Theo báo cáo tại hội nghị, năm 2018, Đoàn liên ngành phòng, chống in lậu Trung ương và các đội liên ngành phòng chống in lậu địa phương đã thực hiện 1.608 cuộc thanh tra, kiểm tra; phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính đối với 127 tổ chức, cá nhân với tổng số tiền phạt là 765 triệu đồng; tịch thu, tiêu hủy 29.753 xuất bản phẩm, 1.446 lịch block, 372 bản kẽm in.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các đại biểu dự Hội nghị, tình hình in lậu xuất bản phẩm hiện nay vẫn diễn biến hết sức phức tạp với nhiều thủ đoạn hết sức tinh vi, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà xuất bản, đơn vị phát hành sách, triệt tiêu động lực sáng tạo, làm thất thu ngân sách nhà nước. Trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu hơn về kinh tế quốc tế, các doanh nghiệp xuất bản ngày càng có xu hướng mua bản quyền các cuốn sách hay, độc đáo được xuất bản ở nước ngoài để in, phát hành tại Việt Nam nhằm phổ biến các giá trị văn hóa, kinh nghiệm quản lý doanh nghiệp, kinh nghiệm sống…
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo cho rằng, thời gian qua, hệ thống liên ngành phòng, chống in lậu, các cơ quan chuyên môn của ngành Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với các cơ quan chức năng như Công an, Quản lý thị trường, Hải quan ở Trung ương và địa phương để thực hiện các biện pháp điều tra, xác minh, ngăn chặn nhằm đấu tranh hiệu quả với tình trạng in lậu. Công tác quản lý các cơ sở in vừa đảm bảo tính chặt chẽ, vừa đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động in đang tiếp tục được hoàn thiện, bổ sung.
Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng thẳng thắn chỉ ra những bất cập về công tác quan lý in xuất bản phẩm hiện nay. Đồng thời gợi ý Hội nghị tập trung thảo luận về những giải pháp nhằm tăng cường và thực hiện có hiệu quả chống in lậu, in giả.
Để khắc phục tình trạng trên đồng thời nhằm tăng cường và thực hiện có hiệu quả công tác chống in lậu, in giả, Hội nghị đã tập trung thảo luận, đề xuất 5 giải pháp trọng tâm trong thời gian tới. Đặc biệt là biện pháp tăng cường cung cấp, trao đổi, công khai thông tin về in lậu, về các xuất bản phẩm bị đình chỉ phát hành, thu hồi, tiêu hủy nhằm có thêm cơ sở để phát hiện, xác định, xác minh, xử lý đối tượng vi phạm; tăng cường phối hợp giữa các ngành, trong đó ngành xuất bản và quản lý thị trường là lực lượng trọng tâm nhằm thực hiện các cuộc kiểm tra đột xuất cơ sở in, lực lượng công an đóng vai trò nòng cốt trong điều tra, phát hiện hành vi in lậu; đồng thời, tăng cường phối hợp với các đơn vị quân đội, công an, ban quản lý các khu công nghiệp để thực hiện kiểm tra các cơ sở in.