Bộ GTVT phấn đấu đến cuối năm 2018 toàn bộ các trạm chỉ có làn ETC (vẫn có barier), hết năm 2020 sẽ bỏ barier tại các thu phí.
Tuy nhiên, một số nhà đầu tư BOT bày tỏ băn khoăn về tính kết nối của công nghệ thu phí các tuyến đường giữa các nhà cung cấp dịch vụ thu phí ETC được làm như thế nào? Có quy chuẩn thống nhất trên toàn hệ thống không? Bảo trì, bảo dưỡng hệ thống ra sao? Thời gian hoàn tiền cho nhà đầu tư có vướng nhiều thủ tục hay không?...
Chưa thể bỏ "văn hóa" trả bằng tiền mặt?
Theo ông Vũ Quang Lâm, Tổng giám đốc Công ty cổ phần VETC (Tasco) - nhà đầu tư và vận hành hệ thống thu phí ETC, Bộ Giao thông Vận tải đã lựa chọn nhà đầu tư là Tasco để triển khai công nghệ nhận dạng tần số sóng vô tuyến (RFID) đối với 28 trạm phí trên Quốc lộ 1 và Quốc lộ 14.
“Trong giai đoạn đầu, các trạm thu phí vẫn áp dụng song song một cảthu phí không dừng và một dừng để phục vụ đa dạng nhu cầu chủ phương tiện,” ông Lâm cho hay.
Ông Ngô Trọng Nghĩa, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4 (Cienco 4) - đại diện chủ đầu tư của 2 trạm thu phí BOT trên Quốc lộ 1 (Nghi Sơn-Cầu Giát và Vinh-Bến Thủy) cho biết, việc thực hiện lắp đặt trạm thu phí không dừng giúp giải quyết tránh ùn tắc, minh bạch công tác thu phí nhưng khi thực hiện chuyển sang thu phí không dừng cũng phải làm sao để tích hợp được các loại vé tháng, vé quý, tiện lợi cho cả nhà đầu tư và không ảnh hưởng đến người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, ông Nghĩa cũng lo ngại đến việc khi hệ thống ETC này vào vận hành thì nhân viên thu phí của trạm chắc chắn sẽ giảm. Do đó, ông đề nghị Bộ Giao thông Vận tải có Thông tư hướng dẫn chế độ cho người lao động dôi dư vì một số trạm đang có hợp đồng dài hạn.
Ông Trịnh Xuân Phúc, Tổng giám đốc công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên hạ tầng Sông Đà đưa ra giả thuyết thắc mắc, trong công tác phối hợp hợp giữa Tasco và nhà đầu tư BOT cũng cần phải quy định trách nhiệm rõ ràng của các bên bởi nếu thiết bị thu phí lỗi khi gọi đơn vị cung cấp dịch vụ lại hạch sách, chậm trễ khắc phục.
Trả lời luôn vấn đề này, lãnh đạo Tasco cam kết, hệ thống ETC sẽ vận hành trực tuyến liên tục. Đối với trường hợp hệ thống hỏng hóc không thể thu phí trong một giờ thì phía Tasco sẽ phải bồi thường cho nhà đầu tư thông qua ký kết thỏa thuận.
Bổ sung thêm, Thứ trưởng phụ trách Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường nêu ví dụ, bên Đài Loan, khi hệ thống thu phí ETC cần bảo trì bảo dưỡng, trong vòng một tiếng, đơn vị đó phải có mặt ở hiện trường sửa chữa thay thế ngay. Trong quá trình làm phải có sự phối hợp tích cực giữ nhà đầu tư với đơn vị thu phí. Nếu Tasco làm không tốt các đơn vị có thể dừng hợp đồng ký kết vận hành thu phí ETC.
Đại diện Ngân hàng BIDV cho biết, hệ thống thu phí ETC nên thống nhất theo chủ trương của Bộ Giao thông Vận tải là làm theo công nghệ tiên tiến nhất, nên tập trung công nghệ này nhằm kết nối các hệ thống để đỡ lãng phí.
“Với công nghệ của Tasco, đơn vị đã chạy thử và thử nghiệm thành công các giao dịch. Tiền thu phí sẽ được chuyển vào tài khoản của nhà đầu tư ngay trong ngày bất kể nhà tài trợ vốn là ngân hàng nào để đảm bảo không bị thất thoát,” đại diện ngân hàng BIDV nói.
Xe đi từ Bắc-Nam chỉ cần 1 thẻ thu phí
Đề cập đến tính kết nối giữa các trạm phí ETC, Thứ trưởng Trường đặt ra câu hỏi, thu phí tự động của các tuyến đường cao tốc do các đơn vị cung ứng dịch vụ khác làm và của Tasco có liên kết được với nhau không?
