Theo số liệu mới nhất được Bộ Tài chính công bố ngày 02/07/2016, tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) 6 tháng đầu năm 2016 ước đạt 476,8 nghìn tỷ đồng, bằng 47% dự toán năm, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm 2015.
Về chi NSNN, Bộ Tài chính ước đạt 562,5 nghìn tỷ đồng, bằng 44,2% dự toán năm, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2015, cơ bản đáp ứng các nhiệm vụ chi theo dự toán được giao.
Tuy nhiên, trước đó chỉ 3 ngày, ngày 30/6 Tổng cục Thống kê công bố tổng thu NSNN từ đầu năm đến thời điểm 15/6/2016 ước tính đạt 425,6 nghìn tỷ đồng, bằng 42% dự toán năm. Trong đó thu nội địa đạt 343,8 nghìn tỷ đồng, bằng 43,8%; thu từ dầu thô 17,7 nghìn tỷ đồng, bằng 32,5%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu 63,0 nghìn tỷ đồng, bằng 36,6%.
Như vậy, số thu NSNN được công bố bởi Bộ Tài chính và Tổng cục Thống kê có sự vênh nhau lên đến 51,2 nghìn tỷ đồng với mức lớn hơn thuộc về con số do Bộ Tài chính công bố.
Tại buổi Họp báo Sơ kết 6 tháng đầu năm của Bộ Tài chính, ông Đào Xuân Tuế, Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước (Bộ Tài chính) lý giải: “Sở dĩ có sự chênh lệch này là do con số của Tổng cục Thống kê là số lũy kế từ đầu năm đến ngày 15 tháng 06. Còn con số do Bộ Tài chính công bố là số lũy kế ước tính đến ngày 30 tháng 6. Do thời gian cách nhau nửa tháng, nên việc vênh nhau về số liệu giữa hai cơ quan là điều bình thường,”.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cũng khẳng định hoàn toàn không có số liệu khác nhau giữa hai cơ quan, việc khác nhau chẳng qua là thời điểm lấy số liệu khác nhau chứ không phải là không chính xác.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, mức tăng 6,1% số thu NSNN trong 6 tháng đầu năm là mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ trong 2 năm gần đây. Trong đó, thu nội địa đạt 48,8% dự toán năm, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2015; thu dầu thô đạt 37,2% dự toán năm, giảm 44,8% so với cùng kỳ năm 2015; thu xuất nhập khẩu đạt 41,9% dự toán, giảm 2,2% so với cùng kỳ năm 2015.
Tiến độ thu ngân sách địa phương đạt khác so với dự toán và tăng so với cùng kỳ năm 2015. Tính chung, thu ngân sách địa phương 6 tháng đầu năm đạt khoảng 55% dự toán, trong đó có 45 địa phương thu đạt từ 50% dự toán năm trở lên, 57 địa phương thu cao hơn so với cùng kỳ năm 2015, tuy nhiên cũng có một số địa phương tiến độ thu đạt thấp so với dự toán được giao. Trong khi đó, thu ngân sách trung ương thấp, mới đạt khoảng 42% so với dự toán năm và thấp hơn so với tiến độ thu cùng kỳ năm trước (đạt 46,3%), chủ yếu do giá dầu thô giảm và thực hiện cắt giảm thuế theo cam kết khi gia nhập các hiệp định thương mại tự do.
Cũng theo Bộ Tài chính, trong 6 tháng đầu năm đã sử dụng khoảng 2.900 tỷ đồng nguồn dự phòng ngân sách trung ương, chủ yếu để hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả hạn hán và xâm nhập mặn, hỗ trợ giống khôi phục sản xuất sau thiên tai, xử lý sự cố môi trường biển nghiêm trọng ở một số tỉnh miền Trung.
Theo Infonet