Các nước ASEAN họp bàn ứng phó và xử lý tin sai sự thật trên không gian mạng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – “Diễn đàn nhằm tạo không gian trao đổi giữa các cơ quan quản lý, báo chí, nền tảng xuyên biên giới... Khẳng định quyết tâm của các nước ASEAN trước việc giảm thiểu tác hại của tin giả" - Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm nói.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm phát biểu tại Diễn đàn ứng phó và xử lý tin sai sự thật trên không gian mạng
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm phát biểu tại Diễn đàn ứng phó và xử lý tin sai sự thật trên không gian mạng

Trong khuôn khổ hội nghị Bộ trưởng Thông tin ASEAN (AMRI) lần thứ 16 diễn ra tại Đà Nẵng, sáng nay (19/9), Diễn đàn khu vực ASEAN về ứng phó và xử lý tin sai sự thật trên không gian mạng đã diễn ra.

Cần tạo dựng không gian thông tin lành mạnh và đáng tin cậy

Ông Nguyễn Thanh Lâm - Thứ trưởng Bộ TT&TT Việt Nam - cho biết, từ năm 2017 đến nay, về vấn đề tin sai sự thật và tin giả, ASEAN đã đưa ra nhiều tuyên bố và hoạt động nhằm tăng cường nhận thức về tác hại, như các chương trình, hội thảo chia sẻ chính sách quản lý, xử lý tin giả; các chiến dịch nâng cao hiểu biết số cho người dân để tăng cường hiểu biết và học hỏi lẫn nhau giữa các cơ quan quản lý thông tin điện tử.

vt_chong tin gia 4.png
Ông Izzad Zanman - cán bộ cấp cao Văn hóa và Thông tin Ban Thư ký ASEAN phát biểu tại diễn đàn

Đặc biệt, tại AMRI lần thứ 14, các Bộ trưởng đã thông qua khung và tuyên bố chung về giảm thiểu tác hại của tin giả, mang lại một khuôn khổ tham chiếu chung cho các nước thành viên ASEAN để tăng cường hợp tác, chia sẻ các thông tin và đề xuất các giải pháp khả thi để giải quyết vấn nạn tràn làn của tin tức giả mạo và tác động tiêu cực, vì lợi ích của người dân ASEAN.

Năm 2022, Hội nghị các quan chức cấp cao phụ trách về Thông tin ASEAN (SOMRI) lần thứ 19 chính thức thông qua sáng kiến của Việt Nam về việc thành lập Nhóm đặc trách ASEAN về Tin giả.

Tuy nhiên, các hoạt động trong giai đoạn này mới dừng lại ở việc chia sẻ chính sách và kinh nghiệm giữa các cơ quan quản lý nhà nước, chứ chưa mở rộng cho các cơ quan báo đài (tham gia với vai trò tăng cường thông tin chính thống, phát hiện, công bố và cải chính tin giả, v.v.) hay các cơ quan nghiên cứu/ đơn vị truyền thông (tham gia với vai trò như các tổ chức nghiên cứu và kiểm chứng độc lập) hay các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội xuyên biên giới.

“Do đó, việc tổ chức Diễn đàn khu vực ASEAN về Ứng phó và xử lý tin sai sự thật trên không gian mạng nhằm tạo không gian trao đổi mở giữa các cơ quan quản lý nhà nước, báo chí, nền tảng xuyên biên giới và các bên liên quan. Diễn đàn nhằm khẳng định quyết tâm của các nước ASEAN trước việc giảm thiểu tác hại của tin giả, hướng đến nỗ lực chung của ASEAN về tạo dựng một không gian thông tin lành mạnh và đáng tin cậy cho người dân”- ông Nguyễn Thanh Lâm - Thứ trưởng Bộ TT&TT Việt Nam.

vt_chong tin gia 5.png
Quang cảnh Diễn đàn khu vực ASEAN về ứng phó và xử lý tin sai sự thật trên không gian mạng, diễn ra sáng 19/9, tại Đà Nẵng

Ông Izzad Zanman - cán bộ cấp cao Văn hóa và Thông tin Ban Thư ký ASEAN - chia sẻ, các web thông tin giả nhắm đến mục tiêu chính trị và kinh tế. Để chống thông tin giả, ASEAN đã có tuyên bố chung về tác hại thông tin sai lệch trên mạng; thành lập đội phản ứng của ASEAN về tin giả - đây cũng là ý tưởng được Việt Nam đưa ra…

Cũng theo vị đại biểu này, việc phối hợp với Google, TikTok, Nhật Bản tổ chức các hội nghị, diễn đàn, tập huấn về chống thông tin giả là cần thiết. Phía Google và TikTok cũng đã tạo nền tảng để phát hiện ra các thông tin giả và giải quyết vấn đề này.