Ông Mai Tuấn Anh, Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho rằng, VEC sẽ triển khai dự án thu phí tự động không dừng theo công nghệ thẻ điện tử RFID (E-tag) trên các tuyến cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình và Nội Bài-Lào Cai của Liên danh Công ty Trách nhiệm hữu hạn Frontier Solution Vietnam và Tập đoàn Viễn thông Quân đội theo mô hình xã hội hóa.
“Chủ trương việc thực hiện thẻ RFID về kỹ thuật công nghệ không có vấn đề gì mà liên quan đến văn hóa sử dụng tiền mặt. Phải dứt điểm việc không dùng tiền mặt, nếu xử lý được thì mọi việc sẽ rất đơn giản. Trường hợp không thể thay đổi ngay lập tức thì phải quy định rõ ràng với tất cả các phương tiện đều phải sử dụng công nghệ này bởi đầu tư rất nhiều tiền nhưng khai thác có hiệu quả hay không? Do đó, hệ thống thu phí ETC cần có tiêu chuẩn chung thống nhất chứ không phụ thuộc vào công nghệ nào,” ông Tuấn Anh bày tỏ quan điểm.
Trạm thu phí tự động không dừng sẽ giúp phương tiện giảm thời gian dừng, đỗ trả tiền phí như hiện nay. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Là đơn vị chịu trách nhiệm thu phí hoàn vốn tuyến đường Pháp Vân-Cầu Giẽ, đại diện Công ty cổ phần BOT Pháp Vân-Cầu Giẽ cho biết, hạng mục trạm thu phí đã triển khai làm xong 17 làn thu phí ETC, sẵn sàng triển khai trong tháng Ba, tháng Tư này.
“Chúng tôi đã làm việc với nhà cung cấp dịch vụ thu phí tự động ETC là Happro và họ khẳng định hoàn toàn có thể kết nối được giữa các trạm khi xe đi từ Bắc vào Nam mà chỉ cần 1 thẻ E-tag dán trên kính phương tiện,” đại diện Công ty BOT Pháp Vân-Cầu Giẽ nói.
Đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam đề xuất quy định bắt buộc chủ phương tiện phải gắn thẻ E-tag trên xe và lập tài khoản để nộp phí tránh tình trạng bán xe rồi vẫn trừ tiền thẻ cũ gây bất tiện. Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải bác đề xuất này và yêu cầu Cục Đăng kiểm tăng cường tuyên truyền cho chủ xe tự nguyện dán thẻ E-tag khi đăng kiểm xe.
Theo Thứ trưởng Trường, các đơn vị phải chuẩn hóa việc mua thẻ E-tag thu phí không dừng ở tất cả trạm đăng kiểm cho lái xe nắm được thông tin để mua thẻ rút ngắn thời gian đi lại.
Thẻ E-tag (hình chữ nhật) được dán trên kính xe phía bên trái của tài xế điều khiển. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
“Có nhà đầu tư cho rằng, Bộ cứ ban hành tiêu chuẩn rồi để nhà đầu tư tự mua và lắp đặt, tự thu phí. Nếu làm như thế thì tiền đắt gấp 3 lần so với triển khai đồng loạt vì mua một cái chắc chắn đắt hơn mua nhiều cái mà còn không liên thông được với nhau. Không có cơ quan quản lý Nhà nước nào cho phép làm thế. Dự án này được triển khai với đơn giá rất minh bạch, xuất xứ hàng hoá rõ ràng, quá trình thực hiện công khai. Công nghệ thu phí ETC khác nhau thì Bộ đã giao cho Vụ Khoa học Công nghệ để khi lắp thiết bị đó vào thì công nghệ nào cũng dùng được,” Thứ trưởng Trường khẳng định.
Để sử dụng dịch vụ thu phí tự đồng không dừng, chủ phương tiện sẽ áp được phát một thẻ định danh E-tag (miễn phí) để dán lên kính trước xe và kèm theo một tài khoản thu phí để giao dịch. Tài khoản này có thể nạp tiền bằng nhiều kênh khác nhau như nạp trực tiếp, qua mạng internet, qua ngân hàng, qua thẻ cào, gửi tin nhắn bằng điện thoại.
Sau khi xe được gắn thẻ E-tag chạy vào làn thu phí không dừng, hệ thống sẽ nhận diện chụp biển số và phát tín hiệu để đọc thẻ E-tag.
Hình ảnh và thông tin được chuyển về trung tâm dữ liệu để xử lý và kiểm tra số dư tài khoản thu phí của xe. Nếu tài khoản thu phí của xe đủ điều kiện, thanh chắn barrier sẽ mở tự động để xe qua, tin nhắn SMS sẽ gửi về số điện thoại đã đăng ký.
Trường hợp tài khoản thu phí của xe không đủ tiện hoặc xe không dán thẻ E-tag đi vào làn thu phí tự động, hệ thống sẽ tự động chuyển sang chế độ thu phí một dừng (MTC).
Theo TTXVN