, tra cứu thông tin; 860 bộ dữ liệu và hơn 1,2 triệu lượt gọi dịch vụ từ các ứng dụng.

Ngoài công khai để người dân, doanh nghiệp tra cứu, tải về sử dụng; Cổng dữ liệu mở hiện cung cấp 55 bộ dữ liệu mở cho người dân, doanh nghiệp qua ứng dụng Zalo, SMS, app moible Danang Smart City.