Brexit, đồng yen và nợ công

Giá trị vốn hóa của thị trường chứng khoán Việt Nam giảm 26.000 tỉ đồng vào ngày Anh công bố kết quả bỏ phiếu rời EU. VN-Index đã có lúc mất tới 34 điểm chỉ trong vòng 15 phút giao dịch của đầu phiên chiều ngày 24-6-2016, mức giảm kỷ lục trong nhiều năm qua, trước khi phục hồi trở lại vào cuối phiên.
Hiện gần 40% nợ công của Việt Nam là vay bằng đồng yen, tương ứng 45 tỉ đô la Mỹ, bằng đô la Mỹ chiếm 25% và bằng euro 15%. Ảnh: Internet
Hiện gần 40% nợ công của Việt Nam là vay bằng đồng yen, tương ứng 45 tỉ đô la Mỹ, bằng đô la Mỹ chiếm 25% và bằng euro 15%. Ảnh: Internet

Đó là tác động trực tiếp mà doanh nghiệp cũng như người dân có thể nhìn thấy, cân đong đo đếm được, nhưng chứng khoán Việt Nam vốn biến động thất thường, xuống mạnh và lên cũng mạnh rất nhanh chóng. Hơn nữa, chứng khoán chưa thực sự là hàn thử biểu, là kênh huy động vốn chủ yếu của nền kinh tế, nên biến động của VN-Index phải lùi lại phía sau, nhường chỗ cho một vấn đề thiết thực hơn là nợ công và tỷ giá.

“Hiện gần 40% nợ công của Việt Nam là vay bằng đồng yen (Nhật), tương ứng 45 tỉ đô la Mỹ, tiếp theo nợ công bằng đô la Mỹ chiếm 25% và bằng euro 15%. Gánh nặng trả nợ nước ngoài, thâm hụt ngân sách vốn đã lớn trong năm nay và các năm tiếp theo, đang bị đè nặng hơn khi đồng yen lên giá”, ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Trưởng bộ phận phân tích của Công ty Chứng khoán Sài Gòn, nhấn mạnh trong một bản tin đánh giá về Brexit mới đây.

Bất chấp sự can thiệp và những động thái cảnh báo sẽ còn tiếp tục can thiệp của Ngân hàng Trung ương Nhật (BOJ) về sự mạnh lên thái quá của đồng yen, cả trước lẫn sau khi xảy ra Brexit, giới đầu tư quốc tế đã dịch chuyển tiền từ các tài sản rủi ro vào các “hầm trú ẩn” như vàng, trái phiếu chính phủ Mỹ và đồng yen.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết đang và sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình bên ngoài, song khả năng điều chỉnh tỷ giá lúc này chưa có cơ sở xác thực.

Trước Brexit các quỹ đầu cơ ngoại tệ đã nâng trạng thái mua ròng đồng yen lên mức cao kỷ lục tương đương 5,3 tỉ đô la Mỹ chỉ trong một tuần, theo thống kê của Ngân hàng ANZ. Sự tăng giá của đồng yen tỏ ra không có điểm dừng khi mốc 100 yen đổi một đô la Mỹ đã rất gần (tỷ giá ngày 24-6-2016 là 102,19 yen/đô la Mỹ), cao nhất trong ba năm trở lại đây. Một số tổ chức tài chính quốc tế bắt đầu nói đến mốc 92-95 yen/đô la Mỹ.

Tính từ đầu năm đến nay đồng yen tăng giá 15,07% so với đô la Mỹ và gần 17% so với tiền đồng (tỷ giá ngày 31-12-2015 là 187,86 đồng/yen và ngày 24-6-2016 là 219,76 đồng/yen theo Vietcombank). Ngân khố quốc gia đang chi nhiều tiền hơn cho các khoản nợ gốc cộng lãi đến hạn phải trả bằng đồng yen trong năm nay.

Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, việc điều chỉnh tỷ giá hối đoái tiền đồng/đô la Mỹ 5% trong tháng 8 năm ngoái đã làm nợ công tăng thêm một mức tương đương 0,9% GDP. Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp so với thu ngân sách năm 2014 là 13,8%, nhưng đã “nhảy” lên 16,2% năm 2015. Không biết năm nay với sự tăng giá của đồng yen, sự biến động của nợ công và nghĩa vụ trả nợ so với thu ngân sách sẽ thế nào.

Ở tầm vi mô, những doanh nghiệp vay nợ bằng đồng yen sẽ ghi nhận những khoản lỗ chênh lệch tỷ giá không hề nhỏ trong sáu tháng đầu năm. Tổng công ty Cảng hàng không (ACV) có khoản vay 70 tỉ yen để đầu tư nhà ga T2 sân bay Nội Bài và sân bay Tân Sơn Nhất. Trong quí 1-2016, ACV báo lỗ tỷ giá do đồng yen lên giá 761 tỉ đồng. Khi ấy tốc độ lên giá của đồng yen chưa là gì so với hiện tại. Giả sử lấy tỷ giá đồng yen bây giờ làm căn cứ, ACV sẽ phải trích lập dự phòng rủi ro tỷ giá lên đến 2.240 tỉ đồng cho nửa đầu năm nay.

Công ty Nhiệt điện Phả Lại (PPC-Hose) đến cuối quí 1 vừa qua còn khoản nợ bằng đồng yen là 22,2 tỉ. PPC có khả năng phải trích lập dự phòng rủi ro tỷ giá 710 tỉ đồng cho sáu tháng đầu năm 2016.

Đồng yen chỉ là một dẫn chứng điển hình về tác động của Brexit đối với thị trường tài chính toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Các ngoại tệ khác như bảng (Anh), euro, nhân dân tệ đã sụt giảm giá trị đáng kể so với đô la Mỹ. Đồng nhân dân tệ lần đầu tiên trong hàng thập kỷ qua đã vượt mốc 6,6 tệ/đô la Mỹ. Tính từ đầu năm đến nay đồng tệ chỉ mất giá 1,87% so với đô la Mỹ. Tuy nhiên sự biến động của đồng tiền này đáng theo dõi bởi kim ngạch thương mại Việt - Trung cả chính ngạch lẫn tiểu ngạch rất lớn.

Ở một góc độ khác, đồng đô la Mỹ mạnh lên có thể làm trì hoãn các bước nâng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và trong thời điểm có nhiều sự bất ổn đi kèm sự đầu cơ trên diện rộng, không quốc gia nào muốn đồng tiền của mình quá mạnh để thu hẹp sự cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu. Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết đang và sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình bên ngoài, song khả năng điều chỉnh tỷ giá lúc này chưa có cơ sở xác thực. Cơ chế tỷ giá trung tâm đang vận hành tốt, đã có tính đến dư địa cho khả năng Fed nâng lãi suất và sự yếu đi của đồng nhân dân tệ. Hơn nữa, nguồn cung ngoại tệ vẫn đang lấn lướt cầu. Việt Nam, dẫu thế nào, vẫn nằm tương đối xa tâm bão ở châu Âu và nằm trong số những nền kinh tế có mức tăng trưởng cao của thế giới. 

Theo TBKTSG