“Thời gian tới, các nước thành viên ASEAN phải làm nhiều hơn nữa để chống lại thách thức chung này. Các hướng dẫn quản lý thông tin của chính phủ trong việc chống lại tin tức giả và thông tin sai lệch trên các phương tiện truyền thông là điều rất cần thiết” - ông Izzad Zanman chia sẻ.

vt_chong tin gia 1.png
Ông Lê Quang Tự Do - Cục trưởng Cục PTTH và TTĐT, Bộ TT&TT - phát biểu tại diễn đàn

Tại Diễn đàn, các diễn giả đến từ các nước ASEAN đã cùng thảo luận và chia sẻ nhiều nội dung liên quan đến những nỗ lực của các nước ASEAN chung tay đấu tranh và xử lý tin giả, tin sai; khuyến nghị các biện pháp cho tương lai; kinh nghiệm từ các quốc gia trong khu vực và cơ quan báo chí truyền thông; các chính sách thúc đẩy hiểu biết số và chính sách truyền thông từ một số quốc gia ASEAN cũng như chính sách của các nền tảng trong xử lý tin giả, tin sai và hướng dẫn an toàn khi tham gia trực tuyến.

Từ đó đưa ra các khuyến nghị, biện pháp hợp tác, ứng phó và xử lý tin giả, tin sai trên không gian mạng; thúc đẩy hợp tác trong khu vực ASEAN, giữa chính phủ, địa phương các nước thành viên ASEAN và các nền tảng mạng xã hội.

Những bài học kinh nghiệm

Cũng tại Diễn đàn, bà Tunku Ahmad – đại diện Bộ Thông tin Malaysia - cho rằng, sự lan truyền tràn lan của tin tức giả trên Internet và mạng xã hội là một trong những vấn đề cấp bách nhất mà các chính phủ trên thế giới phải đối mặt hiện nay. Tại Malaysia, tin giả và thông tin không chính xác đã làm ảnh hưởng đến kinh tế, chính trị.

“Còn có những tin tức giả mạo có thể kích động và tạo ra sự thù hận giữa các cộng đồng đa dạng ở Malaysia, có thể ảnh hưởng đến sự đoàn kết và ổn định quốc gia…” - bà Ahmad thông tin.

vt_chong tin gia 3.png
Bà Tunku Ahmad – đại diện Bộ Thông tin Malaysia - trình bày tham luận

Chia sẻ bài học kinh nghiệm từ Malaysia, bà Ahmad - cho biết, thời gian qua Chính phủ Malaysia đã ban hành các pháp lệnh xử lý, chống lại các thông tin giả. Cổng thông tin Sebenarnya.my giúp người dân truy cập kiểm tra thông tin cũng được xây dựng. Cùng với đó là thành lập nhóm thông tin phản ứng nhanh để chống lại các tin tức chưa được xác minh…

Đại diện Bộ Thông tin Indonesia đã chia sẻ những bài học kinh nghiệm mang tính vĩ mô về ứng phó và xử lý tin sai sự thật tại quốc gia mình với 8 nội dung thực thi, 10 cách thức xác thực thông tin và 8 phản ứng đối với thông tin sai sự thật.

“Các tiêu chuẩn chung được xác nhận bởi các bên liên quan, trong đó, xây dựng niềm tin giữa công chúng và chính phủ là điều quan trọng. Từ đó có thể tăng cường công tác thông tin, đảm bảo tính xác thực của thông tin”- đại diện đến từ Indonesia chia sẻ.

Cũng theo diễn giả này, sự sai lệch của thông tin ảnh hưởng rất lớn đến việc ban hành chính sách và niềm tin của công chúng đối với Chính phủ. Chính vì vậy, các quốc gia cần truyền thông về chiến lược; giáo dục; thúc đẩy truyền thông số; áp dụng mạng lưới kiểm tra thông tin; phối hợp liên ngành liên quốc gia… và nhất là thực thi pháp luật xử lý việc phát tán và lan truyền tin giả.

vt_chong tin gia 2.png
Đại diện Bộ Thông tin Indonesia chia sẻ kinh nghiệm trong ứng phó và xử lý tin giả

“Có 10 cách để kiểm tra nguồn thông tin như điều tra nhân thân nguồn tin, tư duy người phát tán thông tin, kiểm tra cấp độ chính xác đối với thông tin… Từ đó đưa ra các ứng phó đối với thông sai sự thật. Đó có thể là kiểm tra hồ sơ nguồn tin, làm việc với các tổ chức, tạo nền tảng thông tin về kỹ thuật số… Và từ đó đưa ra những thông điệp mạnh mẽ, xác thực, có trách nhiệm và quản lý đánh giá các thông tin xác thực này”- đại diện đến từ Indonesia nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cần có cơ chế bảo vệ người dân cộng đồng trước những thông tin sai lệch; thể hiện nhiệm vụ của cơ quan báo chí… trên các nền tảng. Từ đó tăng cường tính xác thực, trách nhiệm của các bên liên quan trong ứng phó với tin giả